Được mệnh danh là người “vẽ tranh bằng chỉ”, nghệ nhân Nguyễn Cao Bính, xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư, đã cho ra đời hàng nghìn tác phẩm tranh thêu cao cấp. Và ông là thợ thêu duy nhất ở làng nghề thêu Minh Lãng được phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Gần cả cuộc đời gắn bó, ông vẫn say nghề và miệt mài lưu giữ tinh hoa của làng nghề hàng trăm năm tuổi.
Những bức tranh thêu về Bác của nghệ nhân
Những bức tranh thêu phong cảnh, làng quê thanh bình, sống động. Những bức tranh thêu chân dung hiện lên sắc nét. Đó là những tác phẩm từ người nghệ nhân vừa nắm vững kỹ thuật thêu, vừa có kiên thức về hội họa và khả năng tưởng tượng để phối hợp hài hòa các họa tiết trong không gian ba chiều.
Cũng giống như bao người con khác được sinh ra và lớn lên từ vùng quê với nghề thêu truyền thống xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư. Những cây kim, sợi chỉ, những khung thêu đã là những vật dụng gắn bó và trở thành máu thịt đối với ông Nguyễn Cao Bính và mỗi thợ thêu nơi đây, từ bao đời nay. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề, từ ông, bà, bố mẹ và giờ ông Nguyễn Cao Bính, thôn Bùi Xá, xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư, vẫn đang trực tiếp giữ lửa làng nghề, dù ông đã 67 tuổi đời. Đối với ông Nguyễn Cao Bính, thì nghề thêu đã đi vào tiềm thức và trở thành nghề mà ông bén duyên từ khi còn rất nhỏ, khi ông mới chỉ 8 tuổi.
Nghệ nhân thêu tranh Nguyễn Cao Bính, thôn Bùi Xá, xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư: “Cái cơ duyên từ khi còn nhỏ tôi đã đam mê, yêu thích thêu. Tôi bắt đầu học thêu từ cái lá, bông hoa, rồi ngày đó thêu đôi chim, câu chúc hạnh phúc ở trên gối cưới của mà chị em rất thích. Rồi dần dần tôi chuyển sang thêu tranh.” |
Tác phẩm tranh thêu của Nghệ nhân thêu tranh Nguyễn Cao Bính
Bén duyên với nghề từ khi còn rất nhỏ, để rồi, nghề và công việc của làng nghề đã thôi thúc và ngấm dần vào trong tâm trí của ông, khiến ông Nguyễn Cao Bính trở thành tay kim lành nghề tại địa phương. Gắn bó dành trọn cả cuộc đời với nghề thêu tranh cao cấp. Thấm thoát đã hơn 50 năm trong nghề, không lúc nào, ông Nguyễn Cao Bính ngừng nghỉ tay kim. Cơ sở thêu tranh mỹ nghệ cao cấp do ông làm chủ vẫn luôn sáng đèn…và lúc nào ông cũng miệt mài bên khung thêu. Tranh thêu của ông thường khai thác các đề tài phong phú, đa dạng trong cuộc sống, tất cả đều được phản ánh chân thực thông qua những bức tranh thêu tay với đường nét tinh tế, từ cảnh vật đến con người. Chính ông cũng tâm sự, tranh chân dung đòi hỏi kỹ năng nhiều nhất, tốn nhiều công sức và khiến ông trăn trở nhiều nhất. Bởi thêu chân dung là phải giữ được cái hồn và bắt được cái thần thái của người được thêu. Đặc biệt, những bức tranh thêu chân dung về Bác Hồ đã trở thành đề tài mà ông tâm huyết và dành trọn tâm trí của mình.
Nghệ nhân thêu tranh Nguyễn Cao Bính, thôn Bùi Xá, xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư: “Nói về thêu tranh chân dung thì đến nay tôi đã thêu 69 bức tranh, trong đó có 19 bức tranh thêu về Bác Hồ. Có lẽ cuộc đời tôi tôn thờ Bác nên tôi thêu nhiều bức tranh như hình Bác ngồi làm việc ở Phủ chủ tịch, rồi ảnh chân dung Bác… Đó đều là những bức tranh thêu để đời và quý giá.” |
Phòng trưng bày các tác phẩm tranh thêu của Nghệ nhân Nguyễn Cao Bính
Những bức tranh thêu mà ông Nguyễn Cao Bính đã làm ra, chính ông cũng không thể nhớ và đếm xuể. Chỉ biết rằng, từ những bức tranh thêu đó, mà danh tiếng bậc thầy của làng nghề thêu Minh Lãng đã được vươn xa và được đánh giá rất cao. Là người lưu truyền tinh hoa làng nghề thêu truyền thống, hơn 50 năm nay ông Nguyễn Cao Bính, thôn Bùi Xá, xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư đã gắn bó với nghề tranh thêu mỹ nghệ cao cấp. Tháng 12 năm 2008, Ông Nguyễn Cao Bính được Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề, khi ông tròn 42 năm tuổi nghề. Hiện ông Bính là nghệ nhân duy nhất ở làng nghề thêu Minh Lãng. Và cũng là một trong số ít những nghệ nhân làng nghề thêu truyền thống ở nước ta.
Nghệ nhân thêu tranh Nguyễn Cao Bính, thôn Bùi Xá, xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư: “Cuộc đời tôi đã 2 lần nhận vinh dự Hiệp hội làng nghề Việt Nam, đó là năm 2008 tôi được phong tặng là Nghệ nhân, 2018 phong Bảng vàng gia tộc. Đó cũng là vinh dự là trọng trách và cũng là nỗi niềm để tối luôn muốn sống mãi và lưu truyền lại nghề tranh thêu thủ công mỹ nghệ.” |
Những người thợ thêu tỉ mỉ từng mũi kim
Sự tài hoa từ những nét chấm phá nghệ thuật qua những đường kim mũi chỉ từ đôi bàn tay của người nghệ nhân ấy, như tạo nên hồn cốt, sinh động cho mỗi bức tranh thêu thủ công. Hiện những tác phẩm, những bức tranh thêu do ông làm ra, được trưng bày tại nhiều gian hàng tại các điểm du lịch có tiếng tại các tỉnh thành như Quảng Ninh, Ninh Bình và Thủ đô Hà Nội…Thậm chí xuất bán ra nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan…. Ngoài ra, nghệ nhân Nguyễn Cao Bính vẫn đang tiếp tục thực hiện công việc truyền lửa, truyền kỹ thuật thêu cho những người dân đam mê và mong muốn duy trì phát triển nghề thêu truyền thống của quê hương Minh Lãng nói riêng, nghề thêu của tỉnh Thái Bình nói chung.
Bà Hoàng Thị Phượng, thôn Bùi Xá, xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư: “Tôi đã theo học và làm việc tại cơ sở thêu tranh của Nghệ nhân Nguyễn Cao Bính hơn 30 năm nay rồi. Thấy là người rất đa tài hội tụ đầy đủ yếu tố từ hội họa, đến khéo léo tài hoa của đôi tay khi thêu lên những bức tranh thêu cao cấp. Chúng tôi cố gắng học hỏi ở nghệ nhân để gắn bó với cây kim sợi chỉ với nghề thêu của làng nghề quê hương.” |
Những tấm bằng khen của Nghệ nhân thêu tranh Nguyễn Cao Bính
Trước những biến động của kinh tế thị trường, cũng giống như các làng nghề truyền thống khác, làng nghề thêu Minh Lãng cũng có nhiều giai đoạn thăng trầm và gặp khó khăn. Theo như ông Bính kể lại rằng, nghề thêu truyền thống tại quê hương ông, so với trước đây, có nhiều thay đổi. Thay đổi bởi do tác động của thị trường, của ngành nghề, khi mà thế hệ làm nghề những năm gần đây đang dần thiếu vắng. Chính điều đó, cũng là nỗi lòng khiến người nghệ nhân như ông luôn đau đáu, luôn muốn giữ mãi ngọn lửa nhiệt huyết của người làm nghề.
Nghệ nhân thêu tranh Nguyễn Cao Bính - thôn Bùi Xá, xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư: “Nghề thêu nó yêu cầu nhiều yếu tố nhưng cũng cần sự kiên trì, tỷ mỉ. Mà lương lại thấp, nếu bình thường thì chỉ tầm 4 triệu/tháng, còn thêu lành nghề hơn thì 6 triệu. Thấp hơn so với người trẻ họ đi làm việc ở công ty. Mà đã nhiều năm nay rồi không có 1 lớp trẻ nào đến học nghề.” |
Nghệ nhân thêu tranh Nguyễn Cao Bính miệt mài với tác phẩm của mình
Điều kỳ vọng lớn nhất của người nghệ nhân thêu tranh như Nghệ nhân Nguyễn Cao Bính, đó là giữ được tinh hoa làng nghề truyền thống, nghề thêu sẽ còn được lưu truyền mãi mãi từ thế hệ này sang thế hệ khác, để người dân sống mãi với nghề và sung túc, ấm no từ nghề. Với ông Bính, được sống trọn nghĩa vẹn tình với nghề cũng là điều dễ hiểu. Tuy rằng, vẫn còn đâu đó, những nỗi lo, những ưu tư khi làng nghề truyền thống đang dần thiếu vắng lao động, thì những nghệ nhân làng nghề, những người thợ lành nghề như ông Nguyễn Cao Bính, họ như “mạch ngầm” giữ lửa cho mỗi làng nghề truyền thống, để gìn giữ và phát huy mãi mãi tinh hoa làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi….
Phương Thúy
Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc...
Sáng ngày 21.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết...
Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận,...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...