Điện ảnh hướng đến hiện thực dưới đáy

Thứ 4, 26/06/2019 | 15:46:12
801 lượt xem

Điện ảnh Việt Nam nên học Hàn Quốc, trong lúc nói lên những vấn đề riêng của mình đã khái quát hóa thành vấn đề chung của nhân loại

Cho đến nay, "Uirijeok Gutu" (ra đời năm 1919) vẫn được xem là bộ phim điện ảnh đầu tiên của Hàn Quốc. Từ đó đến giờ, nền điện ảnh ấy đã trải qua 100 năm. Cho nên khi "Ký sinh trùng" của Bong Joon Ho trở thành bộ phim tiếng Hàn đầu tiên đoạt Giải Cành cọ vàng Liên hoan Phim (LHP) Cannes lần thứ 72, nó không chỉ có ý nghĩa cá nhân với đạo diễn Bong mà còn ghi nhận lịch sử 100 năm của nền điện ảnh xứ kim chi. 

Cảnh trong phim “Ký sinh trùng”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp) 

Nhiều người cho rằng "Ký sinh trùng" không phải bộ phim Hàn hay nhất, cũng như không phải là phim xuất sắc nhất của Bong Joon Ho. Nhưng "Ký sinh trùng" giành được giải thưởng Cành cọ vàng lần thứ 72 là điều không thể phủ nhận.

Thật ra, nếu xem lại 2 phim đoạt Cành cọ vàng những năm trước đó, sẽ thấy "Ký sinh trùng" sử dụng thứ "hài hước đen" từng có ở bộ phim "The Square" (tạm dịch: "Hình vuông") của đạo diễn Thụy Điển Ruben Östlund - chủ nhân Cành cọ vàng lần thứ 70. Đầy tính châm biếm, cả hai phim đều trực diện mổ xẻ tầng lớp vẫn được xem là thượng lưu tinh hoa.

Một mặt, "Ký sinh trùng" cũng gợi nhắc đến Cành cọ vàng lần thứ 71, "Shoplifters" (tên Việt: "Kẻ trộm siêu thị") của đạo diễn người Nhật Hirokazu Kore-eda. Nhân vật trong "Shoplifters" cũng sống ký sinh vào thế giới tiêu dùng hiện đại của xã hội Nhật Bản, đồng thời họ cộng sinh lấy nhau hình thành một mô hình gia đình nghịch dị, với những con người không có quan hệ máu mủ ngẫu nhiên gắn với nhau vừa khít thành một tổ ấm, gợi nhắc đến các tiểu thuyết của Banana Yoshimoto. "Gia đình" ấy sống lay lắt bằng nghề ăn trộm từ ông chú ngoài 50 tuổi tới thằng nhóc đang học tiểu học... nhưng ta lại thấy ở họ thứ tình cảm gia đình mà có lẽ một gia đình máu mủ trong xã hội ngày nay còn hiếm gặp hơn.

Dường như được tạo ra để chống lại thứ lãng mạn phù phiếm của những bộ phim truyền hình nhiều tập, điện ảnh Hàn Quốc không ngần ngại gây hấn với cái thế giới xa hoa giả tạm ấy để khai thác nỗi bất an của con người hiện đại. Tái hiện lại câu chuyện có thật, phim "Silenced" ("Sự im lặng", 2011) của Hwang Dong Hyuk miêu tả hành trình đi tìm công lý của thầy giáo Kang In Ho, quyết tâm phanh phui việc lạm dụng tình dục các em học sinh bị thiểu năng trong một trường học. Hay chân xác như "Hope" ("Hy vọng", 2013) của Lee Jun Ik đi theo hành trình vi thường của bé gái 8 tuổi, trong quá trình hồi phục, sau khi bị xâm hại và hành hạ dã man.

Park Chan Wook, Kim Ki Duk, Bong Joon Ho… dường như thay phiên nhau tái dựng một thế giới đậm không khí Dostoevsky, với những con người bị quỷ ám, những kẻ dưới hầm, đầy rẫy tội ác và không thiếu hình phạt, dù hình phạt ở đây không phải lúc nào cũng là thứ công lý của vị pháp quan. Trong phim của họ rợn một không khí phi lý. Người đàn ông trong "Old Boy" (2003) của Park Chan Wook bị đột ngột giam giữ trong một căn phòng kín suốt nhiều năm trời, khi được thả ra thì quyết báo thù những kẻ giam mình và lúc trả được thù thì lại chọn tự giam mình trong nhà ngục ngày trước. "Ký sinh trùng" cũng có tiến trình tương tự, những nhân vật trong phim muốn thoát khỏi cuộc sống "dưới hầm", muốn bước lên để thấy "ánh sáng" nhưng đến cuối lại trở về sống trong căn hầm thật sự để lẩn trốn và sám hối.

Nếu "Xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân" (2003) của Kim Ki Duk còn phảng phất chút vị thiền môn thì càng về sau, thế giới của Kim càng duy ác, ngập ngụa trong những mối quan hệ vô luân. Dường như xã hội con người đi đến chỗ đánh mất những nền tảng để giữ nó không trượt về dã man. Các quan hệ gia đình đứt gãy, thiết chế xã hội lỏng lẻo, pháp luật bị thao túng, thiện - ác chỉ còn là những phút giây đột khởi bùng lên từ trong mỗi con người, đưa cái tôi văn minh trở về cái tôi bản năng bị chi phối bởi cảm tính.

Điện ảnh Hàn Quốc trong lúc nói lên những vấn đề riêng của mình đã khái quát hóa thành vấn đề chung của nhân loại. Bởi chúng ta ngày nay phải đối diện với những "kẻ thù" giống nhau dù chúng ta đến từ bất kỳ đâu đi nữa.

Điện ảnh Việt Nam những năm gần đây cũng muốn vươn ra thế giới bằng những tác phẩm khai thác những vấn đề riêng của mình nhưng không đủ khái quát hóa thành vấn đề chung của nhân loại nên chỉ được ghi nhận như một sự khác biệt lạ lẫm về góc nhìn ở một vài LHP quốc tế, còn với khán giả, vẫn chỉ là những bộ phim kén người xem. Có lẽ điện ảnh Việt nên học Hàn Quốc, muốn vươn ra thế giới, hãy bắt đầu từ việc kể câu chuyện thật hay của chính mình đi đã.

Nguồn nld.com.vn

  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...