Ngày 30-4-1975 là thời điểm kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ và thống nhất đất nước nhưng với điện ảnh, chất sử thi và anh hùng ca của cuộc chiến ấy vẫn là âm hưởng chủ đạo trong hàng loạt bộ phim kéo dài cả thập niên sau đó.
Năm bộ phim sau đây là những tác phẩm nổi bật nhất và đến nay vẫn là các bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam một thời.
"MỐI TÌNH ĐẦU" (1977)
Đạo diễn Hải Ninh là một trong những tên tuổi nổi bật của điện ảnh cách mạng Việt Nam thập niên 1970. Sau 2 bộ phim mang màu sắc sử thi về 2 vùng đất chịu nhiều mất mát trong cuộc chiến tranh chống Mỹ là Quảng Trị với "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" (1972) và thủ đô Hà Nội với "Em bé Hà Nội" (1974), ông chọn Sài Gòn - TP HCM thời điểm trước và sau ngày 30-4-1975 với bộ phim lớn thứ 3 trong thập niên này là "Mối tình đầu".
Vẫn với những gương mặt quen thuộc trong 2 bộ phim trước của đạo diễn Hải Ninh là Trà Giang, Thế Anh và Lan Hương, "Mối tình đầu" lấy bối cảnh Sài Gòn trước năm 1975 khi cuộc chiến tranh chống Mỹ sắp chấm dứt và thân phận những người trẻ tuổi trước các biến động của thời cuộc, sự lựa chọn của họ trước những ngã rẽ cuộc đời…
"Mối tình đầu" gây ấn tượng nhờ mô tả đời sống của những thanh niên miền Nam trước sự biến động của thời cuộc và sự hoang mang, vô định trước chuyện lựa chọn cuộc sống của họ.
"TỘI LỖI CUỐI CÙNG" (1978)
Trong số những bộ phim thực hiện sau khi chiến tranh kết thúc (1975), "Tội lỗi cuối cùng" mang một sắc thái và cách kể chuyện, tạo dựng nhân vật, không khí thời cuộc khá riêng biệt. Phim kể về thân phận một cô gái giang hồ hoàn lương và con đường trở về với cuộc sống đời thường đầy nhọc nhằn của cô.
Bộ phim đầu tay của Trần Phương với cả hai vai trò biên kịch và đạo diễn dù có hơi hướng một tác phẩm giải trí về đề tài tội phạm nhưng vẫn có những dấu ấn nghệ thuật, đặc biệt là nhờ diễn xuất tỏa sáng của Phương Thanh với vai Hiền "cá sấu" và Trần Quang, một ngôi sao của điện ảnh miền Nam trước 1975, với vai tướng cướp Lê Vân.
"Tội lỗi cuối cùng" có kịch bản đơn giản nhưng vẫn phản ánh được không khí thời cuộc của những năm sau chiến tranh, đặc biệt là mô tả khá sắc sảo cuộc sống, tâm trạng của những người thuộc xã hội cũ. Phương Thanh, dù là diễn viên miền Bắc, đã thể hiện rất thành công hai mặt đối lập trong con người Hiền "cá sấu". Vai diễn đầy thuyết phục này đã mang lại cho Phương Thanh giải Nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan Phim (LHP) Việt Nam năm 1980.
"Tội lỗi cuối cùng" khai thác những nhân vật có cuộc sống quá khứ tăm tối và hành trình gian nan làm lại cuộc đời. Ca khúc "Đi về đâu hỡi em" được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết riêng và sử dụng khá nhiều lần trong "Tội lỗi cuối cùng" đã vượt thoát khỏi bộ phim và trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông.
"VÁN BÀI LẬT NGỬA" (1982-1987)
Ra mắt tập đầu tiên vào năm 1982, "Ván bài lật ngửa" lập tức gây chấn động với khán giả. Với sự dàn dựng công phu, bối cảnh cầu kỳ tái hiện không khí của Sài Gòn và nhiều tỉnh miền Nam thời Mỹ - Diệm, dàn diễn viên chính hay phụ đều gây ấn tượng, đặc biệt là Chánh Tín với nhân vật Nguyễn Thành Luân và cách kể chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh trầm tĩnh, chậm rãi mà sang trọng của đạo diễn Lê Hoàng Hoa, bộ phim lập tức tạo nên một cơn sốt trong thập niên 1980 với 8 tập nối tiếp nhau (1982-1987). "Ván bài lật ngửa" gắn bó với nhiều thế hệ khán giả toàn quốc và đến nay vẫn giữ kỷ lục là bộ phim điện ảnh dài tập nhất, ăn khách nhất của điện ảnh Việt Nam.
Bộ phim được chuyển thể từ bản thảo tiểu thuyết "Giữa biển giáo rừng gươm" của nhà văn Trần Bạch Đằng và do chính ông (với bút danh Nguyễn Trương Thiên Lý) chấp bút kịch bản điện ảnh. Đạo diễn Lê Hoàng Hoa (lấy tên Khôi Nguyên cho loạt phim này), với kinh nghiệm của một nhà làm phim được đào tạo tại Mỹ và có nhiều năm làm phim ăn khách của điện ảnh Sài Gòn trước 1975, sáng tạo một lần nữa với kịch bản phân cảnh và sửa đổi khá nhiều chi tiết, thêm nhiều nhân vật phản diện đặc sắc và đổi lại nhan đề là "Ván bài lật ngửa". Sự thành công vang dội của loạt phim này đã khiến nhà văn Trần Bạch Đằng sử dụng luôn nhan đề của bộ phim cho cuốn tiểu thuyết khi xuất bản vào năm 1986 và được tái bản rất nhiều lần.
"Ván bài lật ngửa" lấy cảm hứng từ những năm hoạt động tình báo của ông Phạm Ngọc Thảo dưới thời Mỹ - Diệm. Đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã biến loạt phim 8 tập này trở thành một xê-ri phim điệp báo thiên về hư cấu và đạt được những thành công vang dội - một mốc son của điện ảnh Việt Nam trong thời gian khó mà ngay cả khi điện ảnh và đời sống phát triển như bây giờ, khó có đạo diễn nào tạo được.
"BIỆT ĐỘNG SÀI GÒN" (1984-1986)
Gần như cùng thời với loạt phim tình báo 8 tập "Ván bài lật ngửa", loạt phim "Biệt động Sài Gòn" dài 4 tập cũng tạo ra những cơn sốt vé trong Nam ngoài Bắc - ước tính lên đến 10 triệu lượt người xem mỗi tập.
Với sự dàn dựng của đạo diễn Long Vân và dàn diễn viên tên tuổi: Quang Thái, Hà Xuyên, Thanh Loan, Thương Tín, Thúy An, bộ phim đề cao tinh thần quả cảm, sự mưu lược, thông minh và cả sự mất mát, hy sinh anh dũng của những chiến sĩ biệt động Sài Gòn hoạt động trong lòng địch đã chiếm trọn vẹn cảm tình của khán giả và chứng tỏ sức mạnh của điện ảnh Việt Nam một thời.
Lấy cảm hứng và phần nào dựa theo những câu chuyện có thật của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn những năm chống Mỹ, 2 nhà biên kịch Lê Phương - Nguyễn Thanh đã phát triển thành 4 tập phim vừa độc lập vừa kết nối chặt chẽ với nhau. Đạo diễn Long Vân, một tên tuổi mới nổi của điện ảnh phía Bắc, được giao trọng trách đạo diễn 4 tập phim này.
"CÁNH ĐỒNG HOANG" (1980)
Là phim truyện duy nhất tính đến nay của điện ảnh Việt Nam giành giải thưởng cao nhất tại một LHP quốc tế hàng đầu thế giới - huy chương vàng LHP Moscow 1981, sau gần 40 năm, "Cánh đồng hoang" vẫn xứng đáng là một trong những tác phẩm kinh điển nhất của Việt Nam.
Sức sống lâu bền của "Cánh đồng hoang" bắt đầu từ ý tưởng và bối cảnh độc đáo của nó, trong đó có chi tiết đã trở thành kinh điển và gây kinh ngạc khi chiếu tại LHP Moscow. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, biên kịch của bộ phim, từng kể: "Dân Đồng Tháp ai mà không biết bơi lặn, chèo chống. Tôi là dân đồng nước, mọi chuyện đó với tôi là sự thường. Nhưng những đứa nhỏ 1-2 tuổi thì sao? Nhà nào có con nhỏ thì cha mẹ đã có sẵn bao ni-lông. Bom đạn tới thì cha mẹ bỏ đứa nhỏ vào bao ni-lông nhận xuống nước, bom đạn dứt thì trồi lên, mở miệng bao cho nó thở. Nhìn đứa nhỏ được cha đưa ra khỏi bao ni-lông, mặt nó ngơ ngơ ngác ngác, tôi bần thần, bị ám ảnh rất lâu".
Sự ám ảnh đó được ông thể hiện trong kịch bản phim với những chất liệu sống động, những nhân vật giàu sức sống và thể hiện vẻ đẹp giản dị hồn hậu nhưng cũng quật cường, bất khuất của người dân Nam Bộ. Chất liệu kịch bản ấy qua bàn tay đạo diễn của Hồng Sến khiến "Cánh đồng hoang" trở thành một bản anh hùng ca giản dị và trữ tình với diễn xuất của hai diễn viên Lâm Tới (vai Ba Đô) và Thúy An (Sáu Xoa). Sự ăn ý ấy còn được hỗ trợ bởi nhà quay phim tài hoa Đường Tuấn Ba và phần âm nhạc vừa hào hùng vừa trữ tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tất cả những con người tài hoa ấy đã cống hiến hết sức sáng tạo của họ, biến "Cánh đồng hoang" trở thành tác phẩm điện ảnh có thể nói là hoàn hảo nhất của một thế hệ những nhà làm phim cách mạng Việt Nam.
Nguồn nld.com.vn
Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...
Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII diễn ra từ ngày 10/12 đến ngày...
Việc giải quyết KỊP THỜI những ý kiến, kiến nghị của cử Không những giúp...
Từ 1/7 vừa qua, mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...