Bảo đảm kỳ thi THPT quốc gia nghiêm túc, an toàn

Thứ 6, 14/06/2019 | 09:47:35
986 lượt xem

Chỉ còn hơn mười ngày nữa (từ ngày 25 đến 27-6) kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ diễn ra. Từ bài học của một số tỉnh để xảy ra sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các địa phương đang tích cực triển khai các phương án chuẩn bị tổ chức kỳ thi một cách thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, an toàn. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi nhìn chung đáp ứng yêu cầu đề ra.

Giờ ôn tập của học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Hà Giang.

Tăng cường vai trò của các trường đại học

Rút kinh nghiệm từ những sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tăng cường hơn vai trò của các trường đại học trong công tác phối hợp, tổ chức, giám sát kỳ thi. Để bảo đảm sự minh bạch, khách quan, Bộ GD và ĐT quy định trường đại học địa phương sẽ không tham gia coi thi, chấm thi trên địa bàn mà điều động cán bộ, giảng viên của trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ GD và ĐT hoặc các trường thuộc các tỉnh, thành phố khác đến. Nhiều địa phương cho biết, các trường đại học, cao đẳng đã ưu tiên hỗ trợ, chia sẻ khó khăn của địa phương để bảo đảm kỳ thi an toàn. Sau khi rà soát, thấy thiếu cán bộ tham gia công tác thi (cán bộ thuộc đơn vị tổ chức là Sở GD và ĐT), tỉnh Sơn La đã đề nghị các trường đại học, cao đẳng hỗ trợ cán bộ tham gia vào vị trí trưởng, phó ban, hội đồng thi và đều nhận được sự hỗ trợ kịp thời, bảo đảm yêu cầu. Đến nay, có sáu trường đại học, cao đẳng đã điều động cán bộ về Sơn La để phối hợp tổ chức, giám sát kỳ thi và việc chấm thi trắc nghiệm được giao cho Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 đảm nhận. Tại tỉnh Hòa Bình có bốn trường đại học, học viện tham gia công tác phối hợp, trong đó, Trường đại học Hà Nội được giao chấm thi trắc nghiệm. Với tỉnh Hà Giang, có ba trường đại học, học viện tham gia phối hợp, trong đó Học viện Kỹ thuật quân sự được giao chấm thi trắc nghiệm. Tại Đà Nẵng, các giáo viên của Đại học Đà Nẵng đã tập huấn công tác chấm thi trắc nghiệm cho địa phương. Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng Lê Thành Bắc cho biết, để làm tốt công tác chấm thi, Sở GD và ĐT Đà Nẵng cần có sự trao đổi kinh nghiệm chấm thi trắc nghiệm vì máy chấm lần này là của sở. Sở cần lưu ý việc chuẩn bị các phương tiện, thiết bị như ca-mê-ra, máy quét, đĩa CD để tránh các sự cố khó lường trước. Đại học Đà Nẵng tin tưởng đã lựa chọn cán bộ chấm thi với tinh thần, trách nhiệm cao, bảo đảm an toàn, công bằng cho tất cả các thí sinh trong kỳ thi quan trọng này.

Đến thời điểm này, một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Đà Nẵng… đã tổ chức các đợt thi thử với quy trình tổ chức như kỳ thi THPT quốc gia, qua đó kịp thời phát hiện những cán bộ, giáo viên còn lúng túng về thao tác nghiệp vụ, từ đó có giải pháp điều chỉnh phù hợp. Đáng chú ý, các địa phương đều tổ chức tập huấn riêng cho từng nhóm đối tượng (chủ tịch hội đồng, thư ký, giám thị) để sát với yêu cầu từng nhiệm vụ, thay vì tập huấn chung các đối tượng như những năm trước. Một cách làm hiệu quả đã được Sở GD và ĐT Đà Nẵng áp dụng nhiều năm qua là in, phát cẩm nang cho tất cả cán bộ coi thi sử dụng trong suốt kỳ thi. Cuốn cẩm nang có đầy đủ các nội dung ghi nhớ, từ lúc nào phát đề thi, quy trình thu bài, đến vị trí chữ ký của giám thị trong bài thi… Trong quá trình tập huấn, cán bộ, giáo viên làm công tác thi được lưu ý không được vi phạm quy chế thi, không được tự ý xử lý các vấn đề nảy sinh,... Lãnh đạo Sở GD và ĐT Đà Nẵng cho biết, kỳ thi năm nay có nhiều điểm thay đổi, khác biệt so với những năm trước, do đó, sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong giáo viên, học sinh, phụ huynh để nắm rõ, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhân Dân, đến nay, hầu hết các địa phương đã hoàn tất việc lắp đặt hệ thống ca-mê-ra an ninh giám sát tại các điểm thi; có máy phát dự phòng sự cố khi mất điện. Một số điểm thi lắp thêm cửa sắt ở phòng chứa đề thi, bài thi; tăng cường hệ thống tường rào và an ninh khu vực giáp nhà dân. Một số địa phương như Hà Nội, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế đã vận hành hệ thống ca-mê-ra nêu trên ở kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, với kết quả dữ liệu lưu ổn định. Đây là bước thử nghiệm quan trọng để vận hành ca-mê-ra cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Việc lắp đặt hệ thống ca-mê-ra được học sinh, phụ huynh và dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, tin tưởng đây là một giải pháp hiệu quả phòng, chống gian lận trong kỳ thi. Trước nguy cơ các thiết bị công nghệ cao có thể được đưa vào phòng thi, Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia kiểm tra, phát hiện những bất cập trong công tác chuẩn bị, hạn chế thấp nhất những tình huống phát sinh ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thi. Tỉnh Quảng Ninh cũng phân rõ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ kỳ thi. Theo đó, giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở GD và ĐT, hiệu trưởng các trường THPT, Trường đại học Công nghiệp Quảng Ninh phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm quy chế; vòng ngoài do công an chịu trách nhiệm.

Tổ chức ôn tập đến sát kỳ thi

Công tác dạy học và ôn tập là một trong những yếu tố góp phần tạo nên chất lượng kỳ thi. Hiện các địa phương đang tổ chức ôn tập “nước rút”, tập trung hướng dẫn kỹ năng làm bài cho học sinh. Học sinh được chia theo nhóm học lực để ôn tập đạt kết quả cao. Trưởng Phòng Quản lý chất lượng (Sở GD và ĐT tỉnh Phú Thọ) Phạm Xuân Hồng cho biết, trên cơ sở rút kinh nghiệm công tác ôn tập năm 2018 và xem xét kỹ bộ đề tham khảo của Bộ GD và ĐT, các đơn vị xây dựng kế hoạch, phân công mỗi giáo viên dạy chính khóa chịu trách nhiệm kèm cặp, giúp đỡ một nhóm học sinh yếu (nếu có). Đồng thời, tăng cường tổ chức các lớp ôn tập dành cho học sinh khá, giỏi nhằm nâng cao kết quả tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng. Ngành giáo dục Đà Nẵng cũng tổ chức ôn tập tập trung tại các trường, chú trọng các nội dung cơ bản và nâng cao. Đối với các học sinh, Sở GD và ĐT Đà Nẵng đã tổ chức thực hiện kế hoạch ôn tập, giúp học sinh làm quen với kiến thức tổ hợp. Trao đổi với chúng tôi, nhiều học sinh cho rằng, năm nay, Bộ GD và ĐT công bố khá sớm phương án thi, đề thi tham khảo, cho nên việc ôn tập rất thuận lợi. Các trường, nhất là các thầy giáo, cô giáo tập trung trang bị kiến thức, kỹ năng làm bài cho đến sát ngày thi… Do đó, các em khá tự tin với kỳ thi sắp tới.

Nhằm hỗ trợ thí sinh dự thi thuận lợi, tỉnh Hà Giang đã điều chỉnh, bố trí các điểm thi phù hợp điều kiện thực tế. Theo Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Hà Giang Lương Anh Thiết, đây là năm đầu trường được lựa chọn làm điểm thi (gồm 184 thí sinh của trường và 66 thí sinh đến từ Trường THCS và THPT Tùng Bá, huyện Vị Xuyên). Các năm trước, học sinh của trường phải đến điểm thi Trường THPT chuyên Hà Giang dự thi với khoảng cách xa, trong điều kiện thời tiết và giao thông đi lại không thuận lợi, năm nay, tình trạng này đã được khắc phục. Quãng đường mà các thí sinh của Trường THCS và THPT Tùng Bá đi đến điểm thi cũng gần hơn 20 km so với năm trước. Các em sẽ được ở trong các phòng nội trú miễn phí, có bếp ăn phục vụ theo nhu cầu. Tỉnh Sơn La cũng có phương án hỗ trợ thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở xa điểm thi. Những điểm thi không có nhà ở bán trú, các thí sinh sẽ được bố trí ở các nhà trọ gần điểm thi, hoặc được đưa đón từ nơi ở đến điểm thi.

Những ngày này, Bộ GD và ĐT cử nhiều đoàn công tác đến các địa phương kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị các điều kiện tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Bộ GD và ĐT xác định, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 phải chặt chẽ, đúng quy chế, nghiêm túc nhưng không tạo không khí căng thẳng, để thí sinh có tâm lý thoải mái dự thi. Tất cả các khâu trong kỳ thi phải được thực hiện theo đúng quy trình, không bỏ qua, không chủ quan dù ở khâu nhỏ nhất. Theo PGS, TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD và ĐT), Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, qua kiểm tra thực tế tại một số địa phương, nhìn chung công tác chuẩn bị được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc. Các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với trường đại học để tổ chức kỳ thi; có phương án phòng ngừa gian lận cũng như các yếu tố bất thường về thời tiết; quan tâm hỗ trợ thí sinh có hoàn cảnh khó khăn dự thi. Bộ GD và ĐT nhận định, khâu coi thi là khâu đáng lo ngại nhất trong kỳ thi năm nay. Nếu cán bộ coi thi thực hiện không nghiêm túc, thiếu tinh thần, trách nhiệm thì sẽ dẫn đến việc trao đổi bài thi, nhất là thời gian cuối giờ. Vì vậy, cán bộ coi thi cần lưu ý chặt chẽ ở khâu này. Ngoài ra, các địa phương cũng cần phổ biến để cán bộ, giáo viên làm công tác thi có khả năng nhận biết được những thí sinh sử dụng các thiết bị công nghệ, nhằm gian lận. Trong xử lý các tình huống bất thường của kỳ thi, cán bộ làm công tác thi cần chú ý ba nguyên tắc: Không được giấu thông tin; xử lý phải tôn trọng quy chế; đặt quyền lợi thí sinh lên trên quyền lợi của cán bộ coi thi. Bên cạnh đó, các địa phương cần phối hợp tốt với các trường đại học, bảo đảm an toàn cho các cán bộ, giảng viên về làm thi.

Để chuẩn bị chu đáo đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức thi, nhất là các địa phương để xảy ra sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, năm nay, công tác chuẩn bị nhân sự được tăng cường và có sự thay thế phù hợp. Tại Hà Giang, vị trí Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia được giao cho Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành. Ngoài ra, UBND tỉnh Hà Giang cũng bổ nhiệm một phó giám đốc Sở GD và ĐT; Sở GD và ĐT tỉnh Hà Giang bổ nhiệm một cán bộ lãnh đạo phòng khảo thí và quản lý chất lượng; lựa chọn, điều động bốn cán bộ lãnh đạo từ các trường THPT về sở hỗ trợ công tác tổ chức kỳ thi.

* Tỉnh Sơn La, Hòa Bình cũng có quyết định thay thế Trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia cấp tỉnh; điều động một số vị trí ở cấp sở để thực hiện nhiệm vụ kỳ thi.

Theo nhandan.com.vn

  • Từ khóa
Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của Kỳ họp thứ 8
Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của Kỳ họp thứ 8

Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận, cho ý kiến nhiều dự án luật quan trọng và xem xét, thông qua các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết đã được trình Quốc hội trong đợt 1...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...