Năm đầu tiên lớp 12 học sách giao khoa mới

Thứ 2, 21/10/2024 | 09:39:02
139 lượt xem

Năm học 2024 - 2025, ngành giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và dạy sách giáo khoa mới đối với học sinh lớp 5, lớp 9 và lớp 12 theo đúng lộ trình. Đây là năm thứ 5 toàn ngành triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 và dạy SGK mới đối với các cấp học. Ở lớp 12, năm học quan trọng cuối cùng trước khi bước vào bậc đại học, các trường đã linh hoạt, chủ động triển khai thực hiện tốt mục tiêu đổi mới của chương trình.

Ngữ văn là môn học có nhiều thay đổi trong chương trình SGK mới của lớp 12. Đối với chương trình 2006, trước đây giáo viên Ngữ Văn chủ yếu dạy nội dung trong sách, nên việc học thường áp dụng theo phương thức cô đọc, trò chép, lâu dài có thể hình thành tâm lý thụ động, học vẹt cho học sinh. Tuy nhiên, với chương trình mới 2018, nội dung bài học được chia theo thể loại. Học sinh sẽ nắm được những đặc trưng cơ bản của thể loại, dạng bài, sau đó phải vận dụng với 1 bài mới hoàn toàn và buộc người học phải chủ động tư duy, thay vì chỉ tập trung học 1 bài, 1 nội dung như trước.

Cô giáo Tạ Thị Tố Uyên, trường THPT Nam Duyên Hà: Ngữ liệu để ra đề cho bộ môn Ngữ văn không còn sử dụng văn bản trong SGK nữa mà hoàn toàn là những văn bản mới. Đây là thử thách nhưng cũng là cơ hội để GV thể hiện được mình, để học sinh có thể sáng tạo, chiếm lĩnh bộ môn Ngữ văn. 

Thông tư 27 năm 2023 của Bộ GD&ĐT quy định, từ năm học 2024-2025, các trường phổ thông được trao quyền chọn lựa sách giáo khoa chứ không phụ thuộc vào sự ban hành của tỉnh, thành phố như trước đây. 

Theo hướng dẫn của các nhà trường, giáo viên đã tiến hành họp theo nhóm, bộ môn; góp ý, viết phiếu nhận xét về SGK; sau đó bỏ phiếu kín từng đầu sách. 

Thầy giáo Hoàng Gia Hứng, trường THPT Bắc Duyên Hà: Trường THPT Bắc Duyên Hà chọn bộ sách Cánh diều để giảng dạy lớp 12 mới. Với bộ môn Toán, bộ sách đã xây dựng thiết kế các bài học theo định hướng gợi mở, từ khởi động đến đưa ra kiến thức để HS dễ dàng tiếp nhận cũng như tự khám phá ra các kiến thức, tri thức mới. 

Chương trình mới cũng yêu cầu áp dụng phương pháp dạy học phát triển phẩm chất, năng lực người học. Các nhà trường đã rà soát, bổ sung thiết bị dạy học lớp 12 theo đúng quy định. Cùng với đó là tận dụng thêm kho học liệu số, thiết bị, thí nghiệm ảo hỗ trợ giảng dạy. 

Thầy giáo Trần Quang Tiềm, trường THPT Hưng Nhân, huyện Hưng Hà: Để dạy tốt chương trình GDPT mới, giáo viên phải tự nâng cao năng lực chuyên môn, cập nhật các kiến thức mới, sử dụng các phương pháp dạy học kết hợp với phương tiện công nghệ mới, như phần mềm trí tuệ nhân tạo. Song song với đó hình thành các hoạt động dạy học tạo điều kiện cho học tự học, tự rèn luyện. 

Mục tiêu đổi mới SGK nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, phát huy tốt tiềm năng của học sinh, phù hợp với xu thế quốc tế. 

Đến nay, việc triển khai chương trình mới đã đi từ bỡ ngỡ, khó khăn đến kết quả tích cực. Cùng với chương trình SGK mới, các nhà trường cũng đang tiếp tục thực hiện đổi mới trong xây dựng kế hoạch giáo dục theo tinh thần chủ động, linh hoạt và sáng tạo.

Hà My

  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...