Lạm phát học sinh giỏi, học sinh xuất sắc vì đâu?

Thứ 7, 25/05/2019 | 09:16:05
2,495 lượt xem

Thực tế, nếu dạy thật, kiểm tra đánh giá thật thì học sinh tiểu học sẽ có bao nhiêu điểm 9, điểm 10? Chúng tôi tin rằng sẽ rất ít và ít vô cùng.

Ảnh có tính chất minh họa, nguồn: Báo An ninh Thủ đô

Đi họp phụ huynh cho con về mà chúng tôi cảm thấy băn khoăn nhiều điều về cách đánh giá, xếp loại và khen thưởng hiện nay của cấp tiểu học. Thầy giáo chủ nhiệm thông báo lớp có 21/34 học sinh đủ điều kiện để được nhận danh hiệu học sinh xuất sắc.

Ngoài ra còn nhiều em nữa cũng được nhận giấy giấy khen và phần thưởng của nhà trường vì “có thành tích vượt trội”.

Thầy còn thông báo, trường sẽ phát giấy khen và trao phần thưởng cho gần 500 học sinh trong ngày tổng kết. Trong khi, học sinh toàn trường chỉ có 600 em!

Cầm cuốn Phiếu thông tin kết quả đánh giá học sinh tiểu học trên tay mà chúng tôi không tin vào thành tích của con mình. Trong 10 môn học của lớp 5 đều được xếp ở mức “Hoàn thành tốt nội dung học tập cuối năm”.

Trong 5 môn kiểm tra định kỳ lấy điểm là Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Tiếng Anh đều được 10 điểm.

Ngoài phần đánh giá kết quả các môn văn hóa thì việc đánh giá năng lực (3 năng lực), phẩm chất (4 phẩm chất) cũng đều xếp ở mức “T” (hoàn thành tốt).

Điều này có nghĩa là con tôi đạt danh hiệu “Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện”. Và, 21/34 học sinh trong lớp đạt ở mức này- thật là một con số đáng kinh ngạc.

Để được nhận danh hiệu “Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện” thì tại điều 16, Thông tư 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định như sau:

“Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện: kết quả đánh giá các môn học đạt Hoàn thành tốt, các năng lực, phẩm chất đạt Tốt; bài kiểm tra định kì cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên”.

Như vậy, lớp con chúng tôi học có đa số điểm 9, điểm 10 trong các bài kiểm tra học kỳ. Bởi vì, chỉ những em đạt từ 9 điểm trở lên ở tất cả các môn mới được nhận danh hiệu xuất sắc.

Những em mà không may bị 8 điểm thì không được nhận danh hiệu này. Vì thế, những em không được nhận danh hiệu xuất sắc còn lại sẽ cũng có nhiều em được các điểm 9, điểm 10 ở một số môn.

Như vậy phải chăng, mai mốt đây, đất nước ta toàn thiên tài, nhân tài cả? Vì năng lực, phẩm chất thì tốt hết, điểm văn hóa đều là điểm tuyệt đối.

Ngoài việc khen cho học sinh đạt danh hiệu “Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện” thì các trường còn khen thêm nhiều danh hiệu khác nữa.

Cũng tại điều 16, Thông tư 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã hướng dẫn khen một số em học sinh khác, đó là những em:

“Học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận”.

Như vậy, chỉ cần nhà trường có kinh phí là giáo viên chủ nhiệm có thể đề nghị khen cả lớp cũng được. Không giỏi được toàn diện thì khen giỏi 1 môn, khen một năng lực hoặc 1 phẩm chất của học trò.

Học sinh tiểu học mà, cứ được khen là thích còn khen về thành tích nào cũng chưa phải là điều các em cần chú ý.

Tôi đem băn khoăn này hỏi một số giáo viên tiểu học thì họ đều khẳng định trường nào, lớp nào của cấp tiểu học mà chẳng đánh giá như vậy.

Bởi đề kiểm tra học kỳ thì giáo viên trong trường ra, chấm bài thì cũng thoáng vì đề bài thầy cô đều “ôn” kỹ lưỡng cả rồi.

Làm sao có những con điểm tròn trĩnh đến như vậy?

Nói thật lòng, trong các môn học, chuyện nhiều học sinh ở một lớp được 10 điểm Toán còn có thể chấp nhận được. Nhưng, đối với các môn khác như môn Tiếng Anh, Tiếng Việt mà gần cả lớp đều được điểm 9, điểm 10 thì thật là lạ.

Môn Tiếng Anh có phần nói, phần nghe để làm bài kiểm tra; môn Tiếng Việt có phần đọc thầm, đọc to, phần viết chính tả, phần làm văn.

Vậy mà phân môn nào học sinh cũng được điểm 9 và 10. Trong đó, chủ yếu là điểm 10 thì đúng thật là…phi thường.

Bệnh dối trá và thậm chí là bất chấp để có thành tích

Câu chuyện cô Nguyễn Thị Thu Trang, và cô Phạm Thị Vân, giáo viên trường tiểu học Quán Toan, quận Hồng Bàng (Hải Phòng) vừa qua là một câu chuyện rất buồn trong ngành giáo dục.

Đáng lẽ ra, chúng tôi không muốn gợi lại chuyện này nữa vì các cô đã phải nhận hình thức kỷ luật cho việc làm và hành động của mình.

Nhưng, chúng tôi quay lại vấn đề này bởi xem clip được đăng tải, người xem không khó nhận ra việc cô Trang đang coi kiểm tra phân môn chính tả của môn Tiếng Việt.

Nếu cô Trang đọc cho học trò chép, đúng hay sai là chuyện của các em học trò. Bởi, đây là một giờ kiểm tra đã được nhà trường phân công coi chéo nhau rồi.

Nhưng cô Trang liên tục đi xuống từng bàn để xem học trò làm bài. Dường như, việc làm này là đi kiểm tra xem em nào làm sai để nhắc nhở phải làm cho đúng.

Chỉ có cái khác là vừa nhắc nhở thì cô Trang đã cho đi kèm thêm những cái tát vào mặt học trò. Nếu không vì dối trá để có thành tích thì tại sao cô Trang lại tát học trò và cô Vân chạy sang trong giờ kiểm tra để làm gì?

Thực tế, nếu dạy thật, kiểm tra đánh giá thật thì học sinh tiểu học sẽ có bao nhiêu điểm 9, điểm 10? Chúng tôi tin rằng sẽ không có nhiều như hiện nay.

Nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem lại cách đánh giá chất lượng học sinh trong Thông tư 22. Thực tế, giáo viên này dối trá thấy có nhiều cái lợi, giáo viên khác sẽ làm theo và học sinh cứ được khen thưởng với nhiều danh hiệu cao quý và lên lớp bình thường.

Nhưng kiến thức thật của nhiều em thì chẳng biết gì cả. Những hiện tượng học sinh lớp 5, lớp 6 không biết đọc, biết viết ta bắt gặp rất nhiều trong thời gian qua.

Dối trá nhằm có số liệu đẹp để giáo viên chủ nhiệm lớp báo cáo, để khen thưởng cho học trò và lấy thành tích cho mình.

Giáo viên báo cáo lên ban giám hiệu, ban giám hiệu lại báo cáo lên phòng giáo dục, phòng giáo dục báo cáo cho sở, báo cáo sang ủy ban nhân dân huyện. Cuối cùng đều là những con số đẹp nhưng đa phần đang dối lừa nhau.

Vì thế, danh hiệu của học trò bây giờ không biết đâu là thực, đâu là hư, đâu là xuất sắc và đâu là yếu kém? Dĩ nhiên, thành tích ảo rất dễ gây ra những ngộ nhận cho học trò trong những năm tiếp theo!

Theo giaoduc.net.vn

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...