Giáo dục cho trẻ tự kỷ: “Lỗ hổng” từ chính sách

Thứ 3, 02/04/2019 | 20:23:14
761 lượt xem

Trẻ bị hội chứng tự kỷ đang ngày càng gia tăng trong xã hội nhưng đến nay vẫn đứng bên lề mọi chính sách dành cho trẻ em và người khuyết tật.

Trẻ mắc chứng tự kỷ vẫn đứng bên lề mọi chính sách dành cho trẻ em. (Ảnh minh họa)

Những vướng mắc xung quanh việc can thiệp và giáo dục trẻ tự kỷ liên quan đến các lĩnh vực thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và Xã hội và ngành Y tế. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều vấn đề chưa được thống nhất trong việc xác định giáo dục hòa nhập, xác định dạng tật và xác định tình trạng bệnh dẫn đến trẻ tự kỷ bị thiệt thòi, chưa được hỗ trợ từ chính sách của nhà nước khiến gia đình và bản thân trẻ tự kỷ càng thêm khó khăn. 

Anh Phạm Ngọc Thạch, ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội có con 13 tuổi mắc chứng tự kỷ đã theo học hòa nhập từ bậc tiểu học cho biết, ngôi trường để trẻ tự kỷ hòa nhập có vai trò rất quan trọng, nhất là sự kết hợp giữa giáo viên chủ nhiệm và gia đình.

“Gia đình thậm chí phải có người đến ngồi cùng học và ngăn ngừa những hành động bột phát của những đứa trẻ tự kỷ. Mỗi đứa trẻ có sự bột phát khác nhau mà chỉ người thân trong gia đình là bố mẹ, người giúp việc mới biết trước được và có thể ngăn ngừa điều đó xảy ra. Ở trường phổ thông, số giáo viên mà hiểu hết tất cả những biểu hiện của một đứa trẻ tự kỷ thì cũng chưa nhiều nên đôi khi có những hành động làm cho đứa trẻ lại càng bức xúc thêm”, anh Thạch chia sẻ.

Luật Người khuyết tật ra đời năm 2010 là bước tiến quan trọng hướng tới hoàn thiện luật pháp, không còn rào cản đối với người tự kỷ. Tuy nhiên, Trong Luật Người khuyết tật, tự kỷ cũng chưa được xếp cụ thể là dạng khuyết tật nào, cũng chưa có văn bản pháp lý nào cho thấy người tự kỷ là người khuyết tật để được hưởng bảo hiểm y tế, trợ cấp, đào tạo nghề… Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Chuyên gia về trẻ em cho biết, Điều 44 Luật trẻ em nêu rõ, toàn bộ trẻ em bao gồm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đều được phổ cập giáo dục, nhưng vấn đề quyền và nhu cầu của trẻ em tự kỷ là dạng khuyết tật đặc biệt chưa được đưa vào trong luật.

“Trong những năm qua, các bậc phụ huynh, chuyên gia đã kiến nghị, đề xuất lên lãnh đạo ngành chức năng nhưng đến nay chưa có kết quả. Đến nay, vẫn chưa có chính sách gì cho trẻ tự kỷ, chưa được nêu cụ thể trong luật. Trẻ tự kỷ có 3 loại rối loạn phát triển trong đó có hội chứng tự kỷ chưa rõ ràng. Cần có văn bản kiến nghị đưa lên cấp trên sớm bổ sung luật, sớm có nghị định bởi chính sách phải nằm trong luật”, ông Nguyễn Trọng An cho biết.

Theo quy định, trẻ khuyết tật, trong đó có trẻ tự kỷ phải được tiếp cận giáo dục, có quyền được đi học, nhưng đến thời điểm này mới có trẻ em khuyết tật về vận động, câm điếc hoặc khiếm khuyết về thị giác được tiếp cận hệ thống giáo dục cả chuyên biệt và hòa nhập, còn trẻ tự kỷ thì câu chuyện lại hoàn toàn khác. Các trường thì không có giáo viên, hoặc nhân viên hỗ trợ chuyên biệt khi tiếp nhận học sinh tự kỷ nên các gia đình có trẻ tự kỷ đang phải “tự bơi” trong việc điều trị và giáo dục hòa nhập cho con. Do Luật chưa rõ ràng nên trẻ tự kỷ ở Việt Nam chưa có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, việc đánh giá tự kỷ là bệnh hay tật chưa rõ ràng là nguyên nhân khiến trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong việc tiếp cận với giáo dục.

Tại Nhật Bản, người tự kỷ được xác định là một dạng khuyết tật nên nhận được nhiều sự hỗ trợ từ nhà nước về y tế, giáo dục, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình có trẻ tự kỷ. Trước những bất cập từ thực tiễn cuộc sống hiện nay, các chuyên gia cho rằng, cần phải xếp trẻ tự kỷ vào trong Luật Người khuyết tật để từ đó có những điều chỉnh chính sách phù hợp.

“Chúng tôi cho rằng, cần phải có sự quan tâm đầy đủ giữa Bộ Giáo dục-Đào tạo và Bộ Y tế, phải xác định đó có phải là dạng khuyết tật hay không. Có thể Bộ Y tế xác định đó là tự kỷ nhưng Bộ Giáo dục và đào tạo lại không xác định đó là tự kỷ. Bên cạnh đó còn có liên quan đến cả Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Chúng tôi cũng đề xuất trẻ tự kỷ phải được xếp vào dạng tật. Có như thế thì các cháu mới được quan tâm hơn và hỗ trợ cho các cháu có kết quả hơn. Nếu đưa vào luật sẽ có chính sách, chế độ đào tạo giáo viên và có chính sách chế độ đối với nhà giáo”, ông Nguyễn Bá Duyệt, Phó Chủ tich tịch Hội hỗ trợ trẻ em tàn tật Việt Nam cho biết.

Trong khi chờ hành lang pháp lý giúp trẻ tự kỷ có được hỗ trợ căn bản như các dạng khuyết tật khác, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ nên bổ sung quy định về khung vị trí việc làm của giáo viên, nhân viên hỗ trợ chuyên biệt cho các trường công lập, từ mầm non đến các bậc học cao hơn để các trường có điều kiện tiếp nhận trẻ tự kỷ. Bà Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội nêu ý kiến, trước mắt cần tổ chức các phòng tư vấn học đường trong trường học.

“Trong phòng tư vấn đó, có người làm giáo dục chuyên biệt để họ có thể biết cách tư vấn cho phụ huynh, đồng thời can thiệp cho các cháu trong những trường hợp đặc biệt. Bản thân họ cũng sẽ là người đưa ra quyết định là các cháu được hòa nhập bao nhiêu phút, đồng thời chính họ có thể xây dựng lộ trình cùng với gia đình để giúp đứa trẻ tiến bộ”- bà Vũ Thu Hương cho biết.

Giáo dục trẻ tự kỷ là hành trình gian nan cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng và toàn xã hội. Nhằm giảm bớt thiệt thòi, đảm bảo quyền được đến trường học tập cho trẻ tự kỷ, các cơ quan chức năng cần điều chỉnh hệ thống pháp luật, đưa trẻ tự kỷ vào Luật Người khuyết tật hoặc xây dựng một hệ thống pháp luật khác liên quan đến người tự kỷ để có hành lang pháp lý giúp người tự kỷ có được những hỗ trợ căn bản như các dạng khuyết tật khác./.

Theo Vov

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...