Học nghề để lập nghiệp

Thứ 2, 21/01/2019 | 15:44:25
6,120 lượt xem

Chương trình tư vấn hướng nghiệp mùa tuyển sinh 2019 đã và đang được Bộ GDĐT, Bộ Lao động Thương binh-Xã hội, các trường Đại học (ĐH), các doanh nghiệp tổ chức ở các địa phương, góp phần sớm định hướng cho người học để không lãng phí nguồn nhân lực. Trước ngưỡng cửa vào đời của các bạn trẻ, hướng học nghề để lập nghiệp cũng đang là xu hướng được lựa chọn ngày càng nhiều.

Học nghề lập nghiệp là xu thế được nhiều bạn trẻ lựa chọn

Khuyến khích học nghề theo mô hình 9+

Bộ Lao động Thương binh-Xã hội (LĐTB&XH) mới đây đã đề xuất mở rộng đối tượng tuyển sinh đối với trình độ cao đẳng, theo đó học sinh chưa có bằng tốt nghiệp THPT vẫn có thể được xét tuyển vào bậc học này. Đây là một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05 ngày 2/3/2017 của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng (TC, CĐ). Bởi trước đó, đối tượng tuyển sinh của các trường CĐ là người đã tốt nghiệp THPT hoặc trình độ tương đương trở lên. 

Theo tinh thần dự thảo nói trên, điều kiện đi kèm là người học phải học đồng thời học các môn văn hoá THPT và nội dung đào tạo nghề nghiệp trình độ TC theo hướng dẫn của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (TCGDNN- Bộ LĐTB&XH).

Từ tháng 7/2018, TCGDNN cũng đã có văn bản khuyến khích đào tạo chương trình CĐ cho học sinh tốt nghiệp THCS (mô hình đào tạo 9+). Theo đó, Bộ LĐTB&XH yêu cầu các trường nghiên cứu, xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo chương trình CĐ liên thông từ TC dành cho học sinh tốt nghiệp THCS. Người học sẽ được nhận bằng TC và tiếp tục học liên thông ngay để nhận bằng CĐ cùng ngành, nghề. Chương trình cần được thiết kế tổng thể để đảm bảo người học khi chuyển từ trình độ TC lên CĐ không phải học lại những nội dung đã học.

Trước khi có dự thảo nói trên, thảo luận tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội (2018) về Luật Giáo dục (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Quân cho biết, mục tiêu đến năm 2020 phải có 30% học sinh THCS học nghề và năm 2025 đạt 40%. Tuy nhiên, đến nay, thực tế mới đạt khoảng 8%, nơi làm tốt hơn cả cũng mới đạt khoảng 20%.  Nguyên nhân là đa số địa phương thấp việc phân luồng chưa tốt, việc phân luồng cũng chưa thực sự gắn với đào tạo. Hiện nay, công tác phân luồng đa số phụ thuộc vào nỗ lực của các trường nghề, họ phải  lăn lộn đến tận thôn xóm để tư vấn tuyển sinh. Chính vì vậy đề xuất chưa có bằng THPT vẫn được đăng ký dự tuyển vào CĐ nghề tại dự thảo đã nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý của xã hội. 

Theo lãnh đạo Bộ LĐTB&XH, mô hình 9+ được hiểu là mô hình học sinh tốt nghiệp THCS đã có thể học lên CĐ, hoặc ĐH. Hiện trên thế giới, học sinh học hết lớp 9 có hai hướng rẽ. Thứ nhất - tiếp tục học THPT sau đó lên ĐH và gia nhập thị trường lao động, thứ hai - học sinh gia nhập thị trường lao động sớm hơn, đó là tốt nghiệp THCS, học sinh sẽ lựa chọn đi học nghề, nên chỉ 18- 20 tuổi là có thể đi làm.

Thời gian qua đã có một số trường CĐ áp dụng thí điểm mô hình đào tạo  9+. Đánh giá việc triển khai mô hình này, ông Bùi Hồng Huế, Hiệu trưởng trường CĐ Xây dựng công trình đô thị (CUWC) (Bộ Xây dựng) cho biết: Chương trình 9+ ở CUWC đang triển khai và bước đầu đạt kết quả đáng khích lệ, được phụ huynh và học sinh đón nhận. Nếu như năm trước, số lượng học sinh đăng ký theo học chương trình 9+ chỉ có chưa đầy 30 em thì giờ đây, đã có gần 300 học sinh theo học chương trình này. Đáng chú ý, nhiều gia đình đã rút hồ sơ từ các trường THPT công lập về để nộp và cho con theo học tại CUWC.

Băn khoăn điểm “nghẽn” liên thông

Hiện học sinh THCS ở nhiều địa phương đang ráo riết chuẩn bị cho việc ôn thi vào THPT, trước mắt các em, cánh cửa vào đời cũng bắt đầu rộng mở. Theo thống kê của Bộ GDĐT, năm 2017 có khoảng 30% học sinh tốt nghiệp THPT nhưng không tiếp tục học lên ĐH, điều này dẫn đến sự lãng phí lớn nguồn lực xã hội. 

Còn thống kê từ TCGDNN cho thấy: kết quả tuyển sinh hệ TC những năm gần đây có xu hướng tăng. Cụ thể năm 2016 là hơn 290.000 người học, năm 2017 là 310.000 người học, năm 2018 ước khoảng 320.000 người học; trong đó số lượng học sinh tốt nghiệp THCS lựa chọn học nghề thay vì học tiếp lên bậc THPT có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, tỉ lệ phân luồng học sinh sau THCS vẫn còn thấp, chưa đạt được mục tiêu đã đặt ra và cần phải có các giải pháp để giải quyết được “điểm nghẽn” trong phân luồng tồn tại đã lâu.

Trường CĐ Công nghệ và Thương mại Hà Nội cũng là một trong số các trường đang tham gia đào tạo thí điểm mô hình 9+. Dẫu thế, ông Nguyễn Xuân Sang, Hiệu trưởng nhà trường nhận định: với chương trình hiện nay đào tạo TC nghề cho học sinh tốt nghiệp lớp 9 vẫn chưa có nhiều học sinh lựa chọn. Nguyên nhân chủ yếu theo là do chúng ta vẫn chưa phân luồng thành công. Chính vì vậy, dù mô hình 9+ có hay đến đâu mà không phân luồng học sinh sau THCS thì vẫn không thu hút được người học. 

Theo ông Lê Quân, xu hướng trên thế giới là gia nhập thị trường lao động rất sớm. Nếu các em theo học phân luồng sớm, hết THCS (lớp 9) vào học nghề thì 18, 19 tuổi, các em đã gia nhập thị trường lao động gần nhà với mức lương 8-9 triệu đồng như hiện nay, sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề lao động. Sau đó các em hoàn toàn có thể học liên thông 1, 2 năm để lấy bằng CĐ, ĐH. Đây là một mô hình rất thành công tại các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan. Nhưng để áp dụng mô hình đào tạo 9+ trong nước, hiện có mấy điểm nghẽn chính.

Ngoài tâm lý chuộng bằng cấp, để thuyết phục người học chọn học nghề, vẫn còn đó những khó khăn về việc học văn hóa trong trường nghề. Đó là học sinh học hết lớp 9 vào học TC, học nghề tại trường nghề, còn học văn hóa tại một nơi địa điểm trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc một trường nào đó. Điều này dẫn đến tình trạng khó khăn trong quá trình tổ chức, đào tạo chương trình dạy nghề chất lượng. Về quy định học liên thông hiện nay, người học hết TC muốn liên thông lên CĐ phải hoàn thành khối lượng văn hóa rất nặng, nhiều em học xong TC muốn học lên thì phải học thêm 1 năm văn hóa để có thể học liên thông.

Do đó mới đây Bộ LĐTB&XH đã đề xuất các trường CĐ được dạy văn hoá. Bởi thông qua việc cho phép các trường TC, CĐ dạy văn hoá và cấp chứng nhận bên cạnh công tác dạy nghề, người học nghề sẽ yên tâm tham gia lựa chọn ngành học trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Thực chất, chủ trương phân luồng sau THCS đã được đặt ra nhiều năm qua, nhưng trên thực tế chưa đạt được những kết quả như mong đợi. Phần vì tâm lý người học muốn làm thày hơn làm thợ. Đặc biệt còn một bộ phận không nhỏ người học e dè khi đứng trước nhu cầu muốn học liên thông từ hệ trung cấp nghề lên CĐ hoặc ĐH mà chặng đường vừa học văn hóa vừa học nghề cũng không mấy giản đơn.

Trở lại với vấn đề hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, đứng trước nhiều ngã rẽ vào đời, với những cơ hội rộng mở, nhưng không phải học sinh nào cũng biết đến. Thậm chí có các thầy cô giáo nếu không theo sát việc hướng nghiệp cho các em thì cũng chưa chắc có thể biết hết để tư vấn cho học sinh của mình. Chính vì vậy, việc tổ chức các buổi tọa đàm, tư vấn hướng nghiệp trực tiếp cho học sinh cuối cấp, với sự tham gia tư vấn của các trường ĐH, CĐ, TC và các doanh nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp… là cần thiết để học sinh có những định hướng đúng đắn cho tương lai sau này.

Mô hình 9+ được nhiều nước áp dụng. Tại Nhật Bản đã xây dựng trên 50 trường CĐ chuyên ngành (CĐ Kosen) cho phép học sinh vừa học văn hóa vừa học nghề. Các trường sẽ tiếp nhận học sinh sau khi tốt nghiệp THCS ở độ tuổi 15, tỉ lệ học văn hóa giảm dần và kiến thức chuyên môn nghề nghiệp tăng dần theo thời gian trong 5 năm để cấp bằng CĐ. Mô hình đào tạo Kosen cũng cho phép người học vào học CĐ sau khi tốt nghiệp THPT hoặc chuyển đổi sang hệ thống GD ĐH. Những học viên tốt nghiệp tại CĐ Kosen được đánh giá là “kỹ sư thực hành và sáng tạo”, nhờ đó mà tỉ lệ học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp của mô hình Kosen là gần 100% ở tất cả các ngành nghề đào tạo. Ước tính hiện có khoảng 300.000 sinh viên tốt nghiệp Kosen đang đóng góp tích cực cho nền kinh tế Nhật Bản trong các ngành công nghiệp, các lĩnh vực học thuật như thiết kế, nghiên cứu, quản lý…

Theo Dantri

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thảo luận tại tổ 10 gồm: đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang, về dự án Luật Thuế...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...