Tư nhân hóa giáo dục đại học: ' Con đường gập ghềnh, khúc khuỷu'

Thứ 2, 24/09/2018 | 10:48:15
931 lượt xem

Có thể nói, hơn 20 năm qua đường đi của khối đại học, cao đẳng ngoài công lập (NCL) cho đến nay là một con đường không bằng phẳng, mà gập ghềnh khúc khuỷu, vẫn tồn tại nhiều bất cập".

Nhà giáo Nguyễn Diệu Thanh, Trường Đại học Quảng Bình đã có phân tích khách quan tổng thể về “Tư nhân hóa giáo dục đại học nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức” tại Hội thảo “Giáo dục đại học - Chuẩn hóa và Hội nhập quốc tế”.

Nhiều phụ huynh và học sinh không mặn mà với trường tư

Chính sách không thay đổi kịp thời, nhiều trường ngoài công lập sẽ sụp đổ

Theo bà Nguyễn Diệu Thanh, tư nhân hóa GDĐH ở Việt Nam ban đầu đã đạt được một số kết quả khả quan và đáng khích lệ như thu hút một nguồn lực tài chính lớn trong tư nhân nhằm hoàn thiện hệ thống GDĐH Việt Nam trên nhiều mặt khác nhau từ hơn 80 trường ĐH,CĐ.

Điều này làm giảm gánh nặng cho NSNN, giúp chính phủ tập trung nguồn lực công để xây dựng thành công các đại học CL hàng đầu. Chính những trường đại học NCL đang tiên phong trong việc cải cách GDĐH mà ngân sách nhà nước không phải chịu bất kỳ chi phí nào.

Tuy nhiên, bà Thanh cho rằng, có thể nói, hơn 20 năm qua đường đi của khối đại học, cao đẳng NCL cho đến nay là một con đường không bằng phẳng, mà gập ghềnh khúc khuỷu, vẫn tồn tại nhiều bất cập.

Trước hết là chính sách về sở hữu. Hiện chỉ có hai hình thức sở hữu là sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân đối với các trường. Lẽ ra cần có ba hình thức sở hữu: trường công thuộc sở hữu nhà nước, thực hiện những nhiệm vụ mà Nhà nước giao; trường tư vì lợi nhuận thuộc sở hữu tư nhân, đáp ứng nhu cầu của thị trường và tìm kiếm lợi nhuận; trường dân lập thuộc sở hữu cộng đồng, phi lợi nhuận, có sứ mệnh bù đắp cho những khiếm khuyết của thị trường và phục vụ lợi ích công.

Mặt khác, GDĐH cho đến nay vẫn chưa có cơ sở pháp lý về cơ chế “phi lợi nhuận”. Mặc dầu Chính phủ đã có yêu cầu làm rõ cơ chế này trong năm 2005 – 2006, các khái niệm “vì lợi nhuận” và “phi lợi nhuận” vẫn chưa chính thức đưa vào Luật GDĐH Việt Nam 2012.

Diễn biến gần đây ở ĐH Hoa Sen, ĐH Hùng Vương (TP. Hồ Chí Minh) cũng như nhiều trường ĐH NCL khác cho thấy rất nhiều trường đã và đang đứng trước những khó khăn, thách thức nghiêm trọng. Cùng với đó, trong thời gian tới, sẽ có nhiều trường đại học quốc tế với chất lượng đào tạo vượt trội vào Việt Nam.

“Nếu không có sự đáp ứng kịp thời của chính sách, có thể sẽ thấy sự sụp đổ hàng loạt của các trường NCL trong tương lai - điều chắc chắn không có lợi cho sự phát triển của hệ thống GDĐH” – bà Thanh nhấn mạnh.

Theo bà Thanh, trong bối cảnh GDĐH NCL đang có sự phát triển mạnh mẽ về cả số lượng và phương thức đào tạo, một hệ thống hành lang pháp lý mềm dẻo, linh hoạt và minh bạch đối với đối tượng này là yếu tố cần thiết mà Chính phủ Việt Nam cần lưu tâm và hoàn thiện.

Trường tư chưa tạo lòng tin đối với xã hội

Chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020 xác định đạt tới con số 40% tổng số sinh viên học trong các trường NCL (năm 2020), song mục tiêu này rất khó đạt được nếu nhìn vào xu thế các năm gần đây, tỉ trọng sinh viên vào học tại các trường NCL ở Việt Nam liên tục giảm, đến mức có ngành buộc phải đóng cửa, trái ngược với xu hướng quốc tế khi đầu tư công cho giáo dục ĐH ở các nước phát triển đang giảm, sự tham gia của khu vực tư nhân vào giáo dục ĐH ngày càng nổi bật.

Nguyên nhân của thực trạng này, theo bà Thanh, trước hết xuất phát từ quan niệm xơ cứng, cũ kỹ và nặng nề của người Việt Nam lâu nay khi cho rằng, giáo dục, kể cả GDĐH, phải là “hàng hóa công”, là “công ích”, coi trọng những trường CL hơn trường NCL. Dường như cho đến nay quan điểm đó vẫn là quan điểm thống trị.

Trong xã hội vẫn tồn tại cái nhìn định kiến và thiếu thiện cảm của xã hội đối với khu vực giáo dục ĐH NCL. Thay đổi quan niệm của một người, một thế hệ, một xã hội đối với lĩnh vực nhạy cảm như giáo dục là rất khó khăn, không thể thực hiện trong một thời gian ngắn, chính vì vậy, bản thân các trường đại học NCL phải tự mình đổi mới, nâng cao chất lượng và uy tín đào tạo, nâng cao chất lượng đầu ra.

Bà Thanh cho rằng, đây là con đường duy nhất giúp các trường này tạo được cái nhìn thiện cảm đối với phụ huynh và người học. Một cuộc giải phóng tư duy về vai trò của tư nhân trong GDĐH có lẽ đang là điều cấp bách nhất trong giai đoạn phát triển hiện nay của giáo dục Việt Nam, nếu không, sự tụt hậu đối với các nước xung quanh sẽ là một điều không còn gì phải bàn cãi.

Các trường ĐH NCL hiện đang hoạt động trong thời kỳ suy thoái trầm trọng của giáo dục Việt Nam, những chông gai khi cạnh tranh trên thị trường ngày một gay gắt, chính bởi vậy, con đường đi lên của đại học tư sẽ chưa hết thách thức và khó khăn. Trong bối cảnh đó, để có thể tồn tại và phát triển, các trường NCL phải thể hiện thế mạnh và sự vượt trội trong chất lượng đào tạo của mình, đặc biệt là “sự khác biệt”, “bản sắc riêng” so với các trường CL trong những dịch vụ mà trường cung cấp.

Chất lượng đào tạo thấp khiến hệ thống GDĐH NCL chưa tạo được lòng tin đối với xã hội. Trong một hai năm vừa qua, một số tỉnh thành có những chính sách gây nhiều khó khăn đối với các trường đại học NCL khi thông báo không tuyển sinh viên NCL vào bộ máy hành chính. Khá nhiều lãnh đạo trường đã lên tiếng trên báo chí, coi đây là sự kỳ thị, mà không thấy nguyên nhân thực chất dẫn đến quyết định này là chất lượng thấp của những cử nhân mà họ đã đào tạo ra.

Không chấp nhận dịch vụ kém chất lượng

Bà Thanh phân tích, thực trạng trên xuất phát một phần do ngành giáo dục chưa quản lý tốt các cơ sở đại học NCL, đặc biệt là chuẩn mực học thuật và tài chính.

Các trường đại học NCL ở Việt Nam thiếu trầm trọng về đội ngũ giảng viên. Cơ cấu đội ngũ của một trường đại học có khi chỉ có vài người cơ hữu, còn phần lớn là giảng viên về hưu hoặc kiêm nhiệm thêm.

Nếu nhìn vào danh sách 207 ngành bị Bộ Giáo dục và Đào tạo từng yêu cầu dừng tuyển sinh do không đáp ứng được tiêu chí có một tiến sĩ và ba thạc sĩ thì thấy các trường NCL cũng chiếm một phần khá.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của một số trường chỉ là những lớp học tạm bợ, không đủ tiêu chuẩn diện tích và ánh sáng, trang thiết bị phòng học lạc hậu, một số cơ sở không có thư viện cung cấp các tài liệu học tập cần thiết cho sinh viên, trường vẫn phải thuê địa điểm để phục vụ công tác giảng dạy, đào tạo.

Điều kiện hoạt động không đạt chuẩn, vậy nhưng các trường vẫn tuyển sinh ồ ạt khiến chất lượng đào tạo đầu ra không đảm bảo. Mục đích của xã hội hóa giáo dục, tư nhân hóa giáo dục, phát triển giáo dục NCL là để phục vụ nhu cầu học tập có chất lượng của nhân dân, do đó, chúng ta không thể bắt nhân dân chấp nhận các dịch vụ giáo dục kém chất lượng để nuôi sống các trường.

Theo bà Thanh, một trong những nhược điểm chính của các trường đại học CL hiện nay là thiếu động lực để đổi mới, trong lúc nhược điểm chính của các trường NCL là tầm nhìn ngắn hạn.

Một số trường không đầu tư cho chất lượng lâu dài mà chỉ muốn kiếm lợi nhuận càng nhiều, càng nhanh thì càng tốt, bất chấp hậu quả.

Đây là thách thức không hề nhỏ, khiến cho nhiều trường đại học NCL dù đã hoạt động từ rất lâu nhưng vẫn chưa tạo được thương hiệu cho mình.

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thảo luận tại tổ 10 gồm: đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang, về dự án Luật Thuế...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...