Bộ GD-ĐT đã phát đi thông báo về chủ trương tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2016.
Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2015.
Theo thông báo này, mùa tuyển sinh năm nay thí sinh sẽ không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong từng đợt xét tuyển.
Thí sinh được quyết định môn thi thay thế ngoại ngữ
Năm 2016 mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vẫn có 2 loại cụm thi: Cụm cho các thí sinh (TS) vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ do trường ĐH chủ trì phối hợp với Sở GD-ĐT. Những TS chỉ dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức thi trong cụm tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do Sở GD-ĐT chủ trì phối hợp với trường ĐH.
Tuy nhiên, khác với năm 2015, năm nay Bộ yêu cầu mỗi tỉnh/thành sẽ có ít nhất một cụm thi ĐH (năm 2015, những cụm thi này sẽ tổ chức thi cho TS của ít nhất hai tỉnh, thành phố). Tùy tình hình cụ thể của địa phương, có thể chỉ tổ chức cụm thi ĐH mà không cần phải tổ chức cụm thi tốt nghiệp.
Giữ ổn định như năm 2015, tổ chức thi 8 môn, gồm: toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học và ngoại ngữ. Các môn toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài mỗi môn 180 phút; các môn vật lý, hóa học, sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài mỗi môn 90 phút; môn ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút.
TS dự thi để xét công nhận tốt nghiệp: Đăng ký dự thi (ĐKDT) 4 môn tối thiểu, gồm 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn do TS tự chọn trong các môn thi còn lại. Những TS không được học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được phép chọn môn thi thay thế môn ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.
Giải thích với phóng viên Thanh Niên về điều này, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết: Các năm trước, Giám đốc Sở GD-ĐT phải xem xét và quyết định việc TS chọn môn thay thế, nhưng năm nay TS tự đối chiếu thấy mình nằm trong đối tượng được thi môn thay thế môn ngoại ngữ sẽ có quyền quyết định ngay trong lúc đăng ký môn thi”.
TS dự thi để xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ: ĐKDT 4 môn tối thiểu và ĐKDT thêm các môn khác để xét tuyển. TS đã tốt nghiệp, ĐKDT để xét tuyển ĐH, CĐ chỉ ĐKDT các môn để xét tuyển. TS đang học tại cơ sở giáo dục nào thì ĐKDT tại cơ sở giáo dục đó; TS tự do đăng ký tại địa điểm do các Sở GD-ĐT quy định sao cho thuận tiện nhất.
Đề thi tăng cường câu hỏi mở
Đề thi về cơ bản như năm 2015, được ra theo hướng đánh giá năng lực học sinh. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12; tăng cường câu hỏi mở, câu hỏi gắn với thực tiễn và câu hỏi vận dụng, đảm bảo độ phân hóa, đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ.
Tổ chức coi thi, chấm thi như năm 2015, nhưng tăng số lượng cán bộ, giảng viên các trường tham gia coi thi, chấm thi tại các cụm thi tốt nghiệp; tăng số lượng cán bộ, giáo viên thuộc sở GD-ĐT tham gia chấm thi tại các cụm thi ĐH.
Việc xét công nhận tốt nghiệp thực hiện như năm 2015, kết hợp sử dụng kết quả điểm bài thi của 4 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp.
Chỉ đăng ký vào 2 trường, mỗi trường không quá 2 ngành
Dự kiến năm nay Bộ quy định các trường không trực tiếp nhận đăng ký xét tuyển của TS ngay tại trường. TS sẽ đăng ký xét tuyển cũng như nộp lệ phí xét tuyển qua đường bưu điện (theo hình thức thư chuyển phát nhanh), hoặc đăng ký trực tuyến. Có một đợt xét tuyển chính thức (gọi là đợt 1) và nhiều đợt bổ sung sẽ có nhiều. Dự kiến thời gian xét tuyển sẽ kéo dài từ 1.8 đến 20.10 với các trường ĐH và đến 15.11 với các trường CĐ. Theo quy chế hiện hành, TS đã trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không được đăng ký xét tuyển ở các đợt tiếp theo, nhưng có nhiều khả năng Bộ sẽ bỏ quy định này ở mùa tuyển sinh năm tới. Đợt xét tuyển đầu tiên kéo dài 12 ngày (năm trước là 20 ngày), các đợt xét tuyển kế tiếp: mỗi đợt là 10 ngày.
Để tránh tình trạng hỗn loạn do mỗi TS có quá nhiều nguyện vọng như năm ngoái, năm nay nhiều chuyên gia đã đề xuất với Bộ sẽ chỉ cho phép mỗi TS chỉ đăng ký xét tuyển vào 2 trường, mỗi trường không quá 2 ngành và không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong đợt xét tuyển. Nguyên tắc này thực hiện ở tất cả các đợt xét tuyển.
Với các đợt xét tuyển bổ sung, TS được đăng ký xét tuyển tối đa vào 3 trường, mỗi trường không quá 2 ngành.
Các đơn vị chủ trì cụm thi cũng không phải in và gửi nhiều giấy báo kết quả thi cho TS nữa mà chỉ cần một giấy chứng nhận kết quả thi (có chữ ký của chủ tịch hội đồng thi và dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi). TS sẽ nộp bản chính giấy chứng nhận này cho trường có nguyện vọng học theo quy định của trường. TS phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ đăng ký xét tuyển và hồ sơ đăng ký dự thi. Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu TS không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin trong hồ sơ đăng ký xét tuyển và hồ sơ ĐKDT với hồ sơ gốc.
Tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện xét tuyển vào CĐ
Để có căn cứ cho các trường thực hiện việc xét tuyển, hằng năm Bộ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, nhưng chỉ với các trường ĐH. Còn với các trường CĐ, dự kiến từ nay sẽ không quy định ngưỡng tùy theo kết quả thi THPT quốc gia từng năm nữa mà thống nhất ấn định ngưỡng tốt nghiệp THPT chính là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Thay đổi này sẽ kéo theo quy định điểm “sàn” đối với các trường khu vực “3 Tây” trong quy chế hiện hành. Theo đó, các trường ĐH đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ, được xét tuyển những TS có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi (tổng điểm 3 môn thi của tổ hợp dùng để xét tuyển) thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào 1 điểm (theo thang điểm 10) và phải học bổ sung kiến thức một học kỳ trước khi vào học chính thức.
Các sở GD-ĐT và cụm thi công bố kết quả thi Lịch thi vẫn giữ như kỳ thi năm 2015, tổ chức thi trong 4 ngày: 1, 2, 3, 4.7.2016. Khác với năm 2015, việc thông báo kết quả thi do Bộ đảm nhiệm, năm nay nhiệm vụ này lại được giao về các sở GD-ĐT và các trường ĐH chủ trì cụm thi công bố kết quả thi để tạo thuận lợi cho TS và phụ huynh tra cứu kết quả thi. Trường ĐH chủ trì cụm thi cấp cho mỗi TS dự thi để tuyển sinh một giấy chứng nhận kết quả thi để làm thủ tục nhập học. |
Thu hẹp đối tượng ưu tiên Dự kiến vẫn có 3 nhóm ưu tiên đối tượng theo các quy định của pháp luật hiện hành và 3 khu vực được ưu tiên: KV1, KV2 - NT, KV2. Còn học sinh KV3 (các quận nội thành của thành phố trực thuộc trung ương) không thuộc diện ưu tiên khu vực. Mức chênh lệch giữa 2 nhóm đối tượng kế tiếp là 1 điểm, giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 điểm. TS nào thuộc nhiều diện ưu tiên theo đối tượng thì chỉ được hưởng một diện ưu tiên cao nhất. Nhưng Bộ cũng sẽ đưa vào quy định có tính ràng buộc cao hơn với đối tượng ưu tiên nhóm 1. Nếu như từ trước tới nay, chỉ cần TS là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú trong thời gian học THPT tại các xã “đặc biệt” (được liệt kê trong các quy định hiện hành) là được hưởng đối tượng nhóm ưu tiên 1 thì sắp tới có thể yêu cầu phải có hộ khẩu thường trú ở những xã này từ 24 tháng trở lên. Với ưu tiên khu vực, quy chế hiện hành quy định TS học liên tục và tốt nghiệp trung học tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu trong 3 năm THPT có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó. TS tốt nghiệp ở khu vực nào, hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Thực tế có tình huống TS mỗi năm học một trường thuộc các khu vực có mức ưu tiên khác. Được biết, Bộ dự kiến sẽ bổ sung vào quy chế mới trường hợp này, theo đó TS tốt nghiệp THPT ở khu vực nào sẽ được hưởng ở khu vực đó. Những quy định này áp dụng cho tất cả TS, kể cả đã tốt nghiệp từ trước năm thi tuyển sinh. |