Khi toàn cảnh điểm thi THPT quốc gia 2015 được công khai cũng là lúc công tác xét tuyển của các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) bắt đầu vào cuộc. Tuy nhiên, cuộc đua xét tuyển năm nay có những điểm mới khiến cho cả các trường và thí sinh đều phải thận trọng nhiều hơn, thay vì dựa nhiều vào kinh nghiệm tuyển sinh của các năm trước.
Dễ cho trường nhóm giữa
Sau khi phổ điểm thi được công bố, nỗi lo tuyển không đủ chỉ tiêu của các trường đã phần nào được loại bỏ. Trừ môn ngoại ngữ, phổ điểm của các môn đều phân loại thí sinh khá rõ. Song, với phổ điểm phần lớn tập trung từ 5 đến 7 điểm, số điểm cao trên 8,5 khá ít, các trường thuộc nhóm giữa có vẻ sẽ dễ tuyển sinh hơn so với các trường nhóm trên. Về chất lượng tuyển sinh, với kết quả môn tiếng Anh rất thấp, các trường có xét tuyển môn này tỏ ý lo ngại khi phổ điểm chủ yếu nằm ở khoảng 2-3,5 điểm. Đỉnh phổ điểm của môn này là 3 - mức điểm thấp mà gần 50 nghìn thí sinh nhận được.
|
Giờ tin học của học viên Trường Cao đẳng công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền |
Tuy nhiên, năm nay, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, các trường sẽ được chủ động hơn trong tuyển sinh bởi đã biết phổ điểm của thí sinh và trên cơ sở đó, có thể xác định mức điểm xét tuyển cho trường mình. Về cơ bản, các trường sẽ tránh được tình trạng thí sinh "ảo" bởi những em đã trúng tuyển trong các đợt xét tuyển trước sẽ không được tham gia xét tuyển trong đợt tiếp theo. Như vậy, các trường sẽ không gặp cảnh thí sinh trúng tuyển có thể ồ ạt rút hồ sơ rồi bỏ sang trường khác như mọi năm. Ngoài ra, năm nay, theo quy định, đợt 1 chỉ có một giấy báo kết quả thi, thí sinh chỉ nộp vào một trường duy nhất (có 4 thứ tự ưu tiên), nên các trường cũng thuận lợi hơn trong việc kiểm soát số lượng thí sinh trúng tuyển.
Với đề thi "2 trong 1" năm nay, việc xác định điểm trúng tuyển cũng là bài toán khó với nhiều trường. Điểm trung bình của các môn có xu hướng tăng hơn mọi năm từ 0,5 đến 1,5 điểm nên các trường đều dự kiến mức điểm chuẩn cao hơn tương ứng. Trường ĐH Kinh tế quốc dân dự kiến xác định điểm nhận hồ sơ cao hơn khoảng 2 điểm so với ngưỡng tối thiểu mà Bộ đưa ra, tức là khoảng 15 điểm. Tuy thế, tại buổi tư vấn tuyển sinh của trường, ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo đưa ra lời khuyên, để có cơ hội đỗ, các thí sinh có điểm thi từ 17 đến 18 mới nên nộp hồ sơ vào trường này.
Liệu có thể cập nhật thông tin kịp thời?
Bước vào cuộc đua xét tuyển, chính thí sinh là những người có nhiều băn khoăn hơn cả, bởi họ không "nắm đằng chuôi". Bắt đầu từ ngày 1-8 đến hết 20-8, thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 chỉ được nộp hồ sơ vào một trường nhưng có tối đa 4 ngành theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Các chuyên gia lưu ý rằng, thí sinh cần tìm hiểu và suy nghĩ thật kỹ trước khi đăng ký, đặc biệt là cần tham khảo điểm chuẩn của các năm trước đó.
Cục phó Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Trần Văn Nghĩa nhấn mạnh: Thí sinh nên xác định là điểm của mình cần cao hơn điểm chuẩn mọi năm một chút. Nói cách khác là thí sinh nên chọn ngành ở dưới mức điểm của mình để tăng khả năng đỗ, vì nếu trượt nguyện vọng 1 và phải bước vào xét tuyển nguyện vọng 2 thì sẽ khó khăn hơn cho thí sinh.
Ngoài ra, bên cạnh một ngành chính được ưu tiên lựa chọn để đăng ký xét tuyển, thí sinh nên chọn thêm một số ngành khác dự phòng để loại trừ rủi ro. Thí sinh chỉ nên mạo hiểm đăng ký 1 ngành duy nhất nếu điểm thi cao hơn đáng kể so với điểm chuẩn mọi năm. Mặt khác, các chuyên gia tuyển sinh cũng lưu ý rằng, thí sinh không nhất thiết phải điền đủ 4 ngành trong phiếu đăng ký nguyện vọng 1 nếu không yêu thích, bởi khi đã trúng tuyển nguyện vọng 1 thì các em không được phép xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo nữa.
Trong thời hạn 20 ngày xét tuyển nguyện vọng 1 (bắt đầu từ ngày 1-8), thí sinh có thể điều chỉnh, rút hồ sơ. Đây cũng là việc mà thí sinh cần cân nhắc kỹ bởi việc điều chỉnh rất mất thời gian và có thể gặp phiền phức bởi thí sinh hoặc người nhà phải tới tận trường để thực hiện việc này. Trường ĐH Kinh tế quốc dân, mặc dù cho phép thay đổi nguyện vọng qua internet song vẫn yêu cầu thí sinh muộn nhất là sau 3 ngày phải tới tận trường để ký xác nhận. Từ ngày 20 đến 25-8, kết quả trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ được công bố.
Theo quy định, trong thời gian xét tuyển, cứ 3 ngày 1 lần các trường phải công bố trên cổng thông tin nhà trường về danh sách thí sinh xét tuyển cùng điểm số theo thứ tự từ cao xuống thấp để thí sinh tham khảo và có sự điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên, điều mà nhiều người lo lắng, cũng là điều mà thí sinh nên lường trước, đó là vì lý do kỹ thuật, có thể họ sẽ không thể tiếp cận được với dữ liệu một cách dễ dàng, hoặc thông tin không được cập nhật kịp thời. Lãnh đạo một trường ĐH lớn tại Hà Nội cũng chỉ có thể hứa sẽ cố gắng hết sức để cập nhật dữ liệu chứ không dám bảo đảm sẽ không có sự cố kỹ thuật cản trở việc thực hiện chính xác theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Theo Quỳnh Phạm
Hà nội mới