Tại buổi họp báo chiều 18/12, lãnh đạo bộ GD-ĐT cho biết việc mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20 sẽ giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh, hỗ trợ tốt công tác xét tuyển sinh của các trường.
Mở đầu cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển bày tỏ: Với dự thảo đưa ra, Bộ GD-ĐT mong muốn nhận được ý kiến đóng góp từ dư luận xã hội trước khi ban hành chính thức.
Theo quy định, Bộ GD-ĐT sẽ dành 45 ngày để nhận các ý kiến đóng góp, sau đó sẽ chính thức ban hành quy chế kì thi THPT Quốc gia.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại cuộc họp báo chiều nay. (Ảnh: Mai Châm)
Lý giải về việc sử dụng thang điểm 20 để xét tốt nghiệp THPT, đồng thời làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh, đại diện lãnh đạo Bộ GD - ĐT cho biết để đạt được mục đích nói trên thì yêu cầu phân hóa trình độ của thí sinh được phản ánh qua kết quả các môn thi trong kỳ thi phải được đặt ra ở mức độ cao hơn so với các kỳ thi riêng biệt như những năm trước.
Để giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh được những thí sinh phù hợp với nguồn lực, chất lượng đào tạo, uy tín và đẳng cấp của trường khá đa dạng như hiện nay thì kết quả các môn thi phải có độ phân hóa cao.
Để có độ phân hóa, chất lượng đề thi đóng vai trò quan trọng, đồng thời công tác coi thi, chấm thi cũng là những yếu tố tác động trực tiếp đến kết quả thi của thí sinh.
Do vậy, việc mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20 sẽ giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh, hỗ trợ tốt cho công tác xét tuyển sinh của các trường. Với lý do trên, Bộ GD-ĐT chủ trương sử dụng thang điểm 20 trong kỳ thi THPT quốc gia.
Về việc bảo lưu điểm thi, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định: Điểm thi được bảo lưu như sau.
Thí sinh dự thi đủ các môn quy định trong kỳ thi năm trước nhưng chưa tốt nghiệp và không bị kỷ luật huỷ kết quả thi thì được bảo lưu điểm của các môn thi đạt từ 5,0 điểm trở lên đối với bài thi chấm theo thang 10 điểm hoặc 10,0 điểm trở lên đối với bài thi chấm theo thang điểm 20 cho kỳ thi tổ chức trong năm tiếp ngay sau đó. Điểm bảo lưu được quy về thang điểm 20 để xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh.
Các thí sinh có điểm bảo lưu theo quy định tại khoản 1 của Điều này được dự thi một trong hai cách:
a) Thi tất cả các môn thi quy định trong kỳ thi, nếu thí sinh không sử dụng điểm bảo lưu;
b) Chỉ thi các môn thi không có điểm bảo lưu.
Ông Mai Văn Chinh, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT. (Ảnh: Mai Châm)
Trước đó, về việc cộng điểm khuyến khích, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết: Người học tham gia các cuộc thi và các hoạt động dưới đây được cộng điểm khuyến khích để xét công nhận tốt nghiệp với mức điểm như sau:
a) Đoạt giải cá nhân trong kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hoá lớp 12:
- Đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi quốc gia hoặc giải nhất cấp tỉnh: cộng 4,0 điểm;
- Giải nhì cấp tỉnh: cộng 3,0 điểm;
- Giải khuyến khích trong kỳ thi quốc gia hoặc giải ba cấp tỉnh: cộng 2,0 điểm;
b) Đoạt giải cá nhân và đồng đội trong các kỳ thi thí nghiệm thực hành môn Vật lí, Hoá học, Sinh học; thi văn nghệ; thể dục thể thao; hội thao giáo dục quốc phòng; cuộc thi khoa học kỹ thuật; viết thư quốc tế do ngành Giáo dục phối hợp với các ngành chuyên môn từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở cấp THPT:
- Giải cá nhân:
+ Đoạt giải nhất, nhì, ba quốc gia hoặc giải nhất cấp tỉnh hoặc Huy chương Vàng: cộng 4,0 điểm;
+ Giải giải nhì cấp tỉnh hoặc Huy chương Bạc: cộng 3,0 điểm;
+ Giải khuyến khích quốc gia hoặc ba cấp tỉnh hoặc Huy chương Đồng: cộng 2,0 điểm;
- Giải đồng đội:
+ Chỉ cộng điểm đối với giải quốc gia;
+ Số lượng cầu thủ, vận động viên, diễn viên của giải đồng đội từ 02 đến 22 người theo quy định cụ thể của Ban Tổ chức từng giải;
+ Mức điểm khuyến khích được cộng cho các cá nhân trong giải đồng đội được thực hiện như đối với giải cá nhân quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
- Những người học đoạt nhiều giải khác nhau trong nhiều cuộc thi chỉ được hưởng một mức cộng điểm của loại giải cao nhất.
c) Học sinh giáo dục THPT, học viên GDTX trong diện xếp loại hạnh kiểm có giấy chứng nhận nghề do sở GDĐT hoặc các cơ sở giáo dục đào tạo và dạy nghề do ngành Giáo dục cấp trong thời gian học THPT, được cộng điểm khuyến khích căn cứ vào xếp loại ghi trong chứng nhận như sau:
- Loại giỏi: cộng 3,0 điểm;
- Loại khá: cộng 2,0 điểm;
- Loại trung bình: cộng 1,0 điểm.
2. Nếu người học đồng thời có nhiều loại giấy chứng nhận để được cộng điểm khuyến khích theo quy định tại các điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều này cũng chỉ được hưởng mức điểm cộng thêm nhiều nhất là 8,0 điểm.
3. Điểm khuyến khích quy định tại các điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều này được bảo lưu trong toàn cấp học và được cộng vào điểm bài thi để xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh dự thi.
Liên quan đến việc ôn tập cho học sinh, ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT): Bộ GD-ĐT sẽ hướng dẫn để tránh quá tải cho học sinh.
Trước các câu hỏi: Bộ GD-ĐT quy định 4 nguyện vọng có gây ra “ảo” không? Thí sinh có thay đổi cụm thi hay không? Lý do gì Bộ mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20?, ông Mai Văn Chinh, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT: Điều băn khoăn hiện nay mà nhiều người lo lắng sẽ có nhiều thí sinh “ảo” nếu có nhiều nguyện vọng. Tuy nhiên, Quy chế thi mới này, mỗi thí sinh có 4 giấy báo điểm phù hợp với 4 đợt xét tuyển vào các trường, do đó không sợ “ảo”.
Về việc thành lập cụm thi, Bộ đã đi khảo sát và giao cho các trường đại học có đủ năng lực, kinh nghiệm từ các đợt tuyển sinh năm trước đã được xã hội tin tưởng và đánh giá cao.Việc mở rộng cụm thi này là kế thừa những ưu điểm của cụm thi đó. Bộ quy định thí sinh ở tỉnh nào phải thi theo cụm mà Bộ quy định.
* * *
Được biết, dự thảo quy chế kì thi THPT quốc gia sẽ đưa ra những quy định rõ ràng về cách thức đăng ký dự thi, số lượng cụm thi, hình thức tổ chức các cụm thi… Bên cạnh đó dự thảo cũng sẽ đưa ra dự kiến về số nguyện vọng thí sinh được phép đăng ký vào các trường ĐH, CĐ.
Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra những đối tượng được tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Các đối tượng được cộng điểm ưu tiên trong kì thi THPT quốc gia.
Dự thảo cũng nêu rõ những chứng chỉ được phép miễn thi ngoại ngữ ở kì thi THPT quốc gia cũng như mức điểm tương đương dùng để làm căn cứ xét tốt nghiệp.
Lãnh đạo Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: để hoàn thành dự thảo quy chế kì thi THPT quốc gia, Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng đã phải làm một cách rất khẩn trương. Vừa rà soát các văn bản liên quan vừa tiến hành khảo sát thực tế ở các địa phương để đưa ra số lượng cụm thi phù hợp.
Nguyễn Hùng
Theo: Dantri.com.vn