Sẽ lấy ý kiến rộng rãi
Tại buổi làm việc với báo chí ngày 18.6, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - cho biết: Hướng tới một kỳ thi quốc gia chung theo lộ trình đổi mới thi cử, đến hết năm học 2015 - 2016, bộ sẽ triển khai kỳ thi chung, sao cho hai kỳ thi ĐH - CĐ và tốt nghiệp THPT có tính cộng hưởng, nhưng sẽ phân hóa sâu hơn đối với việc xét tuyển vào ĐH-CĐ.
Tại phiên chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đề cập đến bước thay đổi quan trọng này và khẳng định kỳ thi quốc gia làm cả hai nhiệm vụ là đánh giá việc tốt nghiệp THPT và tuyển lựa thí sinh vào ĐH-CĐ. Bộ GDĐT sẽ tham khảo ý kiến rộng rãi của xã hội, trên cơ sở chuẩn bị chu đáo, kỹ càng hơn việc này.
Ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GDĐT - cho biết: “Các trường ĐH - CĐ sẽ sử dụng kết quả kỳ thi này để làm căn cứ tuyển sinh. Một trong những khâu quan trọng chính là cách ra đề thi phải đảm bảo yêu cầu phản ánh được phẩm chất, năng lực của người học, từ đó có tác dụng phân hóa các mức tốt, khá, giỏi của thí sinh qua bài thi.
Ngoài ra, các khâu tổ chức thi, người coi thi, chấm thi, người ra đề thi và cấu tạo “ngân hàng” đề thi... cũng là những việc cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi chung này. Chúng tôi đang tích cực học hỏi kinh nghiệm quốc tế và sắp tới sẽ xin ý kiến rộng rãi trong và ngoài ngành, sau đó mới trình Chính phủ phê duyệt”.
Tốt nghiệp đỗ cao, thi cử tốn kém
Thông tin này sẽ nhận được nhiều phản ứng tích cực từ dư luận khi trước đó, dư luận xã hội đã khá chú ý trước việc Bộ GDĐT “đánh tiếng” về tiến tới kỳ thi quốc gia chung, khi mà kỳ thi tốt nghiệp THPT với tỉ lệ đỗ cao, tổ chức khá “rình rang”, nhiều ý kiến cho rằng nên giảm lược kỳ thi này và thay thế bằng một hình thức khác nhẹ nhàng hơn.
Bên hành lang Quốc hội sáng 18.6, ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban VH, GD,TTN&NĐ của QH - cho biết: Chỉ nên tổ chức một kỳ thi, còn tốt nghiệp thì chỉ xét kết quả học tập. Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình cũng bày tỏ, nếu đỗ cao như thế này thì không cần phải tổ chức thi cử cho tốn kém.
Về kỳ thi tốt nghiệp THPT, tính đến ngày 18.6, Bộ GDĐT cho biết cả nước có 98,99% số HS hệ phổ thông và 88,97% số HS hệ GDTX đỗ tốt nghiệp. Trước “chất vấn” của báo chí về tính thực chất của kỳ thi khi tỉ lệ HS đỗ tốt nghiệp rất cao, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói: “Tôi khẳng định năm nay kỳ thi diễn ra nghiêm túc hơn các năm trước, vì thế kết quả đã phản ánh sát chất lượng bài thi. Còn kỳ thi diễn ra khách quan hay không, thì cá nhân tôi cho rằng kết quả chưa thật sự đánh giá rằng đã sát 100% với chất lượng. Bộ GDĐT sẽ tiếp tục phân tích, thẩm định để có phản ánh tốt hơn về kết quả kỳ thi”.
Ông Mai Văn Trinh khẳng định: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT không nhằm mục đích đánh trượt HS mà mục tiêu là xác định các em đang ở trình độ nào, từ đó có các giải pháp tác động lại việc dạy và học THPT, điều chỉnh để tăng chất lượng dạy học theo hướng tiếp cận, đánh giá năng lực của HS”. Với những đổi mới trong cách ra đề thi và giảm số lượng môn thi từ 6 môn xuống còn 4 môn, ông Trinh cho hay đã nhận được những phản hồi tích cực từ HS, GV và cả xã hội.
Những nghi ngại về kết quả của bài thi được ông Trinh nhấn mạnh: Công tác chấm thi, ngoài hội đồng chấm thi còn có chấm thi thẩm định, còn tiến hành chấm kiểm tra với tỉ lệ tối thiểu là 5% tổng số bài thi. Việc chấm thẩm định này hoàn toàn độc lập với hội đồng chấm thi. Sau khi có kết quả, chúng tôi sẽ đối chiếu với kết quả chấm thi của các sở, làm cơ sở đánh giá chất lượng kết quả kỳ thi”.
Theo: Laodong.com.vn