Tim bẩm sinh – Mối đe dọa cho tương lai trẻ nhỏ

Thứ 6, 12/04/2024 | 20:04:10
999 lượt xem

Tim bẩm sinh là dạng dị tật phổ biến nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của các ca dị tật bẩm sinh ở trẻ em. Theo kết quả thống kê chưa đầy đủ của Bệnh viện Nhi Thái Bình, tỷ lệ trẻ bị dị tật tim bẩm sinh qua khám sàng lọc phát hiện tới 1,2%, cao hơn bình quân chung cả nước.

5 tuổi, bệnh nhi Trần Mai Chi đã quen với bệnh viện, bởi em sinh ra bị thông liên thất, teo phổi – một trong những dị tật tim bẩm sinh thường gặp. Mặc dù được phát hiện, can thiệp sớm, song căn bệnh nguy hiểm này vẫn khiến sức khoẻ của Chi không ổn định. 

Chị Tạ Thị Thuý, người nhà bệnh nhi Trần Mai Chi: 

Con nhà em phát hiện lúc có bầu. Bạn được 20 ngày thì phải mổ. Theo dõi từ đấy cứ ốm lại phải đưa đến Bệnh viện Nhi Thái Bình điều trị. Bây giờ bạn đang ho sốt nên điều trị khỏi hẳn rồi lại đi phẫu thuật tiếp, thông tim ổn định thì lại phải phẫu thuật thêm lần nữa. Ít nhất phải 3 lần nữa thì mới khỏi được.   

Tiến sĩ, Bác sĩ Phí Đức Long, trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi Thái Bình: 

Có những bệnh nhân tim bẩm sinh có thể chờ đợi sau khi trẻ lớn chúng ta sẽ can thiệp, tuy nhiên có những bệnh nhân tim bẩm sinh rất nguy hiểm mà chúng ta phải phát hiện sớm, kịp thời, ví dụ những bệnh nhân nhiễm dị tật nặng như teo van động mạch phổi, bất thường hoàn toàn tĩnh mạch phổi, đảo ống động mạch thì cần phát hiện sớm ngay sau khi sinh. 


Thống kê cho thấy, khoảng 10 – 15% trẻ sơ sinh mắc tim bẩm sinh cần được điều trị thuốc hoặc phẫu thuật ngay trong tháng đầu đời. Việc phát hiện bệnh sớm là vô cùng quan trọng. Với những trẻ có nguy cơ cao hoặc có những biểu hiện mắc bệnh, cần được thực hiện thăm khám lâm sàng, đánh giá biểu hiện ở tim cũng như ảnh hưởng của bệnh tim bẩm sinh nếu có, lên toàn thân. 

Các xét nghiệm thường được sử dụng trong chẩn đoán tim bẩm sinh gồm: đo nồng độ ôxy trong máu, chụp X-quang phổi, điện tim, siêu âm tim, chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ trong một số trường hợp phức tạp.

Tiến sĩ, Bác sĩ Phí Đức Long, trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi Thái Bình: 

Để phát hiện sớm tim bẩm sinh, người mẹ cần có nhận thức sớm, đi khám thai đều đặn, siêu âm thai ngay từ quý thứ 2 của thai kỳ. Về dấu hiệu lâm sàng thì sau khi sinh nếu trẻ thường xuyên viêm phổi, chậm lớn, không lên cân được, hay ho, khò khè thì cần đi khám sớm. Hoặc trong quá trình tiêm chủng nếu khám tầm soát tim mạch thấy biểu hiện bất thường như tím tái hoặc nghe tim có tiếng thổi thì cần đi khám tim mạch sớm. 

Để phòng bệnh tim bẩm sinh cho trẻ, người mẹ cần quan tâm đến sức khỏe trước và trong khi mang thai. Tránh các tác nhân vật lý, hóa học, chất độc, các loại thuốc an thần, nội tiết tố, rượu, thuốc lá. Tiêm phòng đầy đủ, tránh tiếp xúc với các nguồn bệnh do siêu virus gây ra như Rubella, quai bị. Nếu người mẹ có các bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, lupus ban đỏ lan tỏa... cần chủ động điều trị sớm.

Hà My

  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...