Sốt xuất huyết tiếp tục tăng, nhiều ca nặng

Thứ 4, 18/10/2023 | 00:00:00
522 lượt xem

Sốt xuất huyết năm 2023 đến khá sớm và kéo dài hơn so với mọi năm, hiện đang vào đỉnh dịch. Số bệnh nhân phải nhập viện vì mắc bệnh này tăng nhanh chóng trong khoảng 1 tháng trở lại đây. Dự kiến từ nay đến cuối năm, lượng bệnh nhân sẽ còn nhiều hơn nữa.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết

Sốt nhiều ngày không hạ, nhưng không có dấu hiệu xuất huyết ngoài da, chị Phương không nghĩ mình mắc sốt xuất huyết. Đến khi nhập viện, xét nghiệm cho thấy tiểu cầu đã hạ rất thấp. Đây cũng là hiểu nhầm của nhiều người. Thực tế, có những trường hợp sốt chưa có biểu hiện xuất huyết nhưng bị cô đặc máu dẫn đến sốc, lúc này điều trị rất khó khăn. 



Bệnh nhân Đặng Minh Phương, thị trấn Hưng Hà: “Em chỉ nghĩ mệt rồi sốt thôi, sốt li bì, mỏi hết người, lúc đầu em cũng chưa nghĩ bị quá nghiêm trọng nên cũng tự uống thuốc ở nhà nhưng vẫn sốt nên phải đến viện.”


Bác sĩ Nguyễn Văn Thuận, trưởng khoa Truyền nhiễm, BVĐK Hưng Hà: “Những hiểu nhầm mà bệnh nhân hay mắc phải là tự đi mua thuốc để điều trị. Thấy đau đầu hay sốt cũng đi mua thuốc đau đầu, hạ sốt để uống. 1 số bệnh nhân dùng thuốc hạ sốt không đúng, rất dễ chảy máu tiêu hoá. Tự ý truyền dịch cũng rất nguy hiểm.. Nếu truyền quá nhiều dịch dẫn đến tràn dịch màng phổi, màng bụng, tràn dịch đa màng, rất nguy hiểm.”

Khoa truyền nhiễm, BVĐK Hưng Hà đang điều trị nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết

Những ngày cao điểm, khoa Truyền nhiễm BVĐK Hưng Hà tiếp nhận trên 15 bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện. Nguyên nhân khiến dịch bắt đầu sớm và kéo dài hơn là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, đặc biệt nhiều tuần gần đây nắng mưa đan xen, có những đợt mưa lớn kéo dài. Cùng với đó là số ca ở Hà Nội đang tăng đột biến, trong điều kiện giao lưu đi lại thuận lợi, khiến mầm bệnh dễ dàng lan truyền đến Thái Bình. Đáng ngại là số ca nặng năm nay nhiều hơn hẳn so với mọi năm. Số trường hợp giảm tiểu cầu cũng cao hơn. 


Bác sĩ Nguyễn Văn Thuận, trưởng khoa Truyền nhiễm, BVĐK Hưng Hà: “Dấu hiệu cảnh báo là đau bụng, tiêu chảy, kèm theo xuất huyết ngoài da, chảy máu chân răng.. xuất huyết nội tạng, đó là những dấu hiệu nặng, vào đây tình trạng bệnh nhân da xanh niêm mạc nhợt, khó thở, dấu hiệu mất nước rất rõ, hạ huyết áp, mạch nhanh, truỵ mạch. Sốt xuất huyết mối đe doạ lớn là sốc và xuất huyết bất trị, rất dễ dẫn đến tử vong.”

Sốt xuất huyết hiện chưa có vắc xin nên nâng cao ý thức phòng bệnh rất quan trọng

Theo các bác sĩ, đỉnh dịch sốt xuất huyết năm nay rơi vào tháng 10, tháng 11. Dịch có thể kéo dài đến hết năm. Sốt xuất huyết hiện chưa có vắc xin, việc chống dịch phụ thuộc nhiều vào ý thức tự giác, sự phối hợp của người dân trong hoạt động diệt bọ gậy và muỗi truyền bệnh. Khi có biểu hiện sốt, cần đến các cơ sở y tế để xét nghiệm máu chẩn đoán xác định và theo dõi điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa, không tự ý điều trị tại nhà.

Hà My


  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...