Không chủ quan với sốt xuất huyết

Thứ 6, 20/05/2022 | 00:00:00
361 lượt xem

Thời tiết mưa nắng thất thường, nhiệt độ thay đổi nhanh chóng cùng khí hậu ẩm ướt đang là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Nếu không tích cực chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống thì nguy cơ bùng phát dịch rất cao.

Hiện đang là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển

Trữ nước trong các chai lọ, chum vại, để vườn tược um tùm mà không thường xuyên có biện pháp diệt muỗi - Đó từng là thói quen của không ít người dân, như chị Ánh. Bởi trước kia chị cho rằng, bệnh dịch không xuất phát từ những việc đơn giản như vậy. 

Chị Lê Thị Ánh, xã Thụy Quỳnh, huyện Thái Thụy: 

Từ trước thì nhà mình chum vại cứ hứng nước để tưới cây. Nhưng từ ngày có ca sốt xuất huyết thì chum vại mình úp hết xuống, tưới đến đâu múc đến đấy thôi. Xã tuyên truyền sớm tối nên mình chủ động phòng chống sốt xuất huyết cho gia đình và xã hội. 

Chính những thói quen tưởng như vô hại trong sinh hoạt hàng ngày đã trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xã Thụy Quỳnh xuất hiện ca sốt xuất huyết nội sinh vào đầu tháng 5 vừa qua. Cũng từ trường hợp này, ý thức của người dân đã thay đổi rõ rệt.

Những thói quen để nhiều vật dụng tạo môi trường tối, ẩm thấp hay trồng cây thủy canh,.. là tiền đề cho muỗi phát triển

Ông Nguyễn Văn Hạt - xã Thụy Quỳnh, huyện Thái Thụy: 

Mắc bệnh sốt xuất huyết thì về gia đình cũng vệ sinh, quét dọn, không để nước mưa chứa trong bình gì cả. Gia đình phải chủ động sạch sẽ hơn để phòng chống bệnh cho cả các con các cháu xung quanh. 

Không để dịch sốt xuất huyết lây lan trên diện rộng, Trung tâm Y tế huyện Thái Thụy tăng cường phân công cán bộ phụ trách địa bàn nắm chắc thông tin tình hình dịch bệnh, tổ chức toàn diện các hoạt động giám sát, phát hiện trường hợp mắc sốt xuất huyết, khoanh vùng, bao vây xử lý triệt để. Các địa phương có ổ dịch, có nhiều yếu tố nguy cơ, được xử lý ngay về môi trường, diệt côn trùng truyền bệnh. 

 Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Thái Thụy tuyên truyền phòng chống dịch

Y sĩ Đào Ngọc Sơn - Trạm trưởng trạm y tế xã Thụy Quỳnh, huyện Thái Thụy:

Chúng tôi đã viết bài tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã ngày 2 lần, đồng thời huy động toàn bộ lực lượng của thôn có đối tượng sốt xuất huyết để tổng vệ sinh, đi giám sát kiểm tra, phun thuốc khử trùng. Từ sau khi có 1 ca bệnh đến nay chúng tôi chưa ghi nhận thêm ca mới nào.

Bác sĩ Lê Tiến Đại - Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thái Thụy: 

Trung tâm Y tế cũng đã triển khai các kế hoạch phòng chống dịch, trong đó có sốt xuất huyết. Các xã tập trung mua thuốc tẩm màn, phun hóa chất, tuyên truyền người dân nằm màn. Công tác vệ sinh môi trường thì tập trung chỉ đạo chiến dịch hoạt động mạnh tổng vệ sinh môi trường đặc biệt trong tháng 5 này. 


Theo các chuyên gia y tế, biện pháp phòng sốt xuất huyết hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng muỗi đốt. Người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Thường xuyên loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên như chai lọ, lốp xe cũ... Khi sốt cao đột ngột, có dấu hiệu xuất huyết ngoài da và chảy máu cam thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Hà My

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...