Thị trường thực phẩm chức năng: Quản lý phải bắt kịp thị trường

Thứ 2, 26/11/2018 | 16:32:43
1,215 lượt xem

Nhu cầu sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) ngày càng cao, số lượng sản phẩm cũng tăng chóng mặt, trong khi việc kiểm soát chất lượng lại chưa theo kịp, công tác hậu kiểm gặp nhiều khó khăn. Đó là khẳng định của một số chuyên gia tại Hội nghị quốc tế về TPCN lần thứ hai, do Bộ Y tế vừa tổ chức.

Kiểm soát thực phẩm chức năng từ những khâu sản xuất đến sử dụng

Tồn tại nhiều vi phạm

Theo thống kê của Hiệp hội TPCN Việt Nam, trong nước, những sản phẩm TPCN đầu tiên xuất hiện vào cuối năm 1999 được nhập từ Trung Quốc và Mỹ. Đến năm 2000 mới chỉ có 13 doanh nghiệp nhập khẩu với 63 sản phẩm. Đến năm 2016 đã có 1.872 công ty sản xuất, kinh doanh với 3.447 sản phẩm, trong đó sản phẩm sản xuất trong nước chiếm 56,45%. Hiện tại Việt Nam có khoảng 2.000 loại sản phẩm TPCN, trong đó 70% sản xuất trong nước.

Nhiều chuyên gia cho rằng, lối sống thay đổi chóng mặt, người dân có thói quen ngồi nhiều, ăn nhiều thức ăn nhanh, nhiều chất béo, ít rau xanh, ít vận động thể dục thể thao dẫn đến tình trạng thiếu vi chất nghiêm trọng. Điều này là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh mãn tính nguy hiểm như ung thư, đái tháo đường, huyết áp cao, béo phì... Do đó, việc bổ sung vi chất bằng cách sử dụng TPCN là nhu cầu tất yếu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nhận định, trên khía cạnh kinh tế, ngành công nghiệp TPCN ở nước ta đang ở giai đoạn rất phát triển nhưng cũng đã nảy sinh rất nhiều vấn đề tồn tại liên quan đến các vi phạm, chất lượng, giá cả. Do nhu cầu lớn nên không ít doanh nghiệp sản xuất vì lợi nhuận đã lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng cố tình sản xuất TPCN không đúng với tiêu chuẩn được công bố. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp nhỏ không đầu tư cơ sở vật chất, dây chuyền sản xuất nên sản phẩm làm ra bị hạn chế về chất lượng. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp cố tình “thổi phồng” tác dụng của TPCN như thuốc chữa bệnh, quảng cáo TPCN mà không đăng ký, không công bố với cơ quan chức năng.

Đồng quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam Trần Đáng cho biết, hiện nhu cầu sử dụng TPCN ở nước ta tăng nhanh. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều doanh nghiệp biến mặt hàng này thành đa cấp, bất chính, khiến ngành TPCN bị biến tướng. Lợi dụng kẽ hở pháp luật, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, công dụng không đúng với quảng cáo, gây mất niềm tin với người tiêu dùng, ảnh hưởng tới ngành TPCN trong nước.

Khó khăn trong quản lý

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương khẳng định, trên thị trường hiện đang có một “rừng” TPCN, một số sản phẩm được sản xuất ra không vì mục tiêu sức khỏe, thổi phồng công dụng gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Thực tế đó đã đặt ra yêu cầu cho cơ quan quản lý phải thực hiện hậu kiểm như thế nào để kiểm soát chất lượng trong bối cảnh bộ máy và con người cũng như sự hiểu biết của người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó cũng đặt ra vấn đề về sự tự giác của nhà sản xuất bởi không phải doanh nghiệp nào cũng lấy chất lượng uy tín để làm kim chỉ nam.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, theo định nghĩa về TPCN trong Luật An toàn thực phẩm, đây là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh. Thuật ngữ này được nhận định là khá rộng và một số nhà sản xuất sẽ lợi dụng điều này để công bố công dụng sản phẩm vượt quá tác dụng thực tế, gây hiểu lầm cho người sử dụng. Do đó, để định hướng người tiêu dùng sử dụng đúng sản phẩm, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa đã quy định phải ghi rõ cụm từ “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” lên nhãn sản phẩm.

“Về mặt pháp lý, hiện đã có văn bản quản lý và kiểm soát TPCN, tuy nhiên cái khó là trên thực tế đang có quá nhiều sản phẩm, nhiều sản phẩm lại có sự giao thoa dẫn tới việc quản lý còn khó khăn, chưa kể ý thức chấp hành của một bộ phận doanh nghiệp chưa tốt” - Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong khẳng định, bất kỳ TPCN nào khi đã công bố và được phép lưu thông trên thị trường phải bảo đảm chất lượng, trừ sản phẩm bị làm giả. Từ quá trình thanh tra, kiểm tra cũng như thông tin báo chí phản ánh, Cục đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng xử lý rất nhiều vụ việc vi phạm. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng tăng cường công tác hậu kiểm lấy mẫu trên thị trường và gửi đơn vị kiểm nghiệm để kiểm tra mẫu, trường hợp có vi phạm về các chỉ tiêu, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự, hàng giả hàng nhái sẽ chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan công an xử lý.

Hậu kiểm hay quản lý theo hệ thống?

Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam Trần Đáng thừa nhận, thời gian qua việc kiểm soát chất lượng TPCN đã được các cơ quan chức năng vào cuộc rất quyết liệt. Tuy nhiên cách làm hiện nay chưa đúng hướng, vì kiểm soát thực phẩm là phải kiểm soát ngay từ những khâu sản xuất đến khi sử dụng, chứ không phải khi sản phẩm ra thị trường rồi mới kiểm tra. Cách quản lý này sẽ gây khó cho cơ quan thực thi vì hiện không đủ lực lượng để kiểm tra tất cả các sản phẩm trên thị trường.

Theo đó, phải có cách quản lý ngay từ khi các cơ sở có ý định vi phạm, sau đó vấn đề hậu kiểm sẽ rất nhẹ nhàng. Chẳng hạn như kiểm soát ngay từ khâu nguyên liệu, bảo đảm thật chất lượng, khâu chế biến, sản xuất phải đạt chuẩn, thì các cơ sở chỉ cần “bấm nút” là ra sản phẩm tốt. Còn nếu nguyên liệu trôi nổi, không quản lý được chất lượng sẽ dẫn tới cho ra đời hàng loạt sản phẩm kém chất lượng, lúc đó mới đi kiểm tra thì không xuể.

Nhiều chuyên gia thừa nhận, việc kiểm soát chất lượng phải làm từ gốc bởi thế giới đang sử dụng cách quản lý an toàn thực phẩm theo hệ thống (food standard). Tức là các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có hệ thống quản lý an toàn TPCN, có thể tạo ra môi trường làm việc giảm thiểu rủi ro, sản phẩm được tạo ra có chất lượng và an toàn, nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, đáp ứng quy định pháp luật.

Thống kê cho thấy, nếu như năm 2000 chỉ khoảng 500.000 người (0,5% dân số) biết và sử dụng TPCN thì năm 2017, số người dùng đã tăng lên 21,48% dân số. Hiện, hầu hết các bệnh viện, đặc biệt bệnh viện tư, các hiệu thuốc đều có bán TPCN.

Theo Daibieunhandan

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...