Nước uống, thực phẩm có chì ảnh hưởng sức khỏe thế nào?

Thứ 4, 01/06/2016 | 15:49:42
719 lượt xem

Chì là kim loại không mùi, không vị, để biết sản phẩm thực phẩm có chứa chì hay không phải tiến hành kiếm nghiệm. Khi đã bị nhiễm độc chì, phải đưa thuốc đặc trị vào để giúp đào thải chì ra.

1.184 thùng C2 và Rồng Đỏ (khoảng 10 tấn, trong đó chủ yếu là sản phẩm  trà xanh hương chanh C2 (lô sản xuất ngày 4/2/2016, hạn sử dụng 4/2/2017) có hàm lượng chì vượt ngưỡng mức công bố đã bị tiêu hủy. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm thuộc lô hàng C2 và Rồng đỏ đã bán ra thị trường với tổng giá trị hàng hóa vi phạm đã xuất bán, không thu hồi được là hơn 3,875 tỷ đồng. Đồng nghĩa với việc, rất nhiều người đã uống phải loại nước chứa chì vượt ngưỡng, trong đó, một lượng khách hàng không nhỏ là trẻ em.

PGS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên hóa học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết, chì là loại kim loại nặng được liệt vào mức độc mạnh, vì chì có khả năng tích lũy sinh học trong cơ thể con người, tích lũy lâu dần sẽ gây bệnh cho cơ thể. Có thể bình thường sử dụng nước, thức ăn, thực phẩm có lượng chì nhỏ thì không có tác động ngay lập tức, nhưng nếu để tích lũy dần trong cơ thể sẽ gây phá hủy dần tủy xương – bộ phận sản xuất ra hồng cầu. Nếu không có biện pháp đào thải khi chì đã vào trong cơ thể thì chì khó “ra ngoài”. Nếu không có phương pháp điều trị đặc biệt, bệnh nhân sẽ tử vong. Đối với trẻ em, việc nhiễm độc chì của trẻ em nhạy cảm hơn nhiều so với người lớn, khả năng tích lũy chì của trẻ em cao hơn so với người lớn.

“Đơn cử, nếu sữa mẹ có nhiễm chì, khi cho con bú, lượng chì nhiễm vào trong con sẽ cao hơn trong sữa mẹ, bản thân đứa trẻ sẽ bị ngấm chì”- PGS.TS Trần Hồng Côn nhấn mạnh.

Đoàn thanh tra cùng đại diện công ty Urc Hà Nội giám sát việc tiêu hủy hàng không đạt tại cơ sở xử lý chất thải Công ty CP đầu tư phát triển công nghiệp và môi trường Việt Nam

Trong tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của Việt Nam có những quy định về hàm lượng chì trong nước ăn, uống. Nếu hàm lượng chì trong các sản phẩm thực phẩm thấp hơn mức quy định thì không ảnh hưởng. Nếu cao hơn, chắc chắn sẽ có tích lũy. Việc nhiễm độc chì (khi lượng chì cao hơn mức quy định) phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như cơ địa từng người. Khi đã bị nhiễm độc chì, quá trình phá hủy, thay thế cũng rất phức tạp.

Chì là kim loại không mùi, không vị, để biết sản phẩm thực phẩm có chứa chì hay không phải tiến hành kiếm nghiệm. Khi đã bị nhiễm độc chì, phải đưa thuốc đặc trị vào để giúp đào thải chì ra.

Cùng quan điểm này, PGS.TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, chì là một chất cực độc đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em, nhất là trong trường hợp ngộ độc chì cấp tính bởi chì khó thải loại, vào cơ thể chì theo máu đến các cơ quan: gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh … gây bệnh cho trẻ. Vì có tác hại nên hàm lượng chì được quy định nghiêm ngặt trong sản phẩm thực phẩm, thuốc uống.

TS Duệ cũng phân tích: Nếu quy định hàm lượng chì cho phép trong nước là 0,05 mg/lít có nghĩa uống nước này, người sử dụng sẽ không bị ngộ độc chì do lượng chì thấp, được thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu, mồ hôi.

Còn nếu dùng sản phẩm có chì vượt ngưỡng sẽ gây ngộ độc. Mức độ ngộ độc chì tới đâu còn tùy thuộc vào hàm lượng chì vượt ngưỡng, thời gian uống, số lượng uống và tùy thuộc vào chức năng thận của mỗi người. “Nếu thận tốt thì việc đào thải chì tốt, còn nếu đào thải không tốt, chì tích tụ trong cơ thể gây ngộ độc”, TS Duệ cho biết.

Ở Việt Nam, rải rác vẫn ghi nhận ngộ độc chì ở trẻ em sử dụng loại thuốc cam điều trị tưa lưỡi và giúp trẻ ngon miệng bán tại nhiều cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền, đặc biệt ở nông thôn. Khoảng 3 năm trước đây, Trung tâm chống độc đã tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám do ngộ độc chì đều liên quan tới việc sử dụng các loại thuốc nam, thuốc cam nhằm tẩm bổ, chữa lở loét, chữa tiêu chảy, chữa các bệnh nan y.

Điều trị cho trẻ bị ngộ độc chì tại Bệnh viện Nhi Trung ương.                            Ảnh minh họa

Liên quan đến việc người tiêu dùng có được đền bù khi trót uống sản phẩm C2, Rồng đỏ chứa chì vượt ngưỡng, ông Nguyễn Mạnh Hùng - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt NAM cho rằng, về nguyên tắc, người tiêu dùng phải được bồi thường khi mua phải sản phẩm C2 và Rồng Đỏ thuộc hai lô nhiễm chì bị tiêu hủy.

Tuy nhiên, rất khó khăn để xác định từng cá nhân sử dụng phải sản phẩm này do người tiêu dùng mua nhỏ lẽ, đã uống hết, vứt bỏ vỏ, chai lọ thì không thể nhớ được mình đã từng uống sản phẩm thuộc lô này hay không. Do vậy, rất khó để bồi thường cá nhân trong những tình huống như thế này. Vì thế, ông Hùng đề xuất nên thành lập một quỹ để dành riêng cho các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng, như kiểm tra phát hiện thực phẩm bẩn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự thảo Nghị quyết
Quốc hội thảo luận về các dự thảo Nghị quyết

Sáng ngày 21.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...