Công điện cho biết mặc dù Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nào nhiễm Ebola nhưng ngành y tế phải quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập và lây lan vào Việt Nam. Đồng thời chủ động ứng phó có hiệu quả nhất và ít gây thiệt hai nhất khi dịch xảy ra.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và các nước liên quan cập nhật tình hình dịch bệnh, dự báo nguy cơ lây lan vào Việt Nam và chủ động lên phương án kế hoạch để kịp thời chống dịch.
Trước nguy cơ dịch bệnh lan rộng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên vừa ban hành phác đồ chẩn đoán và điều trị virus Ebola. Theo đó, bệnh do virus Ebola gây ra là một bệnh nhiễm trùng nặng, tỉ lệ tử vong có thể lên đến 90%.
Theo ông Trần Đắc Phu, hiện Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh do virus Ebola. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan dịch bệnh thông qua đối tượng là khách du lịch, người làm việc, học tập và lao động nhập cảnh trở về từ khu vực châu Phi là hoàn toàn có thể.
Trả lời câu hỏi Thái Lan và Philippines có một số trường hợp trở về từ châu Phi nghi nhiễm virus Ebola, Việt Nam có nâng mức độ cảnh báo căn bệnh này không, TS Phu cho biết, cả hai quốc gia nói trên đều chưa xác định công dân của họ có nhiễm virus Ebola hay không nên Việt Nam vẫn giữ mức độ phòng tránh ở tình huống 1.
Cụ thể, ngành y tế sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra chặt chẽ những người nhập cảnh về từ các nước trong khu vực có dịch bệnh, nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh sẽ tiến hành cách ly.
Trong trường hợp có bệnh nhân nhiễm Ebola đầu tiên, Bộ Y tế đã chuẩn bị các phương án điều trị. Trước diễn biến nghiêm trọng, phức tạp của bệnh do virus Ebola gây ra, Bộ Y tế đã hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Ebola, nêu rõ các triệu chứng lâm sàng, việc chẩn đoán các ca bệnh Ebola, các nguyên tắc trong công tác điều trị và phòng lây nhiễm virus Ebola.
Về triệu chứng lâm sàng, thời gian ủ bệnh trung bình là 2-21 ngày với các triệu chứng thường gặp bao gồm sốt cấp tính; đau đầu, đau mỏi cơ, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, viêm kết mạc. Bệnh nhân bị phát ban thì ban đầu ban nhú đỏ sẫm mầu như đinh ghim tập trung ở nang lông, sau hình thành nên tổn thương ban dát sẩn có ranh giới rõ và cuối cùng hợp thành ban lan tỏa, thường trong tuần đầu của bệnh.
Triệu chứng xuất huyết là đi ngoài phân đen; chảy máu nơi tiêm truyền; ho ra máu, chảy máu chân răng; đái ra máu.
TS Trần Đắc Phu cho biết, hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh đặc hiệu với virus Ebola, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Các ca bệnh nghi ngờ đều phải được khám tại bệnh viện, cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm gửi làm xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán bệnh. Nếu có ca bệnh xác định nhiễm virus Ebola sẽ được cách ly hoàn toàn và điều trị tại bệnh viện.
Virus Ebola có thể truyền qua sữa mẹ. Khi nghi ngờ mẹ bị nhiễm bệnh, mẹ và trẻ cần được nhập viện và cách ly cho đến khi loại trừ nhiễm bệnh, mẹ nên ngừng cho con bú. Bệnh nhân được xuất viện khi sau 3 ngày không sốt và không có các dấu hiệu đào thải virus ra môi trường như đi ngoài phân lỏng, ho, chảy máu…
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, để phòng lây nhiễm virus Ebola cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt.
Theo: tienphong.vn