Mặc dù so với các năm trước, số trường hợp mắc viêm não virus, viêm não Nhật Bản thấp hơn nhưng theo nhận định, bệnh thường gia tăng vào mùa hè nên trong thời gian tới có thể số ca mắt tiếp tục gia tăng, đặc biệt là tại các tỉnh phía Bắc.
|
Ảnh minh họa |
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính từ đầu năm đến ngày 4/7, cả nước ghi nhận 357 trường hợp mắc viêm não virus rải rác tại 32 tỉnh, thành phố (Hà Nội ghi nhận 16 trường hợp tại 15 xã, phường, thị trấn của 12 quận, huyện, thị xã). Trong số đó, 6 trường hợp tử vong; trong 6 trường hợp này, tỉnh Gia Lai có 2 trường hợp, còn lại là tại Điện Biên, Bạc Liêu, Hà Nội và và Sơn La. Cũng trong 6 trường hợp trên, chỉ 1 trường hợp được chẩn đoán là viêm não Nhật Bản tại Ba Vì, Hà Nội.
Về viêm não Nhật Bản B, chủ yếu xảy ra ở khu vực miền Bắc, tập trung chính tại bệnh viện Nhi Trung ương (69 ca) và bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (5 ca người lớn). So với cùng kỳ năm trước, số trường hợp mắc viêm não virus giảm 10,8%.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, viêm não virus là bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây nên, trong đó virus viêm não Nhật Bản là một trong những tác nhân gây bệnh này. Bệnh thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương. Trẻ em dưới 15 tuổi là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh này. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng mùa dịch là vào các tháng mùa hè, đỉnh điểm là các tháng 6, 7, 8.
Các căn nguyên gây viêm não là các virus arbo (trong đó có virus viêm não Nhật Bản), virus herpes, các virus đường ruột (như EV 71 gây bệnh tay chân miệng) và các virus khác hiện chưa biết rõ. Do các triệu chứng lâm sàng rất khó phân biệt giữa các chủng virus nên việc chẩn đoán nguyên nhân phải thông qua xét nghiệm xác định virus. “Như vậy, bệnh viêm não Nhật Bản chỉ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm não virus ở Việt Nam”.-Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói.
Từ năm 1997, vắcxin viêm não Nhật Bản đã được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng; ban đầu được triển khai tại một số tỉnh, thành phố có nguy cơ cao và hàng năm được mở rộng ra các địa phương trong cả nước. Đến năm 2013, vắcxin viêm não Nhật Bản đã được triển khai tại 580 huyện của 60 tỉnh, thành phố. Và năm nay, việc tiêm vắcxin viêm não Nhật Bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng (không mất tiền) cho trẻ 1- 5 tuổi được triển khai tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đến thờ điểm này, tỷ lệ điểm đạt khá cao (tiêm đủ 3 mũi): Hà Nội đạt 89,9%, Bắc Giang: 96%, Tây Ninh: 99,6%.
Để phòng bệnh hữu hiệu, trẻ cần được tiêm đủ các liều. Theo đó, tiêm mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần, mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Hiện trẻ dưới 5 tuổi được tiêm miễn phí, còn từ 5 tuổi trở lên tiêm nhắc lại phải tiêm dịch vụ.
Theo nhận định của Cục Y tế dự phòng, số ca mắc viêm não virus, viêm não Nhật Bản thấp hơn nhiều so với các năm trước đây. Tuy nhiên, bệnh thường gia tăng vào mùa hè, vì thế trong thời gian tới có thể số ca mắc tiếp tục gia tăng, đặc biệt là tại các tỉnh miền Bắc.
Vì vậy, để hạn chế số ca mắc cũng như trường hợp tử vong, Sở Y tế Hà Nội vừa yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm truyền thông Giáo dục sức khỏe; Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã; các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập tăng cường công tác chống bệnh viêm não Nhật Bản.
Thanh Hương
Theo: Hanoimoi.com.vn