Công tác tiếp dân nhìn từ cơ sở ( phần 2)

Thứ 6, 05/07/2019 | 09:47:10
2,205 lượt xem

Làm tốt công tác tiếp công dân là thể hiện bản chất nhà nước của dân, do dân và vì dân, tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, giúp cho Đảng, Nhà nước tiếp nhận được những thông tin phản hồi từ thực tế, từ đó đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân. Tuy nhiên thời gian qua, công tác tiếp dân vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn tồn tại dẫn đến công tác tiếp công dân còn nhiều hạn của chế.

Phần 2: Công tác tiếp dân những hạn chế cần được khắc phục

Bà Trần Thị Thu Hiền công chức văn phòng Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, được giao nhiệm vụ thường trực tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế 1 cửa, để giải quyết các thủ tục hành chính. Đồng thời bà cũng làm nhiệm vụ tiếp dân, tiếp nhận các đơn thư kiến nghị, phản ánh và khiếu nại tố cáo của công dân. Ngày nào cũng vậy, bà đến trụ sở UBND xã rất sớm để thực hiện công việc chuyên môn của công chức văn phòng trước khi bắt tay vào làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa. Công việc ngày một nhiều, tất bật cả ngày. Thế nhưng vẫn còn một số công dân đến kiến nghị, phản ánh hay khiếu nại hoặc tố cáo lại tỏ thái độ không hài lòng khi chưa được tiếp đón kịp thời. 

Bà Trần Thị Thu Hiền - xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương: Công dân đến giao dịch với chúng tôi để giải quyết các thủ tục hành chính, thì một số công dân lại đến có đơn thư kiến nghị đôi khi người dân thể hiện không thoải mái. Nhưng chúng tôi phải giải quyết theo trình tự thứ tự, công dân đến trước chúng tôi giải quyết trước. Rất mong được sự thông cảm của người dân.




Mỗi địa phương ở Thái Bình một cách làm trong việc bố trí người tiếp công dân hàng ngày tại trụ sở UBND xã và việc tổ chức tiếp công dân theo định kỳ hàng tuần của người đứng đầu chính quyền. Thực tiễn cho thấy không có công chức nào chỉ làm một nhiệm vụ tiếp công dân, tất cả đều phải kiêm nhiệm, dẫn đến tình trạng người thiên về công tác chuyên môn, ít quan tâm đến việc tiếp dân, nhưng có người lại chú tâm đến việc tiếp công dân, nhiệm vụ chuyên môn bị quên lãng. 

Ở một số địa phương việc tiếp dân được giao cho cán bộ công chức Tư pháp – Hộ tịch. Nếu như trước đây cán bộ tư pháp hộ tịch ở cơ sở phải thực hiện 7 đầu mối công việc, thì trong những năm gần đây, theo thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ, cán bộ tư pháp hộ tịch phải thực hiện tới 12 đầu mối công việc, gần đây lại thêm việc kiểm soát thủ tục hành chính. Và từ đầu năm 2016, thực hiện luật hộ tịch mới, nhiều đầu mối công việc đang thực hiện ở cấp huyện, cấp tỉnh nay chuyển về thực hiện tại cấp xã. Chính vì vậy đầu mối công việc đối với cán bộ tư pháp hộ tịch ở cơ sở đã nhiều ngày càng nhiều, lại thêm công việc tiếp nhận đơn thư kiến nghị, phản ánh khiếu nại tố cáo của công dân. Công việc nhiều thù lao còn ít ỏi, một số công chức làm được giao nhiệm vụ tiếp công dân chưa thực sự mặn mà với công việc. 

Ông Phạm Hùng Cương - Phó chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn huyện Kiến Xương: Cán bộ tiếp công dân ở địa phương hiện nay còn kiêm nhiệm chưa có cán bộ chuyên tiếp công dân, chính vì vậy kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xây dựng định mức thù lao để động viên công chức làm nhiệm vụ tiếp dân.






Hiện nay ở một số địa phường còn có tình trạng, người được giao nhiệm vụ tiếp dân, nhưng năng lực trình độ còn hạn chế, nhất là các kiến thức về pháp luật, dẫn đến việc hướng dẫn vòng vo, hoặc hướng dẫn đến các cơ quan không có thẩm quyền giải quyết. Một số nơi chưa có sự phối hợp giữa việc thực hiện dân chủ ở cơ sở với việc giải quyết khiếu nại tố cáo. Từ đó làm nảy sinh tình trạng đơn thư vượt cấp.

Trong thời gian qua việc xây dựng trụ sở làm việc của UBND cấp xã, phường, thị trấn được xây dựng theo quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích đối với cán bộ, công chức. Hầu hết các trụ sở UBND cấp xã đều không có phòng giành riêng cho việc tiếp công dân. Nơi tiếp công dân được lồng ghép với nơi làm việc chuyên môn của cán bộ, công chức gây ảnh hưởng đến chất lượng tiếp công dân. Trong thực tế có một số công dân đến nơi tiếp dân để phản ánh tâm tư nguyện vọng của mình, có khi là tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật, nhưng lại được tiếp ở phòng làm việc chung dẫn đến e ngại, sợ lộ bí mật. Việc cập nhật thông tin về tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị phản ánh và khiếu nại, tố cáo cũng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi trong giai đoạn hiện nay. 


Ông Nguyễn Bình Minh - Phó chủ tịch UBND phường Quang Trung, thành phố Thái Bình: Cơ sở tiếp công dân của phường còn khiêm tốn một chút, phòng tiếp công dân còn lồng ghép với phòng của cán bộ tư pháp hộ tịch. Một số công dân thì còn có những thái độ không đúng mực khi đến nơi tiếp công dân.





Ông Phạm Hùng Cương  - Phó chủ tịch UBND Quốc Tuấn huyện Kiến Xương: kiến nghị cần xây dựng phần mềm tiếp công dân thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Có phần mềm việc cập nhật đơn thư, khiếu nại, tố cáo và kiến nghị đề xuất của công dân sẽ được kịp thời hơn.






Điều khẳng định, công tác tiếp dân ở xã, phường, thị trấn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giữ vững, ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Để hạn chế đến mức thấp nhất những khiếu kiện vượt cấp, chính quyền cơ sở phải làm tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ, thực hiện tốt công tác dân vận. Các cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở , có như vậy mới nâng cao được chất lượng tiếp công dân.

Những quy định của luật tiếp công dân

Điều 15: Luật Tiếp công dân, quy định việc tiếp công dân tại xã, phường, thị trấn được thực hiện như sau: 

Việc tiếp công dân của cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn được thực hiện tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã).

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp phụ trách công tác tiếp công dân ở cấp xã và thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

Ban hành nội quy tiếp công dân;

Bố trí địa điểm thuận lợi và các điều kiện cần thiết khác cho việc tiếp công dân tại Trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã;

Phân công người tiếp công dân;

Trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã ít nhất 01 ngày trong 01 tuần và thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 18 của Luật này;

Phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tiếp công dân và xử lý vụ việc nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung; bảo đảm an toàn, trật tự cho hoạt động tiếp công dân;

Tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, báo cáo định kỳ và đột xuất với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền./.

 Mai Lộc                                                                                                                                                        

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...