Phong tục ngày tết: Lễ giao thừa và Ba ngày tết

Thứ 4, 25/01/2017 | 16:06:30
839 lượt xem

Từ tối 30 đến rạng sáng mồng một tết Nguyên Đán gọi là đêm Trừ tịch hay đêm giao thừa. Bước vào giờ Tý (từ 23g ngày 30 đến 01 giờ ngày mồng một tết) mọi nhà sửa soạn lễ Trừ tịch hay còn gọi là lễ Giao thừa.

                     

 Thuở trước, vào trước lễ trừ tịch mọi gia đình đều phải lo những việc như chuẩn bị đèn dầu cho chu đáo, kiêng sáng mồng một đi xin lửa nhà hàng xóm. Lại hỏi người trong nhà xem có mượn của ai thứ gì thì mang trả, sợ sang ngày mồng một họ đến đòi thì bị giông. Cũng như vậy, nợ nần ai phải lo trả, nếu không trả được cũng mang lễ đến xin khất nợ.

Vào những năm 1627 - 1647, tác giả Alexandre de Rhodes đã viết trong sách Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài về phong tục này của người dân Bắc kỳ: “Không một ai, từ người giàu sang tới kẻ nghèo khổ, khất nợ quá hạn năm mà họ đã vay mượn, trừ những trường hợp không thể trả được mà thôi. Vì sợ chủ nợ bực mình đem lời oán trách động tới tổ tiên và sợ chủ nợ ngày mồng một tết đến đòi nợ… đó là một việc rất mực tai hại và là một điềm dữ”. Tác giả sách này còn cho biết người Bắc kỳ có tục vào trước tết Nguyên đán vài ngày, những người già phải trốn vào chùa ẩn vì sợ ma bóp cổ, đến sáng mồng một mới về nhà. Theo tục cũ thì kiêng ra khỏi nhà vào lúc giao thừa, ai đi đâu cũng phải về nhà trước giờ Tý (23 giờ).

 Gần giờ Tý, các gia đình làm lễ tiễn quan đ­ương niên hành khiển năm cũ, đón quan đư­ơng niên hành khiển năm mới. Theo quan niệm cổ truyền thì trong một giáp (12 năm) mỗi năm có một vị quan đương niên hành khiển chuyên coi công việc ở hạ giới. Các vị đó vốn có vị hiệu là những vua chúa của các triều đại phong kiến Trung Quốc. Có câu ca rằng: “Tý Chu, Sửu Triệu, Nguỵ vương Dần, Mão Trịnh, Thìn Sở, Tỵ Ngô nhân, Ngọ Tần, Mùi Tống, Thân Tề chúa, Dậu Lỗ, Tuất Việt, Hợi Lưu quân”. Nghĩa là duệ hiệu của các quan đương niên hành khiển theo từng năm. Năm Tý: Chu vương, năm Sửu: Triệu vương, năm Dần: Ngụy vương, năm Mão: Trịnh vương, năm Thìn: Sở vương, năm Tỵ: Ngô vương, năm Ngọ: Tần vương, năm Mùi: Tống vương, năm Thần: Tề vương, năm Dậu: Lỗ vương, năm Tuất: Việt vương, năm Hợi: Lưu vương.

                 

Trong đêm trừ tịch, ngoài nghi thức lễ tiễn và đón các vị quan hành khiển tại gia đình còn có cả nghi thức cầu cúng thổ thần, thổ địa ở các khu xóm và lễ tế thành hoàng ở làng xã. Vào trước giờ Tý, các xóm bày lễ ở miếu thổ thần, các thôn làng bày lễ ở đình, chùa, đền, miếu, am, phủ để tế lễ.

 Trước giao thừa nhiều ngư­ời đi lễ chùa, đền, miếu. Khi về nhà mang theo vài ba nén h­ương đã thắp gọi là hư­ơng lộc, cắm vào bát hư­ơng táo quân ở nhà cho có lộc. Có người bẻ một cành lá đem về làm lộc.                                                                                      

                                      NHỮNG TỤC LỆ CỔ TRUYỀN TRONG BA NGÀY TẾT

           Vào ngày cuối năm, các gia đình lo nhờ người xông nhà, xông đất. Khi chưa có người xông nhà thì khách khứa giữ gìn chưa đến vội vì sợ trong năm gia chủ có điều gì không hanh thông lại quở trách. Người được mời đến xông nhà phải là người hợp tuổi, tính tình sởi lởi, mạnh khoẻ, có khi là một bé trai kháu khỉnh, nhanh mồm miệng. Người đến xông nhà thường mang theo trầu cau, bánh trái đến đặt trên bàn thờ và chúc gia chủ những lời tốt đẹp, chủ nhà mừng tuổi lấy may…Có người đi lễ đền, lễ chùa rồi chủ động về xông nhà mình luôn.

          Theo tục xưa:

Mồng một thì tết nhà cha,

Mồng hai nhà mẹ, mồng ba tết thày.

          Sáng sớm ngày mồng một tết mọi gia đình làm lễ cúng gia tiên rồi mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Người lớn mừng tuổi đồng tiền mới cho trẻ nhỏ để lấy may, ai ai cũng chúc tụng nhau những lời tốt đẹp. Sau đó đến từ đường thắp hương cúng tổ tiên. Lệ xưa, sau khi lễ tổ tiên tại từ đường chi hoặc ở nhà trưởng nam của chi mình sẽ đến lễ tổ tiên các nhà chi trên và chi dư­ới. Họ to, phải theo tết ở nhiều từ đường thì bố mẹ thường cắt đặt cho mỗi người con trai phải theo một nơi, trường hợp hiếm con thì phải bố trí đi sao cho khắp mọi từ đường trong nội nhật ngày mồng một tết.

           Ngày mồng hai, các gia đình đi lễ tổ bên ngoại, con rể đến lễ tết nhà bố mẹ vợ và họ hàng bên ngoại.

          Ngày mồng ba, học trò đi tết thày. Theo truyền thống tôn sư trọng đạo, học trò đối với thày dạy chữ và dạy nghề phải giữ nếp sống tết, chết giỗ nên  cho dù đã lớn tuổi, ở cương vị nào thì người học trò vẫn phải đến tết thầy học.

          Vào ngày tết, nhà nào dù túng bấn đến đâu cũng cố lo sửa soạn cơm rượu, bánh trái, khi có người đến chúc tết vào bất kỳ lúc nào cũng cố mời ăn uống để lấy may.

          Vào ngày mồng ba hoặc mồng bốn tết, con cháu tập trung về từ đường chi hoặc gia đình trưởng nam để hoá vàng rồi cùng ăn uống. Từng gia đình riêng cũng có mâm cơm làm lễ hoá vàng cho thổ công, thổ địa và kết thúc ba ngày tết.

          Mọi công việc làm ăn trong một năm mới lại bắt đầu, ai nấy đều tìm chọn ngày giờ tốt để xuất hành hoặc chọn làm một công việc theo nghề nghiệp của mình để cầu mong sự may mắn, thành đạt.

          Thuở trước, vào những ngày tết Nguyên đán thường có nhiều điều phải kiêng kỵ, giữ gìn nếu không sẽ bị giông cả năm như: Nói năng, ứng xử phải nhẹ nhàng, không đ­ược cáu gắt, giận dữ,  không đánh mắng trẻ con. Kiêng làm vỡ chén bát, kiêng đánh đổ điếu hút thuốc lào, dầu hoả, nước chấm…Kiêng hót rác đổ đi, lúc quét nhà phải vun vào một xó, đợi sau khi động thổ mới đ­ược hót đổ đi. Ngư­ời có đại tang không đ­ược đi chúc tết vì coi đó là đang có vận áo xám sẽ mang lại sự không may mắn cho ngư­ời khác. Kiêng xin lửa nhà hàng xóm.Kiêng đi đòi nợ vào ba ngày tết…

          Ngày nay còn khá nhiều phong tục cổ truyền trong tết Nguyên Đán vẫn đang được duy trì nhưng cũng có nhiều phong tục đã biến tướng khôn lường theo vòng xoáy của cơ chế thị trường.

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự thảo Nghị quyết
Quốc hội thảo luận về các dự thảo Nghị quyết

Sáng ngày 21.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...