Nữ bác sĩ 2 lần tình nguyện vào tâm dịch

Thứ 4, 03/11/2021 | 00:00:00
1,505 lượt xem

Chống lại dịch bệnh Covid-19, những y bác sĩ, sinh viên ngành y luôn là lực lượng nòng cốt, chủ đạo nơi tuyến đầu. Trong hàng ngàn cánh tay tham gia tình nguyện đó, bác sĩ Phạm Thị Dung đã 2 lần phụ trách đoàn cán bộ, giảng viên, sinh viên trường Đại học Y dược Thái Bình lên đường vào tâm dịch.

Bác sĩ Dung làm nhiệm vụ tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

Đầu tháng 5, dịch Covid-19 “tấn công” các khu công nghiệp đã biến Bắc Giang trở thành tâm dịch lớn nhất cả nước thời điểm đó với hàng trăm ca mắc mới mỗi ngày. Mong muốn “chia lửa” cùng tâm dịch, bác sĩ Phạm Thị Dung viết đơn tình nguyện lên đường chi viện. Chị được giao nhiệm vụ là trưởng đoàn của 12 giảng viên và 60 sinh viên trường Đại học Y dược Thái Bình, đến huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Bác sĩ Phạm Thị Dung - Trường Đại học Y dược Thái Bình:

“Chúng tôi đi với tâm thế như ra trận nhưng lại không biết kẻ thù của mình ở đâu, lúc nào cũng phải có tinh thần hết sức cố gắng vì khi ấy mọi thứ đều mới mẻ. Hầu hết các đoàn công tác của các trường, sinh viên thường tham gia lấy mẫu, truy vết, hỗ trợ điều tra dịch tễ, còn riêng đoàn Thái Bình tham gia trực tiếp vào khu cách ly điều trị... Sau 35 ngày, khi chúng tôi trở về, huyện Việt Yên đã chuyển từ Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15, từ vùng đỏ sang vùng vàng. 63 khu cách ly đã thu gọn còn khoảng 6, 7 khu thôi. Một thời gian sau đó các khu này cũng đều giải tán."

Hình ảnh Bác sĩ Dung cùng đoàn chống dịch đi TP HCM trở về với nụ cười rạng rỡ

Kết thúc chuyến công tác tại tỉnh Bắc Giang và hoàn thành cách ly vào cuối tháng 7, đó cũng là khi dịch bệnh tại TPHCM bùng phát lên tới đỉnh điểm. Với những kinh nghiệm có được từ chuyến đi đầu tiên, bác sĩ Phạm Thị Dung tiếp tục đảm nhiệm vai trò trưởng đoàn công tác thứ 2 gồm 250 giảng viên, sinh viên trường Đại học Y dược Thái Bình lên đường chi viện cho thành phố mang tên Bác. 

Bác sĩ Phạm Thị Dung - Trường Đại học Y dược Thái Bình:

“Khi tôi đặt chân về huyện Nhà Bè, đồng chí Phó chủ tịch huyện chia sẻ làm tôi rất suy nghĩ là “bây giờ chúng tôi không biết làm thế nào cả, vì đã gọi điện cho các bệnh viện dã chiến từ bệnh viện số 1 đến số 13, không nơi nào nhận bệnh nhân được nữa vì không còn giường bệnh”. Khu cách ly thu dung điều trị F0 ở đây chỉ nhận bệnh nhân dưới 65 tuổi, không triệu chứng, triệu chứng nhẹ và không có trẻ em dưới 2 tuổi, tuy nhiên còn những đối tượng trên 65 tuổi, có bệnh nền thì sao, bây giờ không còn chỗ nào chứa nữa. Cuối cùng chúng tôi thành lập phương án mà được gọi đùa là “bệnh viện dã chiến tầng 1 rưỡi”, nhận tất cả bệnh nhân có bệnh nền, có dấu hiệu nặng của bệnh... tất cả trẻ em, từ sơ sinh đến người cao tuổi. Nhỏ nhất là bệnh nhi 45 ngày tuổi, cao tuổi nhất là bệnh nhân 93 tuổi. Bình thường các đoàn khác tham gia điều trị tại khu cách ly chỉ với vai trò phối hợp thôi nhưng chúng tôi phải chủ động trong tất cả mọi việc hoàn toàn.”

Bác sĩ Dung cùng đoàn nhân viên y tế Thái Bình làm nhiệm vụ chống dịch tại TPHCM

Mô hình 6 khu cách ly kết hợp điều trị tại huyện Nhà Bè do bác sĩ Phạm Thị Dung cùng đoàn y bác sĩ, sinh viên tình nguyện tỉnh Thái Bình thực hiện đem lại hiệu quả rất lớn. Trong 3 tuần kể từ khi đoàn vào làm nhiệm vụ, số ca mắc mới của huyện đã giảm từ hơn 2.756 ca/tuần xuống còn 1.144 ca. Đặc biệt tỷ lệ F0 phải chuyển từ các khu cách ly lên tuyến trên chỉ còn 0,1%. Gần 2 tháng, đoàn đã điều trị cho khoảng 4.000 F0 với tỷ lệ khỏi bệnh lên tới 97%. 

Bác sĩ Phạm Thị Dung - Trường Đại học Y dược Thái Bình:

“Trong hơn 1 tháng ở TPHCM, mọi người hỏi có thấy thời gian lâu không, có thấy nhớ nhà không, nhưng trong tháng đầu tiên, tôi không có khái niệm ngày tháng nữa.. 1 tháng trôi qua quá nhanh vì chúng tôi cuốn vào guồng quay công việc.”


Bác sĩ Dung trở về với cương vị một giảng viên trên giảng đường

Trong suốt những ngày tháng nơi tâm dịch, chứng kiến thêm nhiều người được điều trị khỏi, nhìn ánh mắt, nụ cười, cánh tay vẫy chào từ xa, lời cảm ơn chân thành của họ trong ngày về với gia đình, đó là niềm vui của bác sĩ Phạm Thị Dung cũng như rất nhiều chiến sỹ áo trắng khác.

 Và giờ đây, khi đã quay lại quê hương với công việc hàng ngày, họ vẫn luôn trong tâm thế sẵn sàng bước vào tuyến đầu chống dịch, dù ở bất cứ đâu. 

Hà My

  • Từ khóa
Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của Kỳ họp thứ 8
Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của Kỳ họp thứ 8

Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận, cho ý kiến nhiều dự án luật quan trọng và xem xét, thông qua các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết đã được trình Quốc hội trong đợt 1...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...