Phát huy truyền thống 60 năm bộ đội tăng thiết giáp anh hùng

Thứ 5, 03/10/2019 | 14:23:17
3,943 lượt xem

Trong quá trình xây dựng, huấn luyện, chiến đấu và trưởng thành của binh chủng tăng thiết giáp anh hùng 60 năm qua (5/10/1959- 5/10/2019) luôn có sự đóng góp tích cực của lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ là cựu quân nhân tăng thiết giáp tỉnh Thái Bình. Để hôm nay, khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về quê hương, họ vẫn sát cánh bên nhau, tiếp tục phát huy truyền thống bộ đội cụ Hồ, xây dựng quê hương Thái Bình ấm no và giàu mạnh.

Gặp lại nhau, nhiều người đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng những câu chuyện về sự chiến đấu, hy sinh của những người lính tăng thiết giáp vẫn hào sảng như vừa mới hôm qua. Cựu quân nhân Lê Tất Chinh, xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Phụ là một trong những biên chế đầu tiên của Trung đoàn 202, Trung đoàn tăng thiết giáp đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập ngày 5 tháng 10 năm 1959.

Cựu quân nhân Lê Đức Chinh - xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Phụ:Tôi và trên 200 đồng chí khác được các chuyên gia nước ngoài đào tạo rất bài bản về kỹ thuật xe, lái xe tăng. Chúng tôi đã xác định phải học thật tốt, sau 3 năm học, năm 1959 chúng tôi được giao nhiệm vụ bảo quản gần 100 xe tăng T-34, chuẩn bị sẵn sàng để về nước chiến đấu. Tháng 8 năm 1959, Bộ Quốc phòng quyết định xây dựng một căn cứ huấn luyện xe tăng, lấy mật danh là Công trường 92, tại khu vực núi Đanh thuộc xã Kim Long, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phú.



Cuối tháng 1 năm 1968, lực lượng tăng thiết giáp Quân đội nhân dân Việt Nam tham chiến lần đầu tiên tại Trận Tà Mây (chiến dịch đường 9 - Khe Sanh). 20 giờ ngày 23-1-1968, bộ đội xe tăng với trang bị là xe tăng hạng nhẹ PT-76 đã chở bộ binh đánh thẳng vào bên trong cứ điểm Tà Mây, dùng hỏa lực đánh sập lô cốt, ụ súng, khiến quân địch tháo chạy. Ngày 7/2/1968, tại Trận Làng Vây, bộ đội tăng - thiết giáp với 14 xe PT-76 đã chi viện cho bộ binh tiêu diệt cứ điểm Làng Vây. Ngày 7/2 trở thành ngày kỷ niệm đánh thắng trận đầu của bộ đội Tăng thiết giáp.

Cựu quân nhân Nguyễn Văn Tằng - xã Tây Giang, huyện Tiền Hải: Chúng tôi quyết tâm  phải đánh thắng trận đầu, tuy nhiên khi xe lên dốc rất khó vì cứ lên lại tụt. Sau đó, anh em tìm được lối đường vòng lên được làng Vây. Địch  rất mạnh, nhưng cuối cùng chúng ta đã thắng. Chiến thắng Tà Mây - Làng Vây, là kết quả của nhiều năm rèn luyện gian khổ, mưu trí, sáng tạo đã gây tiếng vang làm nức lòng quân dân cả nước, khiến kẻ thù kinh ngạc và khiếp sợ. Chiến thắng Tà Mây - Làng Vây đã xây dựng nên trang truyền thống “ Đã ra quân là chiến thắng” của bộ đội tăng thiết giáp Việt Nam.



Tính chung từ năm 1968 cho đến hết năm 1975, bộ đội tăng thiết giáp đã tham gia chiến đấu trong 14 chiến dịch, 211 trận đánh. Thành tích được ghi nhận là đã diệt 2 vạn bộ binh, phá hủy gần 2.000 xe tăng - xe thiết giáp và 870 xe quân sự các loại; đánh sập 3.500 lô cốt, ụ súng và trận địa pháo; bắn chìm hoặc bắn cháy 18 tàu, xuồng chiến đấu; bắn rơi 35 máy bay các loại, hỗ trợ các đơn vị bạn thu giữ 1.672 xe tăng - xe thiết giáp, 250 súng cối và nhiều trang thiết bị quân sự.Trong chiến công ấy, không thể không kể đến sự đóng góp của những người lính tăng thiết giáp Thái Bình.

Cựu quân nhân  Phạm Thanh Hải - lái xe T54, tham gia trận Đắc Tô, Tân Cảnh nhớ lại: 2 giờ đêm chúng tôi vào được đến cửa mở, cuộc chiến rất quyết liệt, xe địch dàn chữ U tấn công,  nhưng chúng tôi đã bắn trả và tiến vào được, rất nhiều đồng chí đã bị thương và hy sinh. Nhưng đó lại là những hình ảnh, những tấm gương cổ vũ anh em chúng tôi phải tiếp tục chiến đấu thay cho đồng đội đã ngã xuống.Yếu tố quyết định của thắng lợi trên còn là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng.



Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng tư lệnh đã huy động 398 xe tăng, thiết giáp (gồm cả vài chục xe chiến lợi phẩm vừa tịch thu được) tiến vào chiến đấu, dẫn đầu đội hình năm cánh quân giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Đại đội trưởng đại đội xe tăng 4 Bùi Quang Thận đã vinh dự là người cắm lá cờ chiến thắng trên nóc Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975.

Đại tá Nguyễn Văn Nho - chủ tịch Hội cựu quân nhân tăng thiết giáp Thái Bình cho biết: trong sự lớn mạnh và trưởng thành 60 năm qua của binh chủng tăng thiết giáp anh hùng, những cựu quân nhân tăng thiết giáp Thái Bình, luôn tự hào góp mặt ở tất cả các giai đoạn phát triển, các dấu mốc trưởng thành, lớn mạnh binh chủng.. 



Sau chiến dịch mùa xuân 1975, đất nước hòa bình, thống nhất, nhiều chiến sĩ tăng thiết giáp được trở về quê hương, nhưng nhiều chiến sĩ vẫn tiếp tục ở lại binh chủng, lại sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, tham gia phối hợp cùng các lực lượng giúp nước bạn Campuchia  khỏi họa diệt chủng. Cựu quân nhân Đào Thanh Hải, Giám đốc Công ty sứ Thanh Hải , khu công nghiệp Tiền Hải là một trong những người lính như thế. Hiện ông đang làm giám đốc Công ty Sứ Thanh Hải với doanh thu hàng trăm tỷ đồng một năm.

Cựu quân nhân Đào Thanh Hải - Giám đốc Công ty Sứ Thanh Hải, khu công nghiệp Tiền Hải : Qua được sự rèn luyện trong quân đội, nhất là được trưởng thành từ người lính tăng thiết giáp nên khi về địa phương, mở cơ sở sản xuất, kinh doanh, chúng tôi đã được tôi luyện nên mọi khó khăn đều có thể vượt qua hết.



Là Chủ tịch Hội tăng thiết giáp huyện Thái Thụy, không chỉ tạo dựng cho gia đình một công ty chế biến thủy hải sản An Bình, thị trấn Diêm Điền, nơi sản xuất sản phẩm sứa ăn liền nổi tiếng vùng quê biển, cựu quân nhân Vũ Sơn Hà, còn là chỗ dựa vững chắc, nơi gửi gắm niềm tin của những hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Đại tá Hoàng Ngọc Thành - nguyên hiệu trưởng trường 900 Bộ tổng tham mưu nhận xét về đồng đội của mình: Anh Hà, giám đốc công ty Hải Sản thị trấn Diêm Điền, cùng vợ là chị Hạnh, cũng là bộ đội Trường Sơn, sau khi về địa phương, tham gia  hoạt động kinh tế cũng rất tốt, đóng góp nhiều cho địa phương và hoạt động tình nghĩa. Anh chị rất , chịu khó và có trách nhiệm, chúng tôi rất tự hào vì có một đồng chí trưởng ban liên lạc Hội tăng thiết giáp năng động và giàu lòng nhân ái như vậy.



Năm 1976, ông Đào Viết Thoàn, thôn Đồng Ấu, xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình nhập ngũ và trở thành lính xe tăng Lữ đoàn 408. Cuối năm 1979 ông bị thương nặng khi đang làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới phía bắc. Trở thành thương binh ¼, vượt qua nỗi đau bệnh tật, không chỉ tự chữa bệnh cho mình, ông còn trở thành lương y chữa bỏng cho gần 29 ngàn bệnh nhân trên toàn quốc, tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, đượcNhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lao động .

Với bản lĩnh và ý chí mạnh mẽ, không chịu khuất phục trước bất cứ khó khăn gian khổ nào, người lính tăng thiết giáp Nguyễn Như Sơn, trở về quê hương sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia với quyết tâm đưa cuộc sống gia đình thoát khỏi nghèo đói. Từ hai bàn tay trắng, từ một cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp nhỏ tại quê nhà xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, đến nay sau hành trình dài bền bỉ phấn đấu của cả gia đình, ông đã trở thành tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Lam Sơn với 5 công ty thành viên, đảm bảo việc làm cho hàng nghìn lao động. Mỗi năm công ty dành hàng tỷ đồng cho công tác nhân đạo từ thiện và an sinh xã hội.

Ông Nguyễn Như Sơn - Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh: Vào bộ đội, chúng tôi được học tập,  rèn luyện, có ý chí và tinh thần chiến đấu cao.Về nhà làm kinh tế thì cũng  cố gắng nỗ lực, bền bỉ, ý chí cao như người lính: làm sao lo cho gia đình hết nghèo, đói. Khi có kinh tế vững vàng rồi thì , tham gia công tác an sinh xã hội, giúp đỡ những gia đình, anh em có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. 



Trong chặng đường 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Bộ đội tăng thiết giáp Việt Nam, những chiến sỹ tăng thiết giáp Thái Bình có quyền tự hào về những đóng góp của mình để tô thắm truyền thống “ đã ra quân là chiến thắng” của bộ đội tăng thiết giáp .Trở về quê hương, những cựu quân nhân tăng thiết giáp luôn phát huy truyền thống bộ đội cụ Hồ, tham gia xây dựng Đảng, Chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể. Dù ở lĩnh vực công tác nào họ cũng giữ vững bản lĩnh của người chiến sĩ, giản dị, thủy chung, nghĩa tình, cùng nhau đoàn kết, tích cực tham gia xây dựng quê hương Thái Bình ngày càng ấm no, giàu mạnh .

Phạm Hương 

  • Từ khóa
Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của Kỳ họp thứ 8
Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của Kỳ họp thứ 8

Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận, cho ý kiến nhiều dự án luật quan trọng và xem xét, thông qua các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết đã được trình Quốc hội trong đợt 1...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...