Hòm thư email tiết lộ về bạn nhiều hơn bạn nghĩ |
Nếu chỉ có khoảng 3 email chưa đọc trong hòm thư, bạn được nhận định là người có khả năng "quản lý tốt đời sống số của mình, chủ động trong mọi việc và rất cẩn thận trong tác phong".
Ngược lại, nếu hòm thư cá nhân đang chứa tới hàng chục email chưa đọc, cộng thêm hàng ngàn tin nhắn đã đọc nhưng chưa được xóa đi hay dọn dẹp thành các thư mục gọn gàng, bạn nằm trong nhóm số đông người dùng "bình thường".
Nhưng liệu những người ở nhóm 1 có khả năng thành đạt cao hơn nhóm 2 hay không? Hãy xem các chuyên gia tâm lý học và công nghệ nói gì về mối liên hệ giữa thói quen sử dụng email với tính cách cá nhân.
1. Những người "xóa sạch"
Đây là người khi nhìn thấy một email mới trong hòm thư là sẽ lập tức hành động. Anh ta/cô ta đọc thư, gửi thư hồi đáp nếu cần thiết, sau đó hoặc là xóa nó (nếu không còn cần đến nữa), hoặc lưu lại trong một thư mục riêng. Số lượng email chưa đọc thường xuyên loanh quanh ở ngưỡng dưới 10.
Tiến sĩ Larry Rosen, tác giả cuốn sách: "Thấu hiểu nỗi ám ảnh về công nghệ và vượt qua tác động của nó" thừa nhận mình thuộc vào nhóm này. Nếu phải "xa rời hòm thư quá lâu", ông sẽ cảm thấy lo lắng, căng thẳng. Rosen tin rằng triệu chứng tâm lý này liên quan đến não bộ của mình. Bộ não của tuýp người "xóa sạch" có xu hướng phản ứng tiêu cực khi phải đối mặt với quá nhiều email chưa đọc. Não sẽ giải phóng ra nhiều nơ-ron thần kinh căng thẳng, khiến cho ta cảm thấy bị stress. Việc duy trì cho hòm thư trật tự, gọn gàng sẽ giúp tạm xua đi sự căng thẳng này.
Mở rộng ra đời sống, đây là tuýp người luôn muốn kiểm soát mọi việc. Nếu phát hiện nhà, chỗ làm của mình bị xáo trộn, bừa bộn, họ sẽ phát điên.
2. Nhóm người lưu trữ
Tuýp người này có một ít email chưa đọc trong hòm thư, nhưng hiếm khi xóa tin nhắn sau khi đọc.
Theo Tiến sĩ Pamela Rutledge, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Truyền thông, có một số khả năng có thể đưa ra để giải thích cho hành vi này. Một trong số đó là chủ nghĩa lý tưởng. "Những người theo chủ nghĩa lý tưởng lưu lại các email đã đọc với ý nghĩ rằng, sau này có thể sẽ cần đến chúng".
Ngoài đời thực, nhóm người này hay đưa ra những danh sách "việc cần làm" quá dài tới mức khó mà thực hiện được. Việc lưu lại email là cách để họ đánh lừa bản thân rằng sẽ có lúc mình quay lại và xử lý chúng.
Những người lưu trữ cảm thấy quá mạo hiểm khi phải xóa bớt email. Một số người lưu email đã đọc để có cảm giác an toàn. Nhiều người kém chịu đựng sự "thiếu chắc chắn" hơn so với những người khác, bà Rutledge kết luận.
Nhóm thờ ơ
Tiến sĩ Ron Friedman, tác giả cuốn sách "Nơi làm việc tốt nhất: Tính Nghệ thuật và khoa học trong việc tạo nên môi trường làm việc lý tưởng", cho rằng, việc giữ hàng ngàn email chưa đọc trong hòm thư không hẳn là một hành vi đáng lo ngại. Tất nhiên, có những người cảm thấy bị choáng ngợp trước lượng email chưa xử lý này, nhưng mặt khác, nhiều người lại cảm thấy theo dõi sát sao, sắp xếp hòm thư cũng chẳng giúp ích gì nhiều cho sự thành công của mình. Đó thực chất lại là những người ngăn nắp và thông minh hơn bất cứ ai khác.
T.C
Vietnamnet.vn