Mới đây, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã chủ trì cuộc họp với các nhà cung cấp dịch vụ di động sau khi Bộ ban hành Chỉ thị 82 về tăng cường ngăn chặn tin nhắn rác. Theo đánh giá chung, dù các nhà mạng đã tích cực hơn với các biện pháp ngăn chặn, nhưng tin nhắn rác được phát tán với mật độ vẫn dày đặc…
Theo Bộ TT-TT, trong dịp tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, khi các nhà mạng quyết liệt thực hiện ngăn chặn nạn tin nhắn rác, tình hình đã giảm rõ rệt. Cụ thể, đã có 28.000 thuê bao phát tán tin nhắn rác bị chặn trong dịp này, tin nhắn rác giảm mạnh so với dịp Tết các năm trước. Cục An toàn thông tin thống kê, nhà mạng Viettel chặn khoảng 3,8 triệu tin nhắn rác, giảm 4-5 lần so với thời gian trước nghỉ Tết; Vinaphone chặn tin rác giảm hơn 10 lần, đồng thời, các nhà mạng cũng mạnh tay xử lý các đầu số tổng đài vi phạm.
|
Tuy nhiên, sau Tết, tin nhắn rác, chủ yếu quảng cáo bất động sản, sim số đẹp, chăn ga gối đệm... lại được phát tán với mật độ dày đặc. Các tin này được phát tán từ các nhóm đối tượng là doanh nghiệp (DN), tổ chức hoặc cá nhân sử dụng dịch vụ. Các đối tượng sử dụng modem, sim box hoặc mua sim trả trước để gửi hàng loạt tin nhắn quảng cáo. Sau khi tài khoản hết tiền, họ bỏ sim luôn nên nếu nhà mạng áp dụng hình thức cắt liên lạc thuê bao thì cũng không còn tác dụng.
Từ cuối năm 2013, Bộ TT-TT đã ban hành các thông tư quản lý, trong đó quy định rõ về khai báo thông tin trả trước, giá cước hòa mạng sim trả trước… phần nào cũng hạn chế việc sử dụng sim trả trước tràn lan, song vẫn chỉ là "muối bỏ bể". Theo lý giải của Cục Viễn thông, một trong những nguyên nhân khiến các đối tượng phát tán tin rác sử dụng sim đầu 11 số để nhắn tin là vì chi phí cho việc gửi tin nhắn quảng cáo hợp pháp rất cao khoảng 600 đồng/tin nhắn; trong khi đó, chi phí gửi tin nhắn rác chỉ khoảng 250 đồng/tin (bằng với cước gửi tin nhắn mà khách hàng đang sử dụng). Thậm chí, có những gói cước khuyến mãi nhà mạng áp dụng cước tin nhắn giảm chỉ còn 100-150 đồng/tin, nên các đối tượng phát tán tin rác đã lựa chọn các gói cước kiểu này để "dội bom" khách hàng. Theo Cục Viễn thông, đơn vị sẽ sớm ra văn bản yêu cầu DN cung cấp dịch vụ di động giảm cước tin nhắn quảng cáo để cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sẽ sử dụng dịch vụ quảng cáo hợp pháp thay vì chọn cách mua sim rác.
Thực hiện Chỉ thị 82 của Bộ TT-TT về tăng cường ngăn chặn tin nhắn rác, ba nhà mạng lớn là Viettel, Mobifone, Vinaphone đã áp dụng hàng rào kỹ thuật để chặn tin rác theo tần suất. Trong đó, Mobifone chặn thuê bao gửi 30 tin nhắn/phút, Viettel chặn những thuê bao gửi 52 tin nhắn/phút…; hoặc có nhà mạng chọn cách chặn theo số lượng tin nhắn rác/ngày, nhưng có DN chặn khoảng 100.000 tin nhắn rác/ngày, có đơn vị chỉ chặn 50.000 tin nhắn rác/ngày… Điều này cho thấy giữa các nhà mạng áp dụng chặn tần suất, số lượng tin rác khác nhau và sự khác nhau này có thể dẫn đến trường hợp "nhìn nhau mà làm", nhất là khi liên quan nhiều đến quyền lợi, doanh thu của DN. Cũng theo Cục Viễn thông, có nhà mạng trong thời gian đầu làm khá mạnh tay, nhưng sau thấy nhà mạng khác chỉ thực hiện cầm chừng đã điều chỉnh theo…
Về vấn đề này, một số ý kiến cho rằng, đã đến lúc Bộ TT-TT cần đưa ra tiêu chí làm căn cứ để DN áp dụng, tránh tình trạng mỗi DN áp dụng một kiểu. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan cũng cần sớm có quy định rõ về trách nhiệm và chế tài xử lý vi phạm của nhà mạng, bởi vì chính các nhà mạng vừa quản lý thuê bao, vừa kinh doanh dịch vụ trên mỗi thuê bao của mình, nên họ phải quyết liệt thực hiện, thay vì chính họ cũng là thủ phạm tung ra tin nhắn rác.
Việt Nga
Hanoimoi.com.vn