Nhận định việc hoàn thành Đề án số hóa truyền hình đúng theo Kế hoạch đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt là "rất khả quan", song Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng thừa nhận rằng, khâu truyền thông tới người dân có phần chậm trễ, dẫn tới đa số người dân chưa hiểu được lợi ích và sự cần thiết mà số hóa truyền hình có thể mang lại cho họ.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng trong cuộc trò chuyện với VietNamNet đầu xuân. Ảnh: Thu Hiền |
VietNamNet đã có cuộc trao đổi đầu Xuân với Thứ trưởng Lê Nam Thắng xung quanh Đề án quan trọng, chủ chốt của Bộ TT&TT trong năm 2015 này.
Đề án số hóa đã trải qua chặng đường gần một năm "chạy đà". Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện của các địa phương cũng như doanh nghiệp tính đến thời điểm này?
Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Cuối tháng Một vừa qua, Ban chỉ đạo (BCĐ) Đề án đã họp và đánh giá tiến độ công việc cũng như nhiệm vụ triển khai Đề án Số hóa tại 5 TP lớn thuộc giai đoạn 1 của lộ trình là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng. Qua đánh giá thì tất cả các nội dung công việc đều được hoàn thành tương đối tốt, bảo đảm đúng kế hoạch, tiến độ đề ra
Thứ nhất, về công tác Tuyên truyền, trong năm 2014 Bộ đã triển khai tập huấn, đào tạo cho toàn bộ cán bộ chủ chốt, lãnh đạo; phóng viên về CNTT - VT của các báo lớn, tập huấn cho các cán bộ thông tin cơ sở... Nói cách khác, công tác tuyên truyền trong đội ngũ làm thông tin cơ bản đã hoàn thành xong.
Thứ hai, việc triển khai quy định về tích hợp chuẩn DVB-T2 vào TV cũng được làm khá tốt. Qua kiểm tra, khảo sát thị trường thì tất cả các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu TV hiện nay đều tuân thủ nghiêm túc quy định này. Về cơ bản, những dòng TV trên 32-inch đang bày bán tại các thành phố lớn hiện nay đều là TV số cả.
Thứ ba, chúng ta đã hành lập được 2 Doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng (TDPS) khu vực miền Bắc và miền Nam. Hiện cả hai đều đã bắt đầu đi vào hoạt động, đặc biệt là DN miền Nam đã phát thử nghiệm ở TPHCM và đang chuẩn bị phát ở Cần Thơ.
Có thể nói, đó là 3 công việc mà chúng ta đã tiến hành tương đối đúng với kế hoạch.
Ngoài ra, để hỗ trợ đầu thu (Set-top box) cho người dân ở khu vực Đà Nẵng, Bắc Quảng Nam, Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng và được Thủ tướng đồng ý cho phép sử dụng 27 tỉ từ Quỹ Viễn thông Công ích để hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn này. Hiện Bộ đang xây dựng thông tư để triển khai hỗ trợ.
Bên cạnh những việc đã làm được như Thứ trưởng vừa nhắc đến ở trên thì có đầu việc nào mà đáng lẽ ra, chúng ta phải hoàn thành trong năm 2014 nhưng bị chậm tiến độ hay không, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Về cơ bản thì các đầu việc không bị chậm nhiều, riêng việc tổ chức truyền thông tới người dân thì hơi chậm 1 chút. Lẽ ra, theo kế hoạch thì ngay từ cuối 2014 chúng ta đã phải bắt đầu triển khai việc này, nhưng do nhiều lý do khác nhau, việc truyền thông tới người dân chỉ có thể triển khai từ tháng 2/2015. Như tôi đã nói ở trên, năm 2014 chúng ta mới chủ yếu truyền thông tới Sở, các đài truyền hình, doanh nghiệp, tổ chức... mà thôi.
Vậy kế hoạch triển khai Đề án trong năm 2015 này sẽ tập trung vào những đầu việc nào nữa, ngoài truyền thông tới người dân, thưa ông?
Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Trong cuộc họp gần nhất, BCĐ đã thông qua một số nội dung và nhiệm vụ cơ bản của 2015, trong đó, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền tới người dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Bộ đã có văn bản chỉ đạo tất cả các Đài truyền hình Trung ương, UBND các Tỉnh, Thành phố lớn, đặc biệt là ở 5 Thành phố của giai đoạn 1, đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân thông qua truyền hình, hệ thống truyền thanh cơ sở, trang mạng, báo điện tử.... Trong tháng 2, đặc biệt là dịp Tết này, công tác truyền thông về số hóa thông qua các phương tiện đại chúng nói trên sẽ đến với tất cả người dân.
Nhiệm vụ lớn thứ hai là Bộ sẽ tổ chức cho 2 doanh nghiệp TDPS khu vực phát sóng trước thời hạn tắt sóng analog từ 6 tháng - 1 năm. 2 Doanh nghiệp này hiện đã thành lập và đang thử nghiệm, hy vọng bắt đầu từ Quý 2/2015 sẽ phát sóng ở các khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Đồng bằng Nam Bộ cùng với 3 Doanh nghiệp TDPS toàn quốc là VTV, VTC và AVG. Mục tiêu đặt ra là làm sao phủ sóng số với chất lượng tốt ở không chỉ 5 thành phố lớn mà ngay cả một số tỉnh lân cận thuộc hai khu vực đồng bằng nói trên.
Nhiệm vụ thứ ba, cũng là nhiệm vụ khó nhất, đó là phải tổ chức hỗ trợ đầu thu tín hiệu số cho các hộ nghèo, cận nghèo để họ xem được truyền hình số hóa. Trước mắt, chúng ta sẽ làm ở Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam, sau đó rút kinh nghiệm để triển khai ở 4 Thành phố lớn còn lại.
Và cuối cùng, bắt đầu từ ngày 1/4 tới, toàn bộ TV 32-inch trở xuống lưu hành trên thị trường cũng phải tích hợp DVB-T2. Bộ sẽ tiến hành kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo tất cả TV nhập khẩu, sản xuất trong nước đều phải hỗ trợ chuẩn này. Đồng thời, cũng trong 2015 sẽ tăng cường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất đầu thu set-top box đưa sản phẩm ra thị trường với giá hợp lý.
Đánh giá thẳng thắn thì theo ông, sự nhận thức của người dân về đề án hiện đang ở mức độ nào?
Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Thực lòng mà nói, hiểu biết của người dân về số hóa truyền hình còn rất hạn chế vì rõ ràng, chúng ta chưa tập trung truyền thông tới họ trong năm 2014. Bước sang năm nay, nhiệm vụ này mới được đẩy lên hàng đầu. Hy vọng là với kế hoạch thông tin tuyên truyền đã được Bộ phê duyệt cho 2015, những hiểu biết và thông tin cần thiết về số hóa truyền hình sẽ đến được với người dân cả nước, đặc biệt là người dân ở 5 Thành phố lớn.
Cụ thể, theo Kế hoạch này thì Bộ đã có văn bản chỉ đạo tất cả các Đài truyền hình, hệ thống báo chí, trang mạng...trên cả nước phải thực hiện tuyên truyền bằng nhiều phương tiện cùng lúc. Dù là Đài Truyền hình Trung ương hay địa phương cũng đều phải dành khung giờ vàng sau chương trình Thời sự để phát các audio/video clip về số hóa truyền hình. Vừa qua, Bộ đã phối hợp với VTV, VTC xây dựng 11 video clip, 13 audio clip để làm tư liệu cung cấp cho các đài phát sóng.
Chúng ta cũng sẽ truyền thông qua các trạm truyền thanh cơ sở ở các xã. Rồi thông tin trên báo, mạng xã hội...; Bộ cũng tổ chức đấu thầu, đặt hàng để quảng cáo ngoài trời, trên xe buýt, các điểm công cộng, tổ chức đội tuyên truyền viên để đưa thông tin cần thiết tới người dân. Hy vọng với kế hoạch toàn diện như vậy thì thông tin sẽ đến với người dân một cách đầy đủ, nhanh nhất trong năm 2015 này.
Vậy còn những khó khăn, thách thức có thể ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện Đề án trong năm 2015 thì sao, thưa Thứ trưởng? Việc một số địa phương như Hà Nội, Cần Thơ xin lùi tắt sóng có kéo lùi tiến độ chung hay không?
Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Cho đến nay, với tiến độ, kế hoạch công việc và những gì đã triển khai được, BCĐ đánh giá rất khả quan về việc đảm bảo thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt là "tắt sóng analog tại 5 Thành phố lớn trước 31/12/2015". Riêng ĐN thậm chí còn đi trước kế hoạch 6 tháng ( tắt sóng trước 30/6).
Một điểm nữa cũng cần nhấn mạnh là theo quyết định mới nhất của BCĐ, khi tiến hành phát sóng số ở 5 Thành phố lớn thì tín hiệu số phát đến đâu, Bộ sẽ số hóa đến đấy. Tức là khi tắt sóng analog ở Hà Nội hay TP.HCM thì cũng tắt luôn sóng ở các vùng lân cận, người dân sẽ không thu được tín hiệu analog nữa, dù việc này đòi hỏi chúng ta phải thực hiện luôn việc hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo ở các vùng lân cận. Đây là phương án tối ưu để tránh lãng phí khi phải đầu tư hàng trăm trạm tiếp phát chỉ riêng trong giai đoạn 1. Nếu hiện thực hóa được quyết định này thì khả năng chúng ta sẽ vượt tiến độ Đề án đã được phê duyệt.
Liên quan đến đề nghị xin lùi thời điểm tắt sóng analog của Hà Nội, TP.HCM và Cần Thơ thì đó đều là đề nghị từ đầu năm 2014. Còn tại cuộc họp gần nhất của BCĐ, các Thành phố đều đã quyết tâm thực hiện đúng tiến độ. TPHCM, Cần Thơ đã cam kết tắt sóng analog toàn bộ. Riêng Hà Nội còn hơi băn khoăn một chút vì theo kế hoạch do Thủ tướng chính phủ phê duyệt thì giai đoạn 1 chỉ tiến hành tắt sóng đối với khu vực Hà Nội cũ, khi ấy Hà Nội 2 (Hà Tây cũ) có thể sẽ gặp khó khăn trong việc thu phát. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc các phương án, BCĐ vẫn quyết tâm tắt analog cả Hà Nội mới và cũ ngay trong năm 2015.
Có một số ý kiến cho rằng việc các địa phương xin lùi thực chất là do nhà đài lo bị ảnh hưởng về doanh thu quảng cáo.....
Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Đúng là lúc đầu, các đài có lo đến vấn đề này. Cụ thể, đài Truyền hình Hà Nội sợ rằng khi tắt sóng analog thì sóng analog ở các tỉnh lân cận sẽ tràn ngược vào Hà Nội, ảnh hưởng đến tỷ suất người xem và gián tiếp ảnh hưởng đến quảng cáo. Nhưng trên thực tế thì người dân Hà Nội, TP.HCM ít khi xem các đài lân cận mà chỉ chủ yếu xem đài Trung ương hoặc HTV mà thôi. Do đó, nói quảng cáo bị ảnh hưởng cũng đúng, nhưng mức độ là rất ít. Hơn nữa, theo phương án mới của BCĐ thì khi đã tắt analog là sẽ tắt toàn bộ, vùng nào bị ảnh hưởng cũng sẽ chuyển sang số hóa luôn nên chuyện "tràn ngược" là không còn nữa. Chính vì thế mà trong cuộc họp hồi tháng Một, các đài lớn đều đã khẳng định sẽ không bị ảnh hưởng quảng cáo và đang rất quyết tâm triển khai Đề án.
Liên quan đến các doanh nghiệp tham gia vào đề án số hóa, liệu họ có được hưởng những ưu đãi, chính sách khuyến khích nào từ phía cơ quan quản lý hay không, thưa ông?
Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Trong Quyết định 2451 của Thủ tướng phê duyệt Đề án Số hóa cũng đã đề cập đến những chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào số hóa truyền hình. Theo đó, Truyền hình số được xác định là công nghệ cao và các doanh nghiệp tham gia, từ sản xuất cho đến cung cấp dịch vụ... đều được hưởng ưu đãi theo Luật Công nghệ cao. Sau khi làm thủ tục đầy đủ, doanh nghiệp sẽ được hưởng những ưu đãi về thuế, đầu tư, tài chính... như của một doanh nghiệp công nghệ cao. Hy vọng với động lực này, các doanh nghiệp nội sẽ tham gia tích cực hơn và có được điều kiện thuận lợi để triển khai kế hoạch của mình.
Trọng Cầm (Thực hiện)
Theo vietnamnet.vn
Sáng ngày 21.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng...
Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận,...
Chiều 17.11, đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do...
Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do đồng chí Bùi...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...