Năm 2014, cuộc dịch chuyển sang kinh tế kỹ thuật số trên toàn cầu không hề đồng nhất: suôn sẻ ở nước này, lại khó khăn ở nước kia. Đến cuối năm ngoái, GDP tính theo phương pháp ngang giá sức mua (PPP) của 7 nước mới nổi lớn nhất đã vượt nhóm G7. Thêm vào đó, người tiêu dùng khu vực châu Á - Thái Bình Dương được ước tính mua sắm trực tuyến còn mạnh tay hơn Bắc Mỹ năm ngoái. Harvard Business Review cho rằng cơ hội phục vụ đối tượng này đang mở rộng, nếu bạn tìm đúng thị trường.
Công ty Đức - Rocket Internet đang bận rộn tung ra hàng loạt dịch vụ thương mại điện tử tại các thị trường mới nổi và sơ khai. Mục tiêu của họ rất rõ ràng: trở thành nền tảng Internet lớn nhất thế giới, ngoài Mỹ và Trung Quốc. Rất nhiều công ty của Rocket đã được dự đoán trở thành Alibaba và Amazon tại phần còn lại của thế giới. Ở Đông Nam Á, họ có Lazada và Zalora. Ở Ấn Độ, họ có Jabong. Tại 9 nước châu Phi, họ có Jumia. Và ở 33 quốc gia khác tại châu Phi, châu Á, châu Âu và Trung Đông, họ có Kaymu.
Dòng vốn đầu tư mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân đã đổ về các thị trường này theo đúng cách đã chảy vào Thung lũng Silicon trước đây. Hè năm ngoái, chỉ riêng Ấn Độ đã nhận được 3 tỷ USD vào thương mại điện tử. Gần 200 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này cũng đã nhận được cả núi tiền đầu tư loại này.
Tại Ấn Độ, người dân chủ yếu thanh toán tiền khi nhận hàng. Thẻ tín dụng hay PayPal rất hiếm khi được sử dụng. Theo Ngân hàng trung ương Ấn Độ, 90% giao dịch tiền tệ tại nước này là bằng tiền mặt. Kể cả Amazon vào Ấn Độ cũng phải thêm tùy chọn thanh toán khi giao hàng. Ấn Độ và nhiều nước thu nhập trung bình khác, như Indonesia hay Colombia vẫn dựa rất nhiều vào tiền mặt. Nhưng kể cả vậy, thị trường kinh doanh số tại đây cũng đang phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc.
Để hiểu rõ hơn về thay đổi tại từng nước trên thế giới, một chỉ số đã được tạo ra nhóm phân loại các nhóm nước theo mức độ tiến tới nền kinh tế kỹ thuật số. Chỉ số Phát triển Kỹ thuật số (DEI) đã được tạo ra bởi Trường Fletcher thuộc Đại học Tufts dựa trên 4 yếu tố. Đó là nguồn cung (gồm khả năng truy cập, đáp ứng và cơ sở hạ tầng thực hiện giao dịch), lượng cầu (hành vi và xu hướng của khách hàng, sự hiểu biết về tài chính - Internet - truyền thông xã hội), khả năng đột phá (môi trường vay vốn, công nghệ, khởi nghiệp, sự hiện diện và mức độ các yếu tố đột phá và văn hóa khởi nghiệp) và tổ chức (sự hiệu quả trong các chính sách của Chính phủ và vai trò với kinh doanh, hệ thống luật - quy định, khả năng thúc đẩy hệ sinh thái kỹ thuật số).
Nhóm nghiên cứu xếp hạng 50 quốc gia, được chọn theo 2 tiêu chí. Một là có lượng người dùng Internet nhiều nhất trong 3 tỷ người dùng trên thế giới. Hoặc được cho là quê hương của một tỷ người dùng tiếp theo.
Mục tiêu của nghiên cứu là tìm hiểu nước nào đang thay đổi nhanh nhất để tiến tới thị trường số. Và không có gì ngạc nhiên khi các nước đang phát triển tại châu Á và Mỹ Latin dẫn đầu về tốc độ.
Nhưng nghiên cứu này còn hé lộ những chi tiết thú vị khác. Singapore và Hà Lan đều năm trong top 10 nước có mức độ số hóa cao. Nhưng nếu so tốc độ, trong 5 năm (2008-2013), 2 nước này lại khá khác biệt. Singapore khá ổn định trong việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đẳng cấp thế giới, thông qua hợp tác doanh nghiệp công - tư, nhằm củng cố vị thế trung tâm truyền thông khu vực. Nhờ đổi mới liên tục, nước này vẫn luôn là điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Trong khi đó, Hà Lan lại đang dần mất đà. Các biện pháp thắt lưng buộc bụng từ cuối năm 2010 của nước này đã làm giảm đầu tư vào các yếu tố của hệ sinh thái kỹ thuật số. Sự chững lại, và thi thoảng là xuống dốc, của nhu cầu tiêu dùng đã khiến nhà đầu tư dần bỏ đi.
Dựa trên hoạt động của các quốc gia giai đoạn 2008-2013, nhóm nghiên cứu chia các nước vào 4 nhóm. Nổi bật (Stand Out), Chững lại (Stall Out), Đột phá (Break Out) và Cần chú ý (Watch Out).
Nổi bật gồm các quốc gia có trình độ phát triển kỹ thuật số cao trong quá khứ, và vẫn tiếp tục duy trì với xu hướng đi lên.
Chững lại gồm các quốc gia có trình độ phát triển kỹ thuật số cao trong quá khứ, nhưng đang dần mất đà và tụt lại phía sau.
Đột phá gồm các quốc gia có tiềm năng phát triển nền kinh tế kỹ thuật số mạnh. Dù điểm tổng còn thấp, họ đang dần đi lên và sẽ gia nhập nhóm Nổi bật trong tương lai.
Cần chú ý gồm các quốc gia đang đối mặt với cả thách thức và cơ hội lớn, với điểm thấp cả về trình độ và tốc độ. Một số có thể sẽ vượt lên với các biện pháp khôn ngoan và đột phá. Trong khi số khác sẽ vẫn bế tắc.
Nhóm đột phá gồm các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, Việt Nam và Philippines khi độ sẵn sàng về kỹ thuật số đang tăng khá nhanh. Nhưng giai đoạn phát triển tới sẽ khó hoàn thành hơn. Tiếp tục giữ tốc độ này có nghĩa họ sẽ phải giải quyết nhiều thách thức như cải thiện cơ sở hạ tầng và thu hút người tiêu dùng thông minh.
Nhóm Cần chú ý gồm các nước như Indonesia, Nga, Nigeria, Ai Cập và Kenya. Họ có điểm chung là thể chế bất ổn và khả năng cải tổ còn thấp. Họ có một hoặc 2 yếu tố hấp dẫn đầu tư, nổi bật nhất là dân số. Nhưng ràng buộc về thể chế và cơ sở hạ tầng cũng khiến nhà đầu tư e ngại. Nếu tháo gỡ được các khó khăn này, họ sẽ tận dụng được nguồn lực hiệu quả hơn.
Hầu hết các nước phương Tây, Australia và Nhật Bản thuộc nhóm Chững lại. Cách duy nhất để tạo bước nhảy vọt là làm theo các nước Nổi bật - nỗ lực đột phá gấp đôi và tiếp tục tìm kiếm các thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, tình trạng dân số già cũng có thể được khắc phục bằng cách thu hút dân nhập cư trẻ và tài năng.
Trong tương lai, người tiêu dùng sẽ mua sắm qua thiết bị di động. Ảnh hưởng của quốc tế cũng sẽ ngày càng tăng. Dù châu Âu tăng trưởng chậm lại, các công ty như Rocket Internet vẫn có thể phát triển khi nhắm đến các thị trường mới nổi. Các đại gia như Alibaba sẽ thoát khỏi thị trường khu vực để khám phá nhiều cơ hội mới. Còn những tên tuổi lâu đời như Amazon hay Google sẽ tìm được tăng trưởng tại các thị trường và sản phẩm khác.
Theo đó, những nước mới nổi sẽ tiếp tục phát triển khác nhau, còn các doanh nghiệp sẽ phải tìm cách sáng tạo. Tất cả đều đang hướng tới hành tinh kỹ thuật số, nhưng lại với tốc độ rất khác nhau.