Trong Tờ trình phúc đáp yêu cầu của Ủy ban Ngân sách Tài chính Quốc hội khóa XIII về việc chuẩn bị nội dung cho Báo cáo thẩm tra của Quốc hội liên quan đến hoạt động quản lý, sản xuất, cung cấp và sử dụng trò chơi điện tử trên mạng, Bộ Thông tin & Truyền thông nêu rõ, việc bổ sung game online vào danh mục mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, bên cạnh một số lợi ích, sẽ có thể gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh mặt hàng này, và nhìn rộng hơn là cho ngành công nghiệp phần mềm, nội dung số Việt Nam.
Cụ thể, hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng ở Việt Nam trong những năm vừa qua đang được đánh giá là một trong những yếu tố góp phần phát triển ngành công nghiệp nội dung số, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, thu hút số lượng đáng kể nhân lực công nghệ cao. Năm 2013, doanh thu của toàn ngành game khoảng 4000 tỷ đồng (chủ yếu là doanh thu của trò chơi điện tử nhập khẩu từ nước ngoài). Vì vậy nếu bổ sung mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh trò chơi điện tử trên mạng thì sẽ tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đây là một lợi ích không thể phủ nhận của đề xuất áp thuế thu nhập đặc biệt.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận thẳng thắn vào những khó khăn mà đề xuất này sẽ tạo ra cho thị trường game online trong thời gian tới. Hoạt động sản xuất, cung cấp trò chơi điện tử trên mạng là một hoạt động công nghiệp nội dung số, được quy định tại Điều 10 Nghị định số 71 của Chính phủ. Đây là ngành được ưu tiên phát triển thông qua các quy định ưu đãi về thuế, sử dụng đất, huy động nguồn vốn được quy định tại Điều 26, Điều 27 và Điều 28 cũng thuộc Nghị định này. Vì vậy, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho game online sẽ không phù hợp với chủ trương, chính sách chung của Nhà nước về việc khuyến khích phát triển công nghiệp phần mềm, nội dung số của doanh nghiệp Việt Nam.
Nới rộng sự bất bình đẳng nội - ngoại
Cũng có ý kiến cho rằng vẫn có thể áp dụng chính sách ưu đãi đối với các game do trong nước sản xuất, còn áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với trò chơi nhập khẩu từ nước ngoài để phát hành tại Việt Nam. Quan điểm của Bộ TT&TT là ý kiến này về mặt lý thuyết thì phù hợp nhưng lại chưa thể triển khai được trên thực tế, vì thị trường trò chơi sản xuất trong nước hiện nay vẫn còn rất hạn chế, chủ yếu chỉ là một số trò chơi đơn giản thuộc nhóm G4 (cung cấp trên các thiết bị điện tử di động như điện thoại, máy tính bảng…).
Trong khi đó, doanh thu của ngành trò chơi điện tử chủ yếu là từ nhóm trò chơi G1, trò chơi trực tuyến nhiều người chơi. Nhiều doanh nghiệp nội khi phát hành trò chơi của nước ngoài nhưng cũng ý thức đầu tư thử nghiệm sản xuất game trong nước để dần dần thay thế nguồn game từ nước ngoài. Nhưng rất nhiều doanh nghiệp phải chịu cảnh thua lỗ vì game tự sản xuất chi phí thì cao mà chưa hấp dẫn người chơi. Chẳng hạn như cách đây vài năm, Công ty Vinagame (VNG) đã mạo hiểm, công phu đầu tư gần 10 tỷ đồng để sản xuất trò chơi có nội dung thuần Việt là Thuận Thiên Kiếm. Công ty eMobi Game cũng đầu tư sản xuất trò chơi 7554 có nội dung lịch sử về trận chiến Điện Biên Phủ năm 1954. Chỉ có điều cả 2 trò chơi này đều không thành công như kỳ vọng.
Nói một cách ngắn gọn thì với thực trạng số lượng game trong nước sản xuất ít ỏi như hiện nay, nội dung lại đơn điệu, chưa hấp dẫn thì tối thiểu 5 năm tới, khả năng thay thế game nhập khẩu là "bất khả thi". Trong khi đó, nhu cầu giải trí của người chơi Việt Nam ngày càng tăng. Hệ lụy tất yếu là nếu thị trường game trong nước không đáp ứng được thì họ sẽ quay lưng, tìm đến game do nước ngoài phát hành.
Đó là chưa kể bên cạnh nguồn phát hành từ các doanh nghiệp trong nước, người chơi còn có thể dễ dàng sử dụng trò chơi được phát hành từ nước ngoài. Những game này lại có sẵn giao diện tiếng Việt và cộng đồng người chơi Việt nên càng thu hút. Nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các trò chơi do doanh nghiệp trong nước phát hành, người chơi sẽ phải trả phí cao hơn, trong khi đó game nước ngoài vừa không bị kiểm duyệt về nội dung, vừa có phí thấp hơn vì không bị đánh thuế VAT, thuế TNDN, thuế nhà thầu và tiêu thụ đặc biệt (do dịch vụ cung cấp xuyên biên giới). Nói cách khác, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp game nội sẽ bị giảm sút đáng kể và khoảng cách bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước với ngoài nước càng bị nới rộng. Vô hình chung, chính sách này còn khuyến khích người chơi Việt Nam chơi game nước ngoài và thị trường cung cấp game tại Việt Nam có nguy cơ phải nhường chỗ cho doanh nghiệp nước ngoài.
Theo báo cáo doanh thu của 22 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến đã được cấp phép, con số này trong năm 2013 là khoảng 2.781 tỷ đồng. Thế nhưng doanh thu của toàn ngành game ở Việt Nam năm 2013 (số liệu do các doanh nghiệp tự thu thập bằng các công cụ đo đếm trên internet) ước khoảng 4000 tỷ đồng. Cũng tức là các doanh nghiệp được cấp phép phát hành game chỉ chiếm 70% doanh thu thực tế, 30% còn lại đang bị rơi vào tay các doanh nghiệp cung cấp game lậu, là đối tượng mà Nhà nước không thu được thuế.
Nhiều nước ưu đãi
Một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc có ngành công nghiệp game online phát triển mạnh bậc nhất thế giới nhưng đến thời điểm này, họ vẫn chưa áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho trò chơi trực tuyến. Thậm chí nhiều Chính phủ còn có chính sách ưu đãi rất mạnh để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước.
Trên thực tế, ngay từ năm 2005, ý tưởng áp dụng thuế tiêu thụ cho trò chơi trực tuyến đã được nêu ra tại Trung Quốc. Theo như đề xuất, các doanh nghiệp game online nên đóng một mức thuế cao dựa trên mức lợi nhuận của mỗi công ty theo một tỷ lệ nhất định. Song cho đến nay, trong danh mục hàng hóa, dịch vụ bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt của nước này vẫn không có game online.
Tương tự, Chính phủ Hàn Quốc cũng chỉ áp dụng chính sách thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng xa xỉ phẩm, các sản phẩm có ảnh hưởng không tốt đến cộng đồng hoặc các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường. Game online cũng không xuất hiện trong danh mục những sản phẩm này.
Đối với Nhật Bản, game online không phải là sản phẩm cần hạn chế tiêu dùng nên không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chính phủ Singapore thì hỗ trợ phát triển, ưu đãi về thuế, hỗ trợ kinh phí cho ngành game...
Tại Việt Nam hiện nay, những mặt hàng đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là những mặt hàng Nhà nước có thể kiểm soát được toàn bộ sản phẩm cung cấp ra thị trường. Nhưng với game online, chúng ta chỉ có thể kiểm soát được số lượng sản phẩm của doanh nghiệp trong nước, còn những game do nước ngoài phát hành thì do đặc thù của môi trường Internet cung cấp xuyên biên giới, chúng ta không thể kiểm soát được. Nếu áp thuế với game trong nước phát hành, có thể dẫn tới tình trạng một số doanh nghiệp nội chuyển pháp nhân ra nước ngoài để hoạt động. Khi đó, cơ quan quản lý vừa không thu được thuế, vừa mất dần khả năng quản lý nội dung trò chơi.
"Phải nhìn nhận một cách thực tế là hiện nay, một số dịch vụ nội dung số trên mạng của Việt Nam đã hoàn toàn bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm ưu thế như dịch vụ công cụ tìm kiếm (không có công cụ nào có thể theo kịp Google), mạng xã hội (ở Việt Nam số lượng người dùng thực tế Facebook nhiều gấp 2 lần mạng xã hội ZingMe, là mạng xã hội lớn nhất của Việt Nam)... Trong tương lai, nếu chúng ta không có chính sách hỗ trợ kịp thời thì sẽ còn nhiều ngành dịch vụ khác trên mạng có thể sẽ bị nước ngoài chiếm lĩnh như thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến, OTT... ", Tờ trình phân tích.
Do đó, quan điểm của Bộ TT&TT là việc bổ sung áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trò chơi điện tử tại thời điểm hiện nay là chưa khả thi, sẽ làm hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Chính sách này có thể được xem xét, nghiên cứu áp dụng nếu trong tương lai thị trường trò chơi sản xuất trong nước có thể phát triển dần thay thế được nguồn trò chơi nước ngoài và Việt Nam có một ngành công nghiệp trò chơi điện tử đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.
Trọng Cầm
Vietnamnet.vn
Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc...
Sáng ngày 21.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết...
Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận,...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...