Thu nhập cao nhờ ứng dụng KHKT vào sản xuất

Thứ 5, 16/08/2018 | 16:10:51
1,120 lượt xem

Hướng đến phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, trong những năm qua, nông dân huyện Thái Thụy đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hàng hóa, từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất. Qua đó tạo bước đột phá mới trong phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh, chuyên canh phát triển bền vững.

Cũng là trồng thanh long ruột tím nhưng ông Trịnh Tiến Mạnh, thôn Hóa Tài, xã Thụy Duyên, huyện Thái Thụy lại có cách làm khác so với phương pháp trồng truyền thống mà nhiều nông dân đang áp dụng hiện nay. Thay bằng việc trồng thanh long theo từng trụ riêng rẽ, ông trồng thành giàn theo công nghệ của Israel. Theo đó, khoảng cách giữa hai hàng là 4 m, khoảng cách giữa các trụ bê tông hình chữ V là 2m, ở giữa các trụ có thêm các trụ phụ giúp cây thanh long phát triển, leo theo giàn. Ông Mạnh cho biết trồng thanh long theo cách này cây ít bệnh, cho quả nhiều, khối lượng quả lớn, mẫu mã đẹp.

 Ông Trịnh Tiến Mạnh - Xã Thụy Duyên (Thái Thụy): Hiện tại gia đình tôi trồng khoảng 2.000 trụ thanh long. Cứ 10 đến 15 ngày lại cho thu hoạch 1 lứa. Trồng theo công nghệ mới này mỗi trụ cho khoảng 5 kg/ lứa, 1 năm  cho thu 15 đến 18 lượt cắt quả. Với giá bán dao động từ 20- 25 nghìn / kg thì mỗi năm tôi thu  được 300 triệu đồng.

Không chỉ ứng dụng KHKT vào trồng trọt, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, một vài năm gần đây, người chăn nuôi ở Thái Thụy đã mạnh dạn thay đổi cách thức chăn nuôi, tạo ra những sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Hơn 1 năm nay, ông Lưu Sỹ Đoán, xã Thái Hồng, huyện Thái Thụy đầu tư chăn nuôi lợn theo phương pháp chăn nuôi hữu cơ, với cam kết 5 không: Không sử dụng chất kháng sinh, không dùng chất cấm, không dùng thức ăn tăng trưởng, không chất tạo nạc và không dùng chất bảo quản. Theo đó, thức ăn của lợn đều được chế biến từ sản phẩm tự nhiên như: ngô nghiền, đậu tương phối trộn với chế phẩm men vi sinh. Vì vậy đàn lợn của nhà ông Đoán luôn khỏe mạnh, kiểm soát được dịch bệnh và không cần sử dụng bất kỳ loại thuốc nào trong chăn nuôi.

Ông Lưu Sỹ Đoán - Xã Thái Hồng (Thái Thụy): Công năng của thức ăn hữu cơ đặc biệt là được kết hợp bằng công nghệ sinh học thấy rằng vật nuôi có sức đề kháng tốt, người chăn nuôi có thể quản trị được hội chứng tiêu chảy của lợn con. Trong suốt quá trình chăn nuôi cũng không phải can thiệp bất kỳ loại kháng sinh nào.

Hiện nay cùng với gia đình ông Đoán, còn có 10 hộ nông dân ở xã Thái Hồng tham gia liên kết chăn nuôi lợn theo phương pháp mới này. Qua đó góp phần đưa nguồn thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng.

Vốn là huyện có thế mạnh phát triển kinh tế biển, nhất là trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nông dân các xã ven biển Thái Thụy luôn có những tìm tòi, đưa những tiến bộ KHKT nhằm tăng hiệu quả nuôi trồng. Một vài năm gần đây , nhiều gia đình đã không ngần ngại bỏ ra tiền tỷ để xây dựng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nhằm tăng thời vụ và sản lượng, hạn chế thấp nhất rủi ro xảy ra trong quá trình nuôi trồng.

 Ông Phạm Đức Ký - Xã Thái Thượng (Thái Thụy): Mô hình nuôi tôm trong nhà bạt có nhiều ưu điểm thứ nhất  không bị bẩn dưới đất, thứ 2 một ngày xi phông được 2 lần, đặc biệt là nuôi được cả vụ đông và vụ hè nên cho thu nhập cao.

Nuôi tôm công nghệ cao đã giúp các hộ ở Thái Thụy  có thể nâng số vụ nuôi lên 5 vụ/ năm, năng suất trung bình đạt 6- 8 tấn/ ha/vụ, cá biệt có hộ đạt từ 12- 14 tấn/ ha/vụ, lợi nhuận đạt 600- 800 triệu đồng/ ha/vụ. 1 năm đối với 1 ha có thể cho thu nhập từ 2- 3 tỷ đồng. Do đó, huyện Thái Thụy đặt mục tiêu đến năm 2020 có từ 70 đến 100 ha nuôi tôm công nghiệp theo hướng công nghệ cao tập trung ở các xã Thái Thượng, Thái Đô, Thụy Trường.

Có thể thấy rằng ứng dụng KHKT để khai thác hiệu quả lợi thế sinh thái và nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp chính là chìa khóa đối với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Thái Thụy hiện nay.

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...