Ăn thịt gà, vịt như thế nào để tránh lây nhiễm cúm A/H7N9?

Thứ 7, 25/02/2017 | 09:43:53
655 lượt xem

Cách chọn mua, ăn thịt gia cầm thế nào để đảm bảo không lây nhiễm cúm là vấn đề cần được quan tâm hiện nay.

Khi chế biến gà, vịt cần nấu chín kỹ để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình. Ảnh: Chí Cường

Nên mua gà vịt mổ sẵn?

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh, một trong những thành viên tham gia dự án xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm (CIDA) thì thịt gà, vịt trên thị trường hiện nay khó có thể phân biệt đâu là an toàn tuyệt đối.

Nếu bạn mua gà, vịt sống ở chợ về nhà giết mổ, chế biến thì đây chính là con đường lây nhiễm cúm A/H5N1, A/H7N9 dễ nhất, đặc biệt là khi đang xảy ra dịch cúm như hiện nay. Do vậy, theo TS Nguyễn Thị Minh, cách để đảm bảo an toàn nhất là không nên mua gà, vịt sống về nhà tự làm thịt, bởi việc đó không chỉ nguy hiểm cho người trực tiếp làm thịt gà, vịt mà còn vô tình mang nguồn virus cúm về nhà, gây nguy hiểm cho các thành viên khác trong gia đình và cho chính cộng đồng mà mình đang sinh sống. Trong khi dịch cúm đang diễn ra, tốt nhất người nội trợ chỉ nên mua gà, vịt mổ sẵn để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả nhà. Khi chọn gà, vịt mổ sẵn, bạn nên lựa chọn theo tiêu chí sau: Gà, vịt có màu sắc tự nhiên, da không có vết bầm, thớ thịt tươi, độ đàn hồi cao, thịt không có mùi hôi hoặc mùi kháng sinh, trên da không có vết bầm tím hoặc tụ máu. Màng ngoài thịt khô, không bị nhớt, có màu hồng, không có mảng bầm, tím, tụ máu. Ấn tay vào thấy thịt mềm, có độ dính.

Ngoài ra, bạn cần phân biệt gà, vịt bị nhuộm màu, bị bơm nước. Bởi gà, vịt bị nhuộm màu hay bơm nước rất có thể là gà, vịt không được khỏe, dễ mắc bệnh. Dấu hiệu để biết gà, vịt bị nhuộm được phân biệt như sau: Một con gà, vịt khỏe mạnh thì màu vàng của da là màu vàng nhạt. Nếu con gà, vịt nào có màu vàng nhưng lớp mỡ bên trong trắng thì đó là gà được nhuộm hóa chất. Một đặc điểm khác để nhận ra gà, vịt bị nhuộm là màu vàng da gà, vịt vàng đậm do người bán có thể ngâm vào nước có pha bột sắt.

Dấu hiệu gà, vịt bị bơm nước gồm: Quan sát hai bên đùi và lườn con gà, vịt, nếu thấy căng bóng, thớ thịt dày, to thì không nên mua. Dốc ngược, nếu thấy nó biến dạng thì con đó đã bị bơm nước. Người bán thường chọn hai vị trí đùi và lườn để bơm nước. Để tránh mua phải gà, vịt đã bơm nước, bạn cần chọn những con không quá mỡ màng, thịt săn chắc. Bạn cũng có thể dùng tay ấn, thịt bị bơm nước thường bập bùng, nhão.

Những lưu ý khi mua gà, vịt còn sống

Nhiều người vì nhu cầu ăn nên mặc dù được cảnh báo vẫn “liều lĩnh” chọn mua gà, vịt sống về tự làm thì cần phải đặc biệt lưu ý những điều sau:

Chọn kỹ lưỡng những con gà, vịt đang sống khỏe mạnh và yêu cầu người bán hàng giết mổ, sát muối và rửa sạch sẽ rồi mới mang về nhà. Mang về chỉ còn một việc là cho gà và nồi là đảm bảo an toàn nhất. Nếu mang về vẫn phải thái chặt thì sau khi làm xong cần phải rửa sạch dao thớt bằng nước rửa bát và dội lại nước sôi.

Gà, vịt khỏe mạnh thường có những đặc điểm sau: Nhanh nhẹn, mào đỏ tươi hồng. Mắt nhìn linh hoạt, không lờ đờ. Hai cánh ép sát mình. Lông trơn mượt. Mỏ gà bén nhọn, không có hiện tượng chảy nhớt ở mỏ. Chân gà thẳng, thon nhỏ; da chân vàng đều và sáng bóng. Hậu môn hồng hào, nhấp nháy, co bóp tốt, không có hiện tượng ướt, ra nước hoặc phân ra bất thường. Cũng có thể quan sát phân gà, gà khỏe sẽ không có bọt vàng, nhầy hay lẫn máu tươi… một cách bất thường.

Nếu gà, vịt có màu biến sắc thành thâm đen, mào tái hoặc tím bầm, ủ rũ, hai cánh rủ xuôi, lông xù, lông quanh hậu môn có dính phân màu lục, diều tích thức ăn cứng lại, mắt lờ đờ, mỏ chảy nước dãi, dáng vẻ mệt mỏi, đầu lúc nào cũng chúi xuống dưới. Da những con gà, vịt này thường nhăn nheo, thân gầy gò, ức trơ xương, lông xơ xác; chân lạnh, khô; hậu môn trắng bệt hoặc đỏ, chảy nước hoặc hay có phân dính xung quanh là gà, vịt có bệnh.

Cách chế biến và nấu thịt gà, vịt đảm bảo an toàn:

- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với gia cầm sống và khi giết mổ gia cầm.

- Không sử dụng thịt và các sản phẩm từ gia cầm mắc bệnh hoặc gia cầm chết.

- Chỉ ăn thịt và các sản phẩm từ gia cầm đã được kiểm dịch và có nguồn gốc tin cậy.

- Dùng dao, thớt riêng khi thái thịt sống và thịt chín.

- Nấu chín kỹ gia cầm và các sản phẩm gia cầm. Không ăn thịt chưa chín, trứng sống, trứng lòng đào và tiết canh.

- Rửa vỏ trứng bằng nước xà phòng trước khi nấu và sau đó rửa tay bằng xà phòng.

Cúm gia cầm (H7N9) đang bùng phát một cách đáng lo ngại ở Trung Quốc. Theo số liệu của báo chí nước ngoài, Trung Quốc đã ghi nhận 192 ca mắc, trong đó có 79 người tử vong. Tỷ lệ tử vong cho thấy rất cao, lên đến gần 50%. Hiện nay cúm A/H5N1 đã xảy ra ở 3 địa phương là Văn Phú Đông (Bạc Liêu), Diễn Châu (Nghệ An), Trực Ninh (Nam Định); cúm A/H5N6 đã có ở Đức Phổ, Quảng Ngãi. Việc lây nhiễm cúm gia cầm thông qua hai con đường là: tiếp xúc (giết mổ, vận chuyển, mua bán hoặc cầm, sờ và gia cầm bị nhiễm bệnh) và ăn uống (Thịt và các sản phẩm gia cầm bị nhiễm bệnh. Thịt và các sản phẩm của gia cầm không được nấu chín kỹ như trứng, tiết canh...).

(Khuyến cáo từ Bộ Y tế)

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...