Hướng nghiệp cho trí tuệ nhân tạo

Thứ 5, 10/03/2016 | 08:21:19
628 lượt xem

Nhiều nhà khoa học lo ngại trí tuệ nhân tạo phát triển đến một mức độ nào đó sẽ thông minh hơn con người và 'phản chủ'. Có chăng cần một định hướng nào đó cho lĩnh vực này?

Gần đây, Eric Schmidt, chủ tịch điều hành của Alphabet và Jared Cohen, giám đốc của Google Ideas, đã chia sẻ cho cộng đồng công nghệ về những suy nghĩ của họ về trí tuệ nhân tạo. Theo hai nhân vật đầu ngành này, trí tuệ nhân tạo (AI) hứa hẹn sẽ có tác động lớn và sâu rộng như cuộc cách mạng điện thoại di động hoặc cách mạng Internet trước đó. AI có thể phát hiện các mô hình mà con người có thể không nhìn thấy hay dự đoán được. Người nói tiếng Anh có thể gọi điện thoại hoặc các gọi video đến người nói tiếng Hindi hay Trung Quốc. Tuy nhiên, các bước nhảy vọt tiếp theo sẽ là trí tuệ nhân tạo tư duy (Inventive AI), là những chiếc máy được đào tạo dựa trên một tập hợp dữ liệu cho trước để chúng có thể giải quyết nhiều vấn đề. 

Giống như xã hội ngày càng cần thông tin nhiều và phức tạp hơn, AI linh hoạt hơn sẽ đóng vai trò then chốt trong việc giúp đỡ con người. Rồi sẽ có một ngày chúng ta có thể nhập vào máy tính kiểu dữ liệu không có cấu trúc, chẳng hạn như phần mềm bảng tính Excel xưa nay chỉ dùng để quản lý dữ liệu thì nó sẽ có thể ghi nhận hoạt động doanh nghiệp và đưa ra tư vấn thực sự có giá trị và chất lượng để giúp doanh nghiệp cải thiện hoạt động kinh doanh.

Trong y tế, chúng ta có thể tưởng tượng một hệ thống biết học và thích nghi, biết tự phân tích bệnh án. AI rà soát toàn bộ tiền sử bệnh và ngay lập tức cung cấp thông tin có liên quan để bác sĩ có biện pháp điều trị kịp thờ. AI cũng có thể chỉ ra các nguy cơ rủi ro và cho phép đội ngũ y tế đưa ra được biện pháp thích hợp hơn trong việc chăm sóc, phòng ngừa và phát hiện sớm các biểu hiện nhiễm bệnh. Máy tính có hỗ trợ AI sẽ chủ động phân tích những điều trên, tiết kiệm thời gian của bác sĩ và có thể cứu nhiều người.

Nhưng mặc dù máy tính có thể trợ giúp chúng ta, chúng vẫn không phải là con người. Chúng ta phải đưa ra các phán định cuối cùng, suy nghĩ phản tỉnh và phân biệt đâu là táo, đâu là cam. Kinh nghiệm tích lũy cho chúng ta sự sáng tạo nhưng cũng làm cho chúng ta giảm khả năng tập hợp và phát hiện sự khác biệt một cách có ý thức hay vô thức. Ngược lại, hệ thống AI ngày nay được “huấn luyện” dựa vào một tập hợp dữ liệu liên quan đến vấn đề cần giải quyết. Bởi vì AI không chứa những cảm xúc cá nhân phức tạp “lèo lái” việc ra quyết định của con người, cho nên chúng luôn vô tư và tránh được hầu hết các yếu tố thiên lệch. Các bộ dữ liệu này tuy lớn nhưng vẫn còn giới hạn nếu so với kinh nghiệm con người.

Dựa trên kinh nghiệm của công nghệ AI Deepmind đang được nghiên cứu, các lãnh đạo của Alphabet Google cho rằng nên tuân thủ ba nguyên tắc. Đầu tiên, AI cần mang lại lợi ích cho đa số, không phải cho thiểu số. Thứ hai, việc nghiên cứu và phát triển AI cần mang tính mở, có trách nhiệm và ràng buộc với xã hội. Khi AI tiếp tục được phát triển, nhiều câu hỏi mới sẽ lại nảy sinh và chúng ta sẽ cần phải trả lời theo cách cộng tác, giữa tất cả mọi người từ kỹ sư, các nhà khoa học và đến triết gia và nhà hoạt động xã hội. Đặc biệt, những ngành công nghiệp hưởng lợi trực tiếp từ AI sẽ cần phải tham gia tích cực nhất vào cuộc cách mạng toàn cầu này. Cuối cùng, những người thiết kế AI nên thiết lập các tập quán tốt nhất để tránh các kết quả không mong muốn. Hệ thống đó có làm được những gì chúng ta cần không? Chúng ta đã đào tạo AI bằng cách dùng dữ liệu đúng chưa? Chúng ta có nghĩ rằng bất kỳ hệ thống nào cũng có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn, và chúng ta có một kế hoạch để sửa chữa cho điều này hay không? Nên có những hệ thống xác minh để đánh giá được một hệ thống AI có làm đúng theo tiêu chí phát triển ban đầu.

Chúng ta đang xây dựng những công cụ mà con người kiểm soát. Cho đến cùng, ước mơ AI của chúng ta là mang lại cho con người thêm nhiều lựa chọn trong cách sống. AI sẽ làm tan biến chán chường, mệt nhọc khỏi công việc hằngngày và tiết kiệm thêm nhiều thời gian để con người có thể theo đuổi những công việc và ước mơ sáng tạo. Và khi được ứng dụng theo hướng cộng tác, AI có thể giúp giải quyết những vấn nạn phức tạp nhất của thế giới.

Xét cho cùng, AI là công nghệ, mà công nghệ cũng chỉ là công cụ. Mọi việc đều tùy thuộc vào cách chúng ta khai thác công cụ đó tốt hay không để cải thiện cuộc sống của chính chúng ta.

Đổi mới công nghệ liệu có khiến nhiều người thất nghiệp hơn?

Theo nghiên cứu mới đây của Merrill Lynch, trí tuệ nhân tạo sẽ tràn ngập các lĩnh vực công nghệ. Các công ty Mỹ và Nhật đang dẫn đầu, trong đó có Apple, Facebook, Google, Hitachi, IBM, Intel, LinkedIn, NEC, Yahoo, và Twitter. Theo Bloomberg, văn hóa giữ bí mật sẽ chính là rào cản đối với hoạt động nghiên cứu phát triển AI của Apple. Còn Alphabet (hay Google), sau khi thành công với chiến lược hệ điều hành mã nguồn mở di động (Android đang chiếm khoảng 80% thị phần thế giới) đang mở hướng đi mới với AI. Vào tháng 11/2015, Google đã tung ra engine AI TensorFlow, còn IBM đang phát triển nền tảng Watson AI cùng hàng trăm đối tác.

Theo Bank of America, năm 2014 có đến hơn 2 tỷ USD đã được đầu tư vào 322 công ty AI. Thị trường toàn thế giới cho ứng dụng phân tích dựa trên AI được dự báo sẽ đạt giá trị đến 70 tỷ USD vào 2020. Apple và Alphabet đang tìm đường phát triển AI ứng dụng trong xe tự lái, trong khi Facebook đang dồn sức cho kính thực tế ảo Oculus. Robot có khả năng thực hiện 45% công việc sản xuất vào năm 2025 so với 10% vào thời điểm này. Ước tính thị trường các giải pháp robot và AI sẽ đạt giá trị 53 tỷ USD vào 2020, bao gồm 83 tỉ đô la Mỹ cho robot và máy, và 70 tỉ đô la Mỹ cho phân tích dựa trên AI. Việc ứng dụng robot và AI có thể tăng năng suất lên thêm 30% trong nhiều ngành công nghiệp, trong khi cắt bớt chi phí nhân công sản xuất bởi đi 18% đến 33%.

Ngoài Mỹ, trong lĩnh vực AI và robot còn có những công ty mới đáng chú ý khác như ABB của Thụy Sỹ; Fanuc, Mitsubishi Electric, Yaskawa Electric và Omron từ Nhật Bản; còn Trung Quốc có Shenzhen Inovance Technology. Bank of America (BofA) dự báo robot sẽ được dùng để khám phá vũ trụ, phát triển thiết bị không người lái, ô tô, dịch vụ tài chính, y tế và hỗ trợ công nghiệp, nông nghiệp.

Tuy nhiên, câu hỏi lớn vẫn còn đó: liệu AI và robot có gây ra nạn thất nghiệp hay không? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước.

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...