Ung thư là một nhóm gồm 100 bệnh khác nhau. Ung thư xuất hiện khi những tế bào tiếp tục phân chia và hình thành những tế bào mới một cách bất thường, không chịu sự kiểm soát của cơ thể.
Tất cả các cơ quan trong cơ thể được cấu tạo từ các tế bào. Bình thường, các tế bào chỉ phân chia thành nhiều tế bào khi cơ thể cần. Quá trình có kiểm soát này giúp cơ thể khoẻ mạnh.
Nếu các tế bào cứ phân chia khi cơ thể không cần đến, sẽ hình thành một khối mô. Khối mô thừa có thể lành tính hay ác tính, được gọi là đám tăng trưởng hay khối u.
Những khối u lành tính không phải là ung thư. Chúng thường bị cắt đi và không tái phát trong hầu hết các trường hợp. Điều quan trọng nhất là các tế bào trong khối u lành tính không lan ra những phần khác của cơ thể. Những khối u lành tính hiếm khi đe doạ mạng sống .
Những khối u ác tính là ung thư. Các tế bào ung thư xâm lấn và làm tổn thương các mô và cơ quan lân cận. Chúng cũng có thể tách ra khỏi khối u ác vào dòng máu hay hệ bạch huyết. Đó là cách ung thư lan từ khối u ban đầu (nguyên phát) để hình thành những khối u mới ở nơi khác của cơ thể. Sự lan tràn của ung thư được gọi là di căn.
Hầu hết ung thư được gọi bằng loại tế bào hay cơ quan ban đầu. Khi ung thư lan ra, những khối u mới có cùng loại tế bào bất thường và cùng tên với khối u nguyên phát.
Các phương pháp điều trị ung thư
Ung thư có nhiều loại. Mỗi loại đều khác nhau về nguyên nhân, sự phát triển và tiên lượng. Do vậy, phương pháp điều trị áp dụng cũng khác nhau và phải được chỉ định cụ thể trên từng trường hợp, song phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Nguyên tắc phối hợp: Đặc tính của tổ chức và tế bào ung thư là phát triển mạnh tại chỗ, xâm lấn ra các tổ chức xung quanh, di căn xa vào hệ thống bạch huyết và các cơ quan. Vì thế, để điều trị bệnh có hiệu quả, thường phải phối hợp nhiều biện pháp điều trị. Tất nhiên, mỗi phương pháp đều có chỉ định riêng của nó, song có thể tóm tắt một cách ngắn gọn: Phẫu thuật là phương pháp điều trị tại chỗ; Tia xạ là phương pháp điều trị tại vùng; Hoá chất - Nội tiết - Miễn dịch là những phương pháp điều trị toàn thân.
Vì những lý do kể trên, việc điều trị bệnh ung thư là công việc của một tập thể các thầy thuốc (còn gọi là các tiểu ban) thuộc nhiều chuyên khoa sâu trong chuyên ngành ung thư. “Tiểu ban” này có thể gồm tối thiểu 4 thầy thuốc chuyên khoa là đủ cho chẩn đoán và điều trị đa số các bệnh ung thư, đó là: Phẫu thuật viên, thầy thuốc xạ trị, thầy thuốc nội khoa và thầy thuốc khám ban đầu. Song, cũng có thể được bổ sung thêm các thầy thuốc chuyên khoa khác, như: Giải phẫu bệnh lý, Tai mũi họng, X quang, Dinh dưỡng. Tập thể thầy thuốc này sẽ bàn bạc thảo luận, phối hơp cùng nhau chẩn đoán, xây dựng và thực hiện phác đồ điều trị thích hợp, hoàn chỉnh, kể cả việc theo dõi bệnh nhân sau điều trị.
- Phải xác định rõ mục đích điều trị: Muốn thực hiện được nguyên tắc này, vấn đề cốt lõi là phải có được chẩn đoán cụ thể, chính xác cho từng bệnh nhân.
- Lập kế hoạch điều trị: Tiếp theo việc chẩn đoán và xác định mục đích điều trị, việc lập kế hoạch điều trị và chăm sóc bệnh nhân toàn diện, chi tiết trong từng giai đoạn có một vai trò quyết định, đảm bảo hiệu quả điều trị.
- Hoá trị và xạ trị trong điều trị ung thư: Phương pháp hoá trị là việc sử dụng một số loại thuốc có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị là dùng các tia có năng lượng cao để phá huỷ tế bào. Cả hai phương pháp này được dùng nhằm diệt các tế bào ung thư đã thoát khỏi khối u ban đầu và di chuyển tới hệ thống mạch máu và hạch. Cả hai đều gây ra những tác dụng phụ, ảnh hưởng lớn tới mô bình thường lân cận. Song nói chung, chúng có thể phục hồi được.
Chế độ ăn, uống cho bệnh nhân ung thư trong thời gian hoá, xạ trị
Trong quá trình điều trị bệnh ung thư, đặc biệt trong quá trình điều trị hoá trị và xạ trị, thì dinh dưỡng cho bệnh nhân là rất quan trọng. Như ta đã biết, cả hoá trị và xạ trị là những phương pháp điều trị có độc tính cao, làm tổn thương nhiều tổ chức và tế bào trong cơ thể, làm suy giảm chức năng của các tổ chức và cơ quan. Như với tuỷ xương: Gây xơ hoá tuỷ, giảm hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Hệ hô hấp: Gây xơ hoá phổi, viêm phổi. Hệ tiêu hoá: gây suy giảm chức năng gan, huỷ hoại tế bào đường tiêu hoá, gây giảm hấp thu các chất dinh dưỡng. Hệ tiết niệu: Gây suy thận, viêm thận, viêm bàng quang… vì vậy, trong quá trình điều trị hoá và xạ trị, rất cần lưu ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt và nghỉ ngơi cho thật hợp lý để cơ thể nhanh chóng phục hồi sức khoẻ.
Trong quá trình điều trị, người bệnh nên ăn những thức ăn giầu năng lượng, dễ tiêu hoá. Đảm bảo cung cấp đầy đủ các loại vi ta min và các yếu tố vi lượng. Thức ăn phải đảm bảo hợp vệ sinh, dễ tiêu hoá. Nhiều quan niệm cho rằng, người bệnh ung thư thì không nên ăn những thức ăn chứa nhiều chất đạm, cần phải ăn kiêng, vì họ cho rằng, nếu ăn nhiều chất đạm sẽ làm cho khối u lớn nhanh hơn. Đó là quan niệm rất sai lầm, vì người bệnh rất cần phải có sức khoẻ để chiến đấu với bệnh tật trong một thời gian dài; mặt khác, khối u ác tính có một cơ chế là nó sẽ lấy năng lượng dự trữ của cơ thể để nuôi khối u, vì thế giải thích tại sao người bệnh ung thư hay bị suy kiệt và gầy sút.
Liệu trình điều trị hoá và xạ trị thường kéo dài nhiều tuần đến nhiều tháng, vì vậy người bệnh cần phải chuẩn bị một sức khoẻ thật tốt cả về tinh thần và thể chất. Một chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ, nên thay đổi món ăn hàng ngày để tránh nhàm chán, hạn chế tối đa những chất kích thích, như rượu, bia, thuốc lá./.