Kẽm là khoáng chất cần thiết giúp cơ thể tạo ra các protein và DNA. Nó cũng cần thiết cho sự trao đổi chất và quan trọng đối với chức năng miễn dịch.
Hàu... |
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế lên tiếng báo động hơn 80% phụ nữ hiện nay đang nhận lượng kẽm ít hơn so với khuyến cáo.
Theo Bodyandsoul, gần đây các nhà nghiên cứu phát hiện khoáng chất này quan trọng đối với một loạt chức năng, bao gồm cả chức năng tuyến tiền liệt, sức khỏe sinh sản, quá trình đông máu, hình thành collagen, tổng hợp protein và chức năng tuyến giáp. Nó cũng hỗ trợ chức năng của hệ miễn dịch, bảo vệ gan và duy trì tầm nhìn khỏe mạnh, riêng đối với phụ nữ mang thai và trẻ em, kẽm cần thiết cho bà mẹ và thai nhi phát triển toàn diện.
Ngoài những vai trò cơ bản, kẽm còn có thể thúc đẩy sức khỏe tối ưu và giúp phục hồi sức khỏe sau cơn bệnh. Một số vận động viên sử dụng kẽm để cải thiện sức mạnh và hiệu suất vận động. Ngoài ra, kẽm còn được thêm vào thuốc chữa cảm để làm tăng tốc độ phục hồi cũng như sử dụng để đối phó các vấn đề về da, như: điều trị vết loét, chữa mụn trứng cá và ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa.
Dấu hiệu của sự thiếu hụt kẽm
Chức năng miễn dịch suy yếu và mất cảm giác ngon miệng là dấu hiệu đầu tiên của sự thiếu hụt kẽm. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, rụng tóc, rối loạn chức năng cương dương, vết thương lâu lành, mệt mỏi về tinh thần, các tổn thương ở da và mắt cũng là những cảnh báo về tình trạng thiếu hụt kẽm.
Nguyên do thiếu kẽm
Một trong những lý do gây ra thiếu hụt kẽm là chế độ ăn uống. Các loại đậu và ngũ cốc có chứa các hợp chất được gọi là phytates ngăn cản cơ thể hấp thụ kẽm. Tuy nhiên, nếu vẫn muốn thưởng thức nhóm thực phẩm này, để giảm tình trạng kẽm không được hấp thụ, cần ngâm nước, rang khô hoặc để chúng lên men rồi sử dụng.
... thịt bò là những nguồn dồi dào kẽm - Ảnh: Shutterstock |
Ngoài ra, tiêu thụ chất xơ cao cũng được biết đến có liên quan tới việc làm hạ thấp nồng độ kẽm trong cơ thể. Bên cạnh đó, nồng độ kẽm trong cơ thể cạn kiệt một phần cũng do tiêu chảy mãn tính, đổ mồ hôi quá nhiều, căng thẳng quá mức… bởi những yếu tố này gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa, từ đó làm giảm lượng kẽm hấp thụ.
Thêm vào đó, một số điều kiện sức khỏe nhất định như bệnh thận và tiểu đường cũng có thể ảnh hưởng đến nồng độ kẽm; trong khi rối loạn tiêu hóa như viêm loét đại tràng và bệnh Crohn đều có thể làm giảm lượng kẽm mà cơ thể hấp thụ. Một tình trạng gọi là Pyroluria cũng gây nên hiện tượng mất kẽm qua đường tiểu.
Thực phẩm giàu kẽm
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ngoài việc bổ sung những viên nang kẽm, cách tốt nhất để kẽm được hấp thụ là thông qua đường ăn uống. Nguồn cung cấp kẽm bao gồm hàu, thịt bò, cá mòi, trứng, thịt gà và sữa.
Tuy nhiên, sản phẩm động vật không phải là nguồn duy nhất chứa nhiều kẽm, bởi một số nghiên cứu cho thấy những người ăn chay có nồng độ kẽm trong huyết thanh tương tự như những người không ăn chay. Sở dĩ có điều này là do người ăn chay thích ứng với một lượng kẽm thấp bằng cách gia tăng sự hấp thụ và lưu giữ khoáng chất này.
Để chế độ ăn chay có thể đảm bảo cung cấp đủ lượng kẽm, cần tăng cường tiêu thụ mầm lúa mì, hạt lanh, hạt bí đỏ, đậu xanh, đậu hũ, cỏ linh lăng, đậu Hà Lan và sô cô la đen.
Theo Lam Nghi
Thanh niên