Huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị là giải pháp được kỳ vọng sẽ mang lại sự phát triển của ngành Y tế. Để tránh tiêu cực phát sinh, Bộ trưởng Kim Tiến yêu cầu mô hình xã hội hóa phải rõ ràng, minh bạch.
Giảm tải bệnh viện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám và điều trị của người dân là mục tiêu quan trọng đã được Bộ Y tế đặt ra từ nhiều năm qua. Để hiện thực hóa vấn đề trên, Bộ đang tập trung kết hợp nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách tài chính y tế. Trong đó, giải pháp huy động các nguồn lực từ xã hội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hợp tác về quản lý, nâng cao chất lượng của hệ thống y tế đang được kỳ vọng sẽ mang lại những hiệu quả khả quan.
Từ năm 2007, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư (số: 15/2007/TT-BYT) hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập. Tuy nhiên, thực tế triển khai Thông tư 15 đã phát sinh những bất cập như: cơ sở y tế quá tải nhưng vẫn dành diện tích để liên doanh, liên kết; không tách bạch được khu dịch vụ với khu điều trị thông thường làm người bệnh liên tưởng đến tình trạng phân biệt đối xử giữa người nghèo - người giàu; các hình thức liên kết chưa đa dạng và chủ yếu chỉ phục vụ mua sắm trang thiết bị,…
Khu điều trị theo yêu cầu kỹ thuật cao bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang
Nhằm hạn chế những nhược điểm trên, Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết (số: 93/2014/NQ-CP ngày 15/12/2014) về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế nhằm đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy hợp tác phát triển của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, bệnh viện công được phép liên doanh, liên kết dưới hình thức góp vốn với các nhà đầu tư để xây dựng, thành lập mới cơ sở khám bệnh chữa bệnh hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công cử công chức, viên chức làm việc tại các bệnh viện tư theo nguyên tắc công khai, dân chủ, tự nguyện.
Kể từ khi Nghị quyết 93 chính thức có hiệu lực, tại khu vực phía Nam đã có 2 bệnh viện được xúc tiến đầu tư theo mô hình xã hội hóa kết hợp công - tư gồm: bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được xây dựng mới hoàn toàn với quy mô 1.400 giường, tổng mức đầu tư trên 3.300 tỷ đồng (khánh thành ngày 25/4); bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang xây dựng mới Khu khám chữa bệnh theo yêu cầu kỹ thuật cao trong khuôn viên đất hiện có với quy mô 169 giường bệnh, tổng đầu tư hơn 70 tỷ đồng (khánh thành ngày 26/4).
Tại buổi lễ khánh thành Khu khám chữa bệnh theo yêu cầu kỹ thuật cao, bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Vấn đề giảm tải không chỉ là nỗ lực của ngành Y tế mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị với mục tiêu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng chất lượng khám chữa bệnh, đổi mới cơ chế tài chính. Các đơn vị y tế hoạt động theo mô hình xã hội hóa cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo để có thể áp dụng các kỹ thuật cao vào khám và điều trị, đáp ứng nhu cầu của người bệnh; phải sẵn sàng tham gia hệ thống bệnh viện vệ tinh, tiếp nhận các kỹ thuật cao được chuyển giao từ bệnh viện tuyến trên; cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phải đồng bộ, hiện đại”.
Bộ trưởng yêu cầu trong quá trình hoạt động các bệnh viện có hình thức xã hội hóa phải xác định rõ mô hình quản trị theo hướng luật doanh nghiệp hay quản trị trên cơ sở kết hợp công - tư. Dù hoạt động theo mô hình nào bệnh viện cũng phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật.
Liên doanh, liên kết phải minh bạch, rõ ràng
Theo Bộ trưởng Kim Tiến, hiện hệ thống bệnh viện công lập, ngành y tế đang từng bước tiến tới tính đúng tính đủ. Nhà nước sẽ không cấp kinh phí cho các bệnh viện công lập mà cấp thông qua Bảo hiểm Y tế và chỉ hỗ trợ cho những gia đình chính sách thuộc diện gia đình có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi. Về mặt tài chính, giá dịch vụ y tế tại cơ sở liên doanh, liên kết sẽ do UBND các tỉnh hoặc doanh nghiệp tự hoạch toán nhưng cần phải phù hợp bởi giá khám chữa bệnh cao quá, người bệnh sẽ không chấp nhận nhưng nếu thấp quá thì không đủ chi phí hoạt động của cơ sở.
Về nhân lực chuyên môn, cơ sở liên doanh, liên kết sẽ phải tự tuyển một phần nhân lực và một phần nhân lực được huy động từ bệnh viện công sang đơn vị liên doanh liên kết để làm việc. Tuy nhiên, cơ sở y tế công lập phải có trách nhiệm quản lý, đảm bảo ngày công chất lượng của y bác sĩ tại bệnh viện công trước khi thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở liên doanh liên kết.
Bộ trưởng Kim Tiến yêu cầu các bệnh viện cần phải có quy định rõ ràng giữa bệnh viện xã hội hóa công - tư; chủ đầu tư của Trung tâm khám chữa bệnh theo nhu cầu với bệnh viện công lập về việc bác sĩ tại bệnh viện công làm việc tại đơn vị liên doanh, liên kết là làm ngoài giờ hành chính, trong giờ hành chính hay làm việc theo hợp đồng để tránh tình trạng y bác sĩ “ăn cắp” giờ công.
Bộ trưởng Kim Tiến nhấn mạnh: Dù là cơ sở công lập, ngoài công lập hay cơ sở liên doanh, liên kết cũng phải đặt đạo đức nghề nghiệp, đặt quyền lợi của người bệnh lên trên hết. Do đó, các đơn vị cần phải có hình thức để hỗ trợ người có điều kiện khó khăn nếu người bệnh có nhu cầu khám chữa bệnh tại các trung tâm điều trị kỹ thuật cao. Ngoài việc được quỹ bảo hiểm y tế hỗ trợ một phần, các tỉnh cần phải lập nguồn quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo, nguồn quỹ từ sự ủng hộ của nhà hảo tâm để giúp đỡ bệnh nhân trong trường hợp đặc biệt.
Mặt khác, cần phải xác định rõ các vấn đề liên quan về chi phí bảo hành, bảo trì giữa công và tư trong mô hình liên doanh, liên kết. Bộ trưởng kỳ vọng khi đúc kết được mô hình quản lý, quản trị hiệu quả từ những đơn vị đi đầu, ngành y tế sẽ nhân rộng mô hình xã hội hóa y tế ra nhiều địa phương trên cả nước để ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Theo Vân Sơn
Dântrí
Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ...
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc...
Sáng ngày 21.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...