Quyền được chết: Có nên đưa vào luật?

Thứ 7, 25/04/2015 | 09:51:39
1,349 lượt xem

Liên quan đến đề xuất đưa “quyền được chết êm ái” vào Bộ luật Dân sự (sửa đổi), nhiều chuyên gia cho rằng nếu thừa nhận thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề không lường trước được.

Quyền được chết: Có nên đưa vào luật? - ảnh 1
Đề xuất đưa "quyền được chết êm ái" vào Bộ luật Dân sự (sửa đổi) của Bộ Y tế gây nhiều tranh cãi - Ảnh minh họa: Ngọc Thắng

TS Nguyễn Văn Tiến, giảng viên trường Đại học Luật TP.HCM, phân tích, pháp luật VN đã quy định không ai được phép tước đoạt quyền được sống của con người, trừ bản án có hiệu lực pháp luật của tòa, nay lại quy định thêm như vậy thì vi hiến.

 
 
Nói về đề xuất cho phép đưa "quyền được chết êm ái" vào nội dung của Bộ luật Dân sự (sửa đổi), TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, từ 2005, Luật Dân sự đã đề cập đến “quyền được chết” tuy nhiên lúc đó Quốc hội chưa xem xét. Sau 10 năm, đến thời điểm này, Quốc hội tiếp tục bàn luận về luật Dân sự (sửa đổi), và Bộ Y tế đề xuất đưa “quyền được chết êm ái” vào luật.
Theo ông Quang, chưa có thước đo nào xác định được sự tiếp nhận đề xuất về “quyền được chết” từ phía các bộ ngành cũng như từ người dân, và nó chắc chắn là vấn đề gây tranh cãi. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn đề xuất ủng hộ cho quyền được chết. (Liên Châu)
 
“Nhưng nếu thừa nhận thì ai sẽ làm việc này. Giao cho BS bác sĩ thì liệu các BS có dũng cảm làm hay không vì tôn chỉ của BS là cứu người chứ không phải là giết người. Cũng không ai dám chắc rằng các BS sẽ tự tin làm hay sẽ là nỗi ám ảnh trong nghề của họ”, TS Tiến trăn trở.
“Nếu ghi nhận vào luật tất nhiên các nhà làm luật sẽ có cơ chế để thực hiện nhưng không ai dám chắc họ sẽ dự liệu được hết những phát sinh trong thực tế. Chẳng hạn, trường hợp một số cá nhân lợi dụng quyền được chết để giết người một cách hợp pháp. Phải thừa nhận rằng, kiến thức ngành y là khá đặc biệt về chuyên môn, không phải ai cũng biết, cũng hiểu vì vậy trường hợp BS ghi bệnh án thế nào thì bệnh nhân đành chịu vậy, khi đó họ sẽ phải chết theo bệnh án chứ không phải do thực bệnh. Xấu nhất nữa, lãnh đạo BS yêu cầu cấp dưới phải viết bệnh án theo yêu cầu của lãnh đạo thì đôi khi BS cũng đành phải làm theo”, theo TS Tiến.
Đồng tình với phân tích nêu trên, luật sư (LS) Trương Thị Hòa (Đoàn LS TP.HCM) nhận xét, pháp luật thì phải mang tính phổ biến, trong khi trường hợp “xin” chết vì đau đớn trong bệnh tật còn quá hy hữu trên thực tế nên việc ghi nhận cơ chế này vào luật là chưa phù hợp.
“Hiến pháp 2013 có hiệu lực chưa bao lâu quy định mọi người có quyền được sống thì nay lại đề ra quyền được chết thì khó quá”, LS Hòa nói. 

"Quyền được chết" trên thế giới

Quyền được chết: Có nên đưa vào luật? - ảnh 2
Cũng như ở Việt Nam, vấn đề về "quyền được chết" vẫn còn gây nhiều tranh cãi ở nhiều nước trên thế giới - Ảnh: Reuters
“Quyền được chết”, “cái chết êm ái”, “hỗ trợ tự tử”… những cụm từ đó chưa bao giờ thôi gây tranh cãi trên khắp thế giới suốt mấy chục năm qua, kể từ khi Thụy Sĩ lần đầu tiên hợp pháp hóa hỗ trợ tự tử vào năm 1942 và Hà Lan lần đầu tiên cho phép quyền được chết vào 2002.
Quyền được chết là gì?
"Cái chết êm ái" hay "quyền được chết"  là hành động cố ý kết thúc cuộc sống của một người nào đó để giúp chấm dứt sự chịu đựng của họ, thường là với bệnh nhân giai đoạn cuối. Chẳng hạn một bác sĩ tiêm thuốc an thần quá liều cho bệnh nhân ung thư đang quá đau đớn để bệnh nhân này chết được xem là hành động thực hiện cái chết êm ái. Một khi quyền được chết được hợp pháp hóa, bác sĩ được phép làm điều này mà không sợ bị truy tố trước pháp luật.
Tùy vào từng nước mà tên của các khái niệm có sự khác nhau. Nhưng nói chung, hỗ trợ tự tử khác một chút so với việc thực hiện cái chết êm ái hay quyền được chết. Trong hỗ trợ tự tử, người muốn chết được người khác, có thể là người thân hoặc nhân viên y tế giúp họ tiếp cận với phương tiện để tự tử, chẳng hạn thuốc ngủ liều cao nhưng họ phải tự uống thuốc.
Ai cho phép chết êm ái?

Hiện chỉ một số rất ít quốc gia trên thế giới cho phép chết êm ái, bao gồm Hà Lan, Bỉ và Luxembourg. Theo luật pháp của những nước này, bác sĩ hoặc chuyên gia y tế được phép cố ý chấm dứt cuộc sống của một người, phổ biến nhất là bằng cách tiêm thuốc ngủ, sau đó là thuốc làm ngưng tim hoặc ngưng thở, dẫn đến tử vong.

Quyền được chết: Có nên đưa vào luật? - ảnh 3
Hà Lan, Bỉ và Luxembourg là những nước cho phép "chết êm ái" - Ảnh: AFP
Thông thường, cái chết êm ái chỉ được chỉ định khi bệnh nhân đáp ứng tối thiểu 3 tiêu chuẩn: tự nguyện muốn chết, đủ khả năng nhận thức để đưa ra quyết định, bị một căn bệnh gây đau đớn quá mức chịu đựng và không thể chữa trị hoặc cải thiện tình trạng bệnh được. Tùy vào luật pháp của từng nước, những yêu cầu khác được kèm theo.

Ở Mỹ, từng bang có điều luật riêng. Oregon là bang đầu tiên áp dụng điều luật mang tên Luật chết êm ái vào năm 1997, theo báo USA Today. Sau đó 4 bang khác đã thông qua những điều luật tương tự, cho phép những bệnh nhân giai đoạn cuối đã trên 18 tuổi, đủ năng lực trí tuệ và có chứng nhận của bác sĩ là dự kiến chỉ còn sống tối đa 6 tháng được hỗ trợ về mặt y tế để chết, cụ thể là được dùng thuốc dẫn đến tử vong.

 
Ngoài ra, từ 1942, Thụy Sĩ đã cho phép hỗ trợ tự tử: bác sĩ được phép kê toa thuốc dẫn đến cái chết nhưng bệnh nhân phải tự uống, theo BBC.
Câu trả lời đang để ngỏ. Trong những năm vừa qua, các dự luật liên quan đến quyền được chết và hỗ trợ tự tử được đưa ra bàn luận ở quốc hội nhiều nước khác nhau với những đặc thù riêng, tùy vào từng nước. Tuy nhiên, các quy định cơ bản như kể trên hầu như được giữ. Chẳng hạn ở Anh, dự luật hỗ trợ chết đang được xem xét, trong đó quy định 2 bác sĩ độc lập phải chứng nhận là người muốn chết phải bị bệnh giai đoạn cuối, bệnh nhân dự kiến chỉ sống được tối đa 6 tháng nữa và bệnh nhân phải tự dùng thuốc, bác sĩ không được phép làm, chỉ kê toa. Dự luật không cho phép hỗ trợ tự tử trong những trường hợp khác.
Ở Mỹ, tính tới thời điểm tháng 4.2015, theo thống kê của tổ chức phi lợi nhuận Compassion & Choice, ít nhất 25 bang đã xem xét dự luật liên quan đến quyền được chết. Trong năm nay, hơn một chục bang sẽ lại tiếp tục xem xét dự luật này.
Nếu giúp bệnh nhân chết khi pháp luật chưa cho phép?
Ở hầu hết các nước, điều này đồng nghĩa với tội sát nhân. Chẳng hạn ở Anh, theo quy định rất rõ của luật pháp, nếu một bác sĩ cố tình tiêm thuốc cho ai để chết, bác sĩ đó đã giết người với khung hình phạt lên đến án chung thân. Cũng ở Anh, nếu ai đó khuyến khích hoặc hỗ trợ người khác tự tử có thể ngồi tù đến 14 năm.
Đã có bao nhiêu người “chết êm ái”?
Không có thống kê toàn diện. Tuy nhiên, Dignitas - địa chỉ “trứ danh” đặt tại Thụy Sĩ hỗ trợ “chết êm ái” - đã có hơn 1.000 “khách hàng” từ khắp nơi trên thế giới chọn làm ranh giới giữa sự sống và cái chết. Dignitas được thành lập vào năm 1998. Đã có rất nhiều bài báo, phóng sự viết về hành trình đi tìm cái chết ở nơi đây. “Quy trình chết” ở Dignitas cũng thu hút sự tò mò từ khắp nơi trên thế giới.
Tại Hà Lan, theo BBC, mỗi năm có khoảng từ 2.500 - 3.000 người “chết êm ái” theo điều luật quyền được chết, chiếm khoảng 2% con số tử vong ở nước này.
Ở bang Oregon (Mỹ), từ 1997-2014 có 1.327 người được kê toa dược phẩm để “chết êm ái” theo số liệu của Sở y tế Oregon.
Ở đâu quyền được chết “tự do” nhất?
Thật khó để so sánh nhưng Hà Lan thậm chí đã cho phép “dịch vụ chết êm ái cơ động”. Một đội y tế, bao gồm một bác sĩ, một y tá với tất cả các thiết bị chuyên dụng cần thiết để giúp “chết êm ái” sẽ đến tận chỗ của “khách hàng” để cung cấp dịch vụ cho họ. Những người ủng hộ vỗ tay vang dội, cho rằng điều này sẽ giúp những người đủ quyền được chết nhưng bác sĩ của họ không chịu giúp họ chết được tiếp cận với quyền lợi theo luật định. Những người chống đối cho rằng điều này đi quá xa, gọi đội ngũ kể trên là “biệt đội tử thần”, cho rằng “biệt đội” này sẽ không thể hiểu rõ tình trạng của từng bệnh nhân như bác sĩ điều trị được, từ đó dẫn đến quyết định sai lầm.

Phan Thương - Kiều Oanh

Thanhnien.com.vn

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo
Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo

Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...