|
Kiểm tra thân nhiệt trên hệ thống tự động cho du khách xuất nhập cảnh nhằm phát hiện phòng ngừa dịch bệnh. Ảnh: Đình Huệ |
Ebola - dịch bệnh lớn nhất trong 4 thập kỷ
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu, mức độ nguy hiểm và sự lây lan nhanh chóng từng ngày của bệnh Ebola khiến thế giới lo ngại. Bệnh do virus Ebola là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong lên tới 90%.
Virus Ebola gây dịch đầu tiên tại Sudan vào năm 1976 với hơn 600 người mắc. Từ đó đến nay, dịch đã xảy ra tại 11 quốc gia Châu Phi. Từ tháng 12-2013 đến nay đã có hơn 1.600 người ở 4 quốc gia (Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigieria) mắc Ebola, trong đó có 987 ca tử vong. Điều đáng bàn là dịch bệnh này đã tấn công một số lớn nhân viên y tế, cướp đi sinh mạng của hơn 60 người - những cán bộ y tế đã quên thân để chăm sóc cho các bệnh nhân nhiễm loại virus chết người. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch bệnh Ebola chưa có dấu hiệu thuyên giảm, có nhiều nguy cơ lan truyền sang quốc gia khác.
Hiện tại, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh do virus Ebola gây ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, trong môi trường hội nhập như hiện nay, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập nước ta rất dễ dàng, đường lây truyền dễ nhất là qua công dân Việt Nam và khách du lịch từ vùng có dịch nhập cảnh vào nước ta. "Dù chưa có ca bệnh nhưng chúng ta phải sẵn sàng các phương án phòng chống dịch, điều trị" - ông Trần Đắc Phu nói.
|
Tiêm phòng bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Ảnh: Như Ý |
Nguyên nhân gây bệnh lớn nhất: Ô nhiễm môi trường và nguồn nước
Theo đánh giá chung, trong 56 loại bệnh truyền nhiễm được ghi nhận, các dịch bệnh đang lưu hành như tiêu chảy cấp, tả, sốt xuất huyết và viêm não đang đặt ngành y tế trong tình trạng phòng chống chủ động, tích cực. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận xét: Nếu như những ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội đã được kiểm soát chặt chẽ, không còn lây lan thì tại tỉnh Sơn La, hội chứng viêm não cấp, viêm màng não vẫn đang trong giai đoạn căng thẳng. TP Hồ Chí Minh đang rơi vào tình trạng báo động về nguy cơ dịch tả bùng phát.
Báo cáo của Cục Y tế dự phòng cho thấy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 565 trường hợp mắc viêm não virus (22 trường hợp tử vong). Riêng tại tỉnh Sơn La đã ghi nhận 116 trường hợp mắc viêm não (ở 11/12 huyện), trong đó có 13 trường hợp tử vong và 31 trường hợp xét nghiệm dương tính với viêm não Nhật Bản (VNNB). Nguyên nhân khiến dịch bệnh tại đây bùng phát mạnh là do người dân có thói quen nuôi trâu, bò… gần nơi sinh hoạt của gia đình, điều kiện vệ sinh môi trường không bảo đảm, mức độ "phủ sóng" chương trình tiêm chủng VNNB rất thấp. Năm 2007, toàn tỉnh Sơn La mới có 1 huyện triển khai tiêm VNNB, năm 2008 tăng lên 2 huyện. Đến năm 2012, 100% trẻ dưới 5 tuổi đã được tiêm VNNB, tuy nhiên, tỷ lệ tiêm mũi 3 chỉ đạt 42%.
Cũng theo Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 300 nghìn ca mắc tiêu chảy cấp, trong đó có 3 ca tử vong (1 trường hợp ở Thanh Hóa, 2 ở TP Hồ Chí Minh). Tháng 7-2014, Bộ Y tế tổ chức một đoàn giám sát chất lượng nước tại TP Hồ Chí Minh, kết quả cho thấy ba nhà máy nước lớn nhất là Thủ Đức, Bình Chánh và Phong Phú (Bình Lợi 3) đều không đạt chỉ tiêu: Clo dư ngay từ gốc, lượng mangan, sắt đều cao hơn mức cho phép. Ngoài ra, nguyên nhân gây bệnh khác là vệ sinh môi trường không bảo đảm. TP Hồ Chí Minh hiện có trên 3.000 nhà tiêu ao cá, tập trung chủ yếu ở khu vực ngoại thành như quận 12, huyện Bình Chánh. Tại khu vực xuất hiện ổ dịch tiêu chảy đầu tiên tại thành phố (xã Lê Minh Xuân - huyện Bình Chánh), xung quanh mỗi nhà dân có 3-4 cầu tiêu ao cá, cách nhau chỉ khoảng chục mét và đó là điều kiện thuận lợi để phát sinh vi khuẩn E.coli.
Rõ ràng là trong tình trạng hiện nay, việc bảo vệ môi trường sống, cải thiện chất lượng nước sinh hoạt, đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng là ba trong giải pháp hàng đầu để phòng chống dịch bệnh.
Từ ngày 15-8 sẽ áp dụng tờ khai y tế đối với hành khách đến từ vùng dịch Ebola
(HNM) - Chiều 6-8, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi các bộ: Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Ngoại giao đề nghị phối hợp và chỉ đạo việc thực hiện và khai báo y tế tại các cửa khẩu. Cụ thể, những hành khách đến từ vùng có dịch Ebola (gồm: Guinea, Liberia, Sierra Leone, Nigieria) phải khai báo y tế. Khi phát hiện hành khách có nghi ngờ mắc bệnh Ebola, kiểm dịch viên y tế sẽ tiến hành cách ly và thực hiện các biện pháp xử lý y tế theo quy định. Việc thực hiện áp dụng tờ khai y tế sẽ được bắt đầu từ ngày 15-8 tại tất cả các cửa khẩu quốc tế.
Xuân Lộc |