|
Nếu Viettel được giảm cước, hàng triệu người nghèo sẽ là những người được hưởng lợi lớn nhất |
Viettel lại làm chuyện "ngược đời"
Ngày 7/7/2014, ông Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel đã đề xuất với Bộ TT&TT được giảm cước thoại trên di động. Theo đó, Viettel đề nghị Bộ TT&TT cho áp dụng chính sách 1 giá cước không phân biệt nội mạng và ngoại mạng.
Hiện nay đơn giá thoại nội mạng của thuê bao trả trước là 1.466đ/phút và liên mạng là 1.651đ/phút. Tương tự như vậy, giá cước gọi nội mạng của trả sau là 990 đồng/phút và ngoại mạng là 1200 đồng/phút. Như vậy, với đề xuất giảm giá cước ngoại mạng xuống bằng nội mạng điều đó có nghĩa là giá cước di động sẽ giảm 12.6%.
Quyết định này của Viettel đưa ra khá bất ngờ vì nhà mạng bị áp lực phải tăng doanh thu trong bối cảnh thuê bao di động đang bắt đầu bão hòa. Hầu hết các mạng di động đều đặt ra con số tăng trưởng thuê bao khá khiêm tốn, và phần lớn chuyển sang thế giữ chân thuê bao nhiều hơn. Sau khi các mạng di động tăng cước 3G hồi năm ngoái thì nhiều người đã nghĩ đến kịch bản tăng cước hơn là giảm cước ở thời điểm này. Như vậy, quyết định của Viettel ở thời điểm này được nhiều người cho là "ngược đời".
Ông Hoàng Sơn cho biết, đề xuất giảm giá cước thoại ngoại mạng di động của Viettel nhằm kích thích tiêu dùng và hỗ trợ khách hàng tốt hơn trong sử dụng dịch vụ. Thực tế khách hàng thường có xu hướng gọi nội mạng vì giá cước rẻ, ít gọi ngoại mạng do tâm lý cước đắt, do vậy để kích thích tiêu dùng thì Viettel đề nghị Bộ TT&TT cho phép áp dụng 1 giá cước không phân biệt nội mạng hay ngoại mạng.
"Các thông kê của Viettel cho thấy có đến gần 80% các mạng trên thế giới không phân biệt tính cước nội mạng, ngoại mạng. Xu hướng phân biệt nội, ngoại mạng chỉ xuất hiện tại các nước nghèo, còn các nước càng phát triển thì càng có xu hướng đưa về một mức giá cước" ông Hoàng Sơn nói.
54 triệu khách hàng chờ được giảm cước
Các mạng di động cho rằng, với quy mô thuê bao hiện nay và việc xóa bỏ cước ngoại mạng, Viettel sẽ bị sụt doanh thu lớn nhất trong các mạng di động. Theo ước tính của Viettel, nếu Bộ TT&TT đồng ý cho Viettel áp dụng chính sách giá cước như cuộc gọi nội mạng cho tất cả các cuộc gọi nội mạng và ngoại mạng thì trước mắt mỗi tháng Viettel bị giảm khoảng gần 80 tỷ đồng.
"Tôi hy vọng với chính sách này sẽ giúp khách hàng dễ nhớ mức giá cước và chủ động quản lý chi phí trong việc sử dụng dịch vụ của mình mỗi tháng. Trước mắt nếu áp dụng chính sách này thì Viettel sẽ bị giảm doanh thu, tuy nhiên chúng tôi hy vọng khi cước thoại giảm sẽ kích cầu tiêu dùng và hy vọng động thái này sẽ tăng được doanh thu cho nhà mạng" ông Hoàng Sơn nói.
Hiện Viettel đang có khoảng 54 triệu thuê bao di động và đang là mạng di động có số thuê bao lớn nhất hiện nay và chiếm khoảng 50% số thuê bao di động của Việt Nam. Nếu chính sách này được Bộ TT&TT phê duyệt thì điều đó có nghĩa là sẽ có khoảng 50% thuê bao di động của Việt Nam sẽ được giảm cước. Điều này chắc chắn sẽ gây áp lực cho các nhà mạng khác sẽ phải ứng xử để cạnh tranh với việc giảm cước của Viettel.
Trước đề xuất này của Viettel, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết Bộ sẽ yêu cầu Viettel và các doanh nghiệp viễn thông khác báo cáo giá thành dịch vụ di động. Đây sẽ là cơ sở để Bộ TT&TT phê duyệt các đề xuất của nhà mạng về điều chỉnh cước bởi giá cước phải được xây dựng trên cơ sở giá thành. Về cơ bản doanh nghiệp có quyền chủ động về giá cước, miễn là không bán dưới giá thành.
Trong khi đó đại diện của Viettel khẳng định; "Với mức giảm khoảng 12,6% cước dịch vụ thoại như đề xuất thì Viettel không bán dưới giá thành. Viettel sẽ gửi báo cáo lên Bộ TT&TT kèm các số liệu cụ thể để Bộ TT&TT sớm phê duyệt đề nghị này".
Như vậy, nếu Viettel có đủ số liệu báo cáo không bán dưới giá thành với đề xuất thống nhất mức cước nội mạng và ngoại mạng thì đây sẽ là tin vui với 54 triệu thuê bao của nhà mạng này.