Bởi vậy, các nhà chức trách đã buộc phải nhờ tới một thiết bị lặn không người lái để tìm kiếm những gì còn sót lại của MH370. Nhưng, Bluefin-21, thiết bị lặn có radar siêu âm nói trên, chắc chắn sẽ gặp rất nhiều thử thách trong công cuộc tìm kiếm chuyến bay xấu số mang theo cùng 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn.

Bluefin-21 hoạt động thế nào?

Bluefin-21 là một thiết bị thăm dò siêu âm sử dụng công nghệ âm học nhằm tạo ra hình ảnh từ các sóng âm thanh phản chiếu, thay vì từ ánh sáng như thông thường. 

Bluefin-21 ​

 Bluefin-21 sẽ phát ra các tín hiệu âm thanh và đo đạc tín hiệu phản xạ lại từ bề mặt biển để tạo ra một bản đồ 3 chiều cho đáy biển. Tàu lặn không người lái này sẽ được điều khiển từ trên mặt đất. Bluefin-21 là một sản phẩm do Phoenix International sở hữu và phát triển dựa theo hợp đồng với Hải quân Mỹ và các tổ chức hàng hải khác.

"Khi đạt tới độ sâu nhất định, Bluefin-21 sẽ tự động bật cảm biến", David Kelly, chủ tịch và CEO của nhà sản xuất Bluefin Robotics cho biết.

"Sau đó, Bluefin-21 sẽ thực hiện chu trình tìm kiếm 'máy cắt cỏ', bao gồm nhiều quãng đường song song với nhau. Thiết bị này sẽ di chuyển lên phía trước rồi quay ngược lại phía sau, giống như máy cắt cỏ của bạn vậy".

Bluefin-21 được sử dụng tại đâu?

Bluefin-21 sẽ được sử dụng đầu tiên tại khu vực dễ tìm kiếm nhất trong số các khu vực mà tàu Ocean Shield của Australia tìm thấy tín hiệu ping. Theo Hải quân Mỹ, tại khu vực này, Bluefin-21 sẽ lặn xuống độ sâu 4.000 – 5.000 mét, tức chỉ cách đáy biển khoảng 35 mét.

 Tàu thăm dò đại dương Ocean Shield của Australia hoạt động thời gian gần đây, đã thả Bluefin-21 để tìm kiếm máy bay mất tích MH-370.

 "Bluefin-21 sẽ hoạt động tại độ cao từ bề mặt đáy biển được tối ưu cho các cảm biến", ông Kelly khẳng định.

 Bluefin-21 có thể di chuyển bao xa? Tốc độ của tàu lặn này?

Khu vực tìm kiếm của Bluefin-21 sẽ có kích cỡ 3,1 dặm x 4,9 dặm, tức khoảng 40 km2. Hải quân Mỹ cho biết tàu lặn không người lái này sẽ phải mất 6 tuần – 2 tháng để dò tìm toàn bộ khu vực tìm kiếm. Lý do là bởi Bluefin-21 sẽ di chuyển ở tốc độ khá chậm: Sylvia Earle, một nhà nghiên cứu đại dương học tại Nation Geographic đồng thời cũng là một nhà khoa học cao cấp tại Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Mỹ NOAA cho biết tàu lặn này chỉ di chuyển ngang với tốc độ đi bộ của con người.

Song, Bluefin-21 sẽ cho chất lượng hình ảnh rất tốt: "tốt đến mức gần như là một bức ảnh chụp thực sự vậy… dù là ảnh dựng từ âm thanh thay vì dùng camera thông thường".

Bluefin-21 sẽ phải vượt qua địa hình nào?

Bề mặt đáy biển không phải là những rặng núi hiểm trở. Angus Houston, người lãnh đạo quá trình tìm kiếm của Australia cho biết bề mặt đáy biển nơi tìm kiếm khá phẳng, song khu vực thấp nhất sẽ có phù sa có thể "gây khó khăn" cho cuộc tìm kiếm.

Đồng thời, ông Houston cũng đã đưa ra cảnh báo trước rằng Bluefin-21 có thể sẽ không tìm thấy dấu vết nào của MH370: "Bluefin-21 có thể sẽ không tìm thấy gì. Đây sẽ là một quá trình tìm kiếm dài và vất vả".

 

Chu trình hoạt động của Bluefin-21 là 24 giờ, do đó mỗi ngày thiết bị tìm kiếm này sẽ chỉ được triển khai một lần. Đội tìm kiếm cũng chỉ có thể bắt đầu thu thập và phân tích thông tin khi Bluefin-21 đã kết thúc quá trình lặn và nổi lên mặt nước.

Tàu tìm kiếm này sẽ mất 2 giờ để lặn xuống khu vực tìm kiếm, sẽ tiến hành rà soát đáy biển trong vòng 16 giờ và mất thêm 2 giờ nữa để nổi lên mặt biển. Trong vòng 4 giờ sau đó, đội tìm kiếm sẽ tải và phân tích dữ liệu thu được.

"Tốc độ thu thập thông tin chắc chắn sẽ là chậm hơn một ngày".

Điều gì sẽ xảy ra khi tìm thấy mảnh vụn của MH370?

Khi đã tìm thấy khu vực chứa mảnh vụn của MH370, đội tìm kiếm sẽ sử dụng các phương tiện khác, ví dụ như các phương tiện lặn điều khiển từ xa ROV để tìm kiếm hộp đen của MH370.

ROV hoạt động ở độ sâu 3 dặm sẽ cần được cung cấp điện năng từ tàu phía trên. "Không có nhiều thiết bị trên thế giới có thể làm được điều này", ông Earle khẳng định.

Chỉ có một vài cường quốc có tàu lặn có người lái có thể lặn xuống độ sâu này: Mỹ, Nga, Nhật, Pháp và Trung Quốc.

Vì sao cho tới giờ vẫn chưa tìm ra mảnh vụn nào của MH370?

Theo nhà phân tích hàng không David Soucie, tác giả cuốn "Vì sao Máy bay Rơi", việc cho tới thời điểm này chưa một ai phát hiện ra một dấu vết chắc chắn nào của MH370 có thể không có gì đáng ngạc nhiên.

Mô hình mà các quốc gia sử dụng để theo dõi tìm kiếm mảnh vụn của MH370 có thể là hoàn toàn sai lầm. Tình trạng này đã xảy ra đối với chuyến bay xấu số AF 447 của Air France vào năm 2009 sau khi chiếc máy bay này đâm xuống mặt biển Nam Đại Tây Dương, khiến toàn bộ 228 người có mặt trên máy máy bay tử nạn.

"Họ đã dành ra nhiều tuần lễ để tìm kiếm ở khu vực không chính xác", ông Soucie cho biết. Đồng thời, việc chưa tìm thấy mảnh vụn nào cũng có thể là do MH370 không bị vỡ vụn và đã chìm hoàn toàn.

Nếu giả thuyết này là chính xác, việc tìm kiếm hộp đen của MH370 sẽ khó khăn hơn, bởi hộp đen thường được đặt ở đuôi máy bay. Các nhà chức trách sẽ phải tháo dỡ phần đuôi của máy bay nhằm tìm ra bí ẩn của MH370.

Máy tìm kiếm tín hiệu ping có còn được sử dụng nữa không? 

TPL-25, thiết bị tìm kiếm tín hiệu ping từng được dùng để tìm MH370​

 Dù chúng ta mới chỉ phát hiện ra tín hiệu ping vào tuần trước, có lẽ các máy tìm kiếm tín hiệu ping (TPL) sẽ không còn tham gia tìm kiếm MH370 nữa.

Lý do là hộp đen của máy bay thường chỉ có thể phát ra tín hiệu ping trong vòng 30 ngày. Tới nay đã qua thời hạn đó.

Các thiết bị TPL và cả Bluefin-21 đều được đặt trên tàu Ocean Shield của Australia. Tại một thời điểm, tàu Ocean Shield chỉ có thể điều khiển 1 trong 2 thiết bị này.

Do không một tín hiệu ping nào được tìm thấy trong vòng 6 ngày vừa qua, các nhà chức trách đã quyết định ngừng sử dụng TPL nhằm đưa Bluefin-21 vào hoạt động. Houston cho biết khả năng các thiết bị TPL được tái sử dụng trong cuộc tìm kiếm MH370 cũng là rất thấp.

Hộp đen máy bay​

Liệu con người có thể giải mã bí ẩn của MH370?

Có thể có và cũng có thể không. Máy ghi âm giọng nói chỉ giữ lại dữ liệu từ 2 giờ cuối cùng. Do MH370 có thể đã bay gần 7 giờ sau khi gặp sự cố, có thể toàn bộ các dữ liệu quan trọng đã bị xóa khỏi hộp đen.

Ngược lại, nếu như pin của hộp đen bị cạn, các dữ liệu cũ sẽ không bị xóa. Trên các thiết bị lưu trữ hiện đại, dữ liệu có thể sống sót trong hàng năm trời trong những điều kiện nước biển khắc nghiệt nhất.

Tờ USA Today dẫn nguồn tin từ chính quyền Australia cho biết vừa qua, tàu ngầm mini tự hành Bluefin-21 đã buộc phải ngừng hoạt động tìm kiếm MH370 do đáy biển sâu ngoài dự kiến vượt quá tầm hoạt động - độ sâu 4.500m.

Theo: Laodong.com.vn