Vấn nạn trọng tài ở V-League và nỗi đau của các đội bóng

Thứ 5, 15/08/2019 | 15:06:39
712 lượt xem

Càng về cuối giải, những tranh cãi xảy ra liên quan đến các quyết định của giới trọng tài xuất hiện càng nhiều. V-League sẽ không có công nghệ VAR từ nay đến khi giải đấu năm 2019 kết thúc. Nhưng lẽ nào vì không có VAR mà… bó tay với những nhức nhối liên quan đến những tiếng còi?

Lỗi nhận định hay sai lầm có hệ thống? 

Chỉ riêng tại vòng 20 V-League, theo thống kê, có 5/7 trận đấu có tranh cãi liên quan đến những quyết định của trọng tài, mà đều là những tình huống có khả năng làm thay đổi kết quả của những trận cầu nói trên, làm thay đổi luôn trật tự của bảng xếp hạng.

Chẳng phải phản ứng nào của các đội bóng cũng được ủng hộ hoàn toàn, nhưng vấn đề không phải nằm ở chỗ các đội phản ứng hay không phản ứng, trọng tài đúng hay không đúng trong từng tình huống, mà vấn đề là có những quyết định của các trọng tài, nếu để ý kỹ, đang làm lợi có hệ thống có một nhóm đội từ vòng này qua vòng khác, ngược lại gây bất lợi cho đội khác cũng từ vòng này qua vòng khác.

Trường hợp liên quan đến đội Quảng Nam là rõ nhất. Ở vòng 18, khi Quảng Nam làm khách trên sân của Viettel, khi tỷ số đang là 1-1, bóng chạm tay khá rõ 1 cầu thủ của đội bóng đất Quảng trong khu vực 16m50, nhưng trọng tài Vũ Nguyên Vũ khoác ta cho qua, từ chối cho Viettel được hưởng phạt đền.

Trọng tài Đỗ Thành Đệ, một trong những nhân vật gây tranh cãi ở vòng 20 V-League (ảnh: Anh Hải)

Đến vòng 19, lúc Quảng Nam tiếp Thanh Hoá trên sân nhà, trong tình huống va chạm giữa tiền đạo Rimario của đội bóng xứ Thanh với cầu thủ đội Quảng Nam, trọng tài Nguyễn Văn Chôm nhanh nhẩu rút thẻ đỏ đuổi Rimario, trong một tình huống mà nhiều người nhận định, lỗi của cầu thủ Thanh Hoá chỉ đáng nhận thẻ vàng. Mất người từ quá sớm, Thanh Hoá thua đậm Quảng Nam 0-3 trong trận đấu ấy. 

Đến vòng 20, khi trận đấu giữa Quảng Nam và CLB TPHCM trên sân Tam Kỳ đang giằng co, trọng tài Nguyễn Đình Thái thổi phạt đền đội bóng thành phố, ở tình huống gây tranh cãi rằng Tùng Quốc bên phía CLB TPHCM phạm lỗi ở ngoài hay ở trong vòng cấm? Vì quả phạt đền vừa nêu mà cục diện trên sân thay đổi hoàn toàn, trước khi Quảng Nam giành chiến thắng 2-0.

Vấn đề không phải là trọng tài đúng hay sai trong những tình huống gây tranh cãi nọ, như cách giải thích theo kiểu “cắt lớp” của lãnh đạo Ban trọng tài. Mà vấn đề, theo góc nhìn của các đội bóng và của dư luận, rằng vì sao những nhận định trong các tình huống nhạy cảm của một nhóm các trọng tài, đều theo hướng làm lợi cho một đội, trong khi lại gây bất lợi cho đội khác? – Trong bối cảnh mà đội bóng được làm lợi đang ở cuộc đua giành quyền trụ hạng vốn cũng đầy nhạy cảm?

Phản ứng trọng tài vì mất niềm tin vào giới trọng tài

Đấy là sự nhìn nhận dựa trên một chuỗi các sự kiện diễn ra theo hệ thống, chứ nếu chỉ là một – hai tình huống gây tranh cãi, có lẽ đại diện của các đội bóng không phản ứng mạnh đến thế, không ngán ngẩm với công tác trọng tài đến thế.

Các đội thường phản ứng trọng tài vì kỳ thực họ không có niềm tin ở giới trọng tài (ảnh: Anh Hải)

Đấy cũng là lý do mà HA Gia Lai phản ứng với công tác trọng tài trong mùa giải này. Theo thống kê của đội bóng phố núi, tiền đạo nổi tiếng Nguyễn Văn Toàn bên phía HA Gia Lai… 7 lần bị từ chối phạt đền sau những pha va chạm nhạy cảm với cầu thủ đối phương trong khu vực 16m50, ở V-League 2019. 

Đấy là những tình huống tương tự như tình huống pha bóng mà Văn Toàn sau khi va chạm với Đức Chiến của Viettel ở vòng 20, rồi té ngã ngay trước cơ hội ghi bàn đang mở ra trước mặt anh và các đồng đội, nhưng bị trọng tài Đỗ Thành Đệ từ chối cho hưởng 11m. 

Giống như câu chuyện đội Quảng Nam được lợi có hệ thống từ các quyết định của trọng tài nêu ở trên, trường hợp Văn Toàn nói riêng và HA Gia Lai nói chung gặp bất lợi cũng có hệ thống từ các quyết định của giới trọng tài, tính chất của sự việc nằm ở chỗ, rằng ai giải thích cho đội bóng phố núi chuyện tại sao các quyết định tranh cãi đấy đều hướng họ vào thế… tranh cãi bất lợi?

Đôi khi người ta tranh cãi không phải vì đòi hỏi một pha bóng đúng hay sai, mà người ta tranh cãi chủ yếu vì các trọng tài không làm cho những người tham gia cuộc chơi tin vào tính công bằng!

Vì sao giới bóng đá ngày nay theo xu thế chung phải áp dụng công nghệ VAR để hỗ trợ công tác trọng tài, dù nói cho cùng công nghệ này cũng không làm thay quyền quyết định của các ông “vua sân cỏ”. Nhưng công nghệ VAR sẽ phần nào giúp các đội bóng yên tâm hơn, ở chỗ sẽ có nhiều người và góc giám sát các quyết định của trọng tài hơn.

Vấn đề của giới trọng tài Việt Nam có khi cũng nằm ở chỗ đó, rằng công tác trọng tài ở V-League phải càng có nhiều bên độc lập giám sát và nhiều bên tham gia vào khâu phân công và phân định trọng tài đúng – sai càng tốt, chứ công việc này giao hết cho riêng Ban trọng tài thực hiện từ đầu đến cuối, thì sự tranh cãi và sự nghi kỵ của toàn bộ làng cầu nhìn vào giới trọng tài sẽ chẳng bai giờ chấm dứt.

Nguồn Dantri.com.vn

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...