World Cup 2022 đứng trước nguy cơ đổ vỡ vì Qatar

Thứ 5, 08/06/2017 | 08:57:46
891 lượt xem

Đã có 9 quốc gia cắt đứt hoặc giảm cấp ngoại giao với Qatar để phản đối đường lối ngoại giao của quốc gia này. Nước chủ nhà World Cup 2022 đang bị cô lập trước làn sóng phản đối từ quốc tế, dẫn tới nguy cơ đổ bể giải vô địch thế giới lần thứ 22.

Qatar bị cô lập do cáo buộc hậu thuẫn chủ nghĩa khủng bố. 8 quốc gia láng giềng thuộc liên đoàn Ả rập và Mauritania (Tây Phi) đã ra đòn trừng phạt ngoại giao với Qatar. Làn sóng tẩy chay còn có thể lên cao nữa. Cuộc khủng hoảng chính trị vùng Vịnh đang để lại hậu quả nặng nề lên World Cup 2022.
 
Đi đầu trong cuộc chiến chống lại Qatar là Saudi Arabia. Sau khi cắt đứt quan hệ ngoại giao, Saudi Arabia nhiều khả năng tẩy chay luôn World Cup 2022. Điều đó có nghĩa, giải đấu sẽ diễn ra trong 5 năm tới có thể vắng nhiều đội bóng, trong đó phần lớn ở châu Á.
 
Từ châu Âu, chủ tịch LĐBĐ Đức kiêm thành viên hội đồng FIFA Reinhard Grindel cũng phát đi thông điệp chống lại Qatar: “Một điều chắc chắn là cộng đồng bóng đá thế giới cần nhất trí rằng các giải đấu lớn không thể diễn ra tại quốc gia hậu thuẫn cho khủng bố”.
 
Chưa cần nói World Cup 2022, ngay U20 World Cup đang diễn ra ở Hàn Quốc cũng chịu ảnh hưởng bởi vấn đề Qatar. BeIN Sports, kênh truyền hình Qatar giữ bản quyền phát sóng giải đấu này tại Bắc Phi và Trung Đông, đã bị chặn sóng ở UAE. Chính phủ UAE từ chối chiếu giải U20 thế giới qua sóng truyền hình thuộc quốc gia mà họ đang phản đối.
 
World Cup 2022 còn 5 năm nữa mới diễn ra, nhưng ảnh hưởng là tức thì. Philippines tạm thời đình chỉ xuất khẩu lao động sang nước này. Cần biết Qatar phụ thuộc không nhỏ vào lực lượng lao động khổng lồ đến từ Đông Nam Á. Đặc biệt trong quá trình chuẩn bị cho World Cup 2022, họ cần đến hàng trăm nghìn lao động nước ngoài. Nếu lực lượng này bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng nặng nề đến kế hoạch chuẩn bị World Cup 2022.
 
Chưa hết, Saudi Arabia, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã chặn các chuyến bay đến từ Qatar. Thậm chí CLB nổi tiếng Al Ahli (Saudi Arabia) đã chấm dứt hợp đồng tài trợ với một hãng hàng không Qatar. Qatar đang bị cô lập mạnh mẽ bởi các quốc gia láng giềng. Và nếu cuộc khủng hoảng ngoại giao này không được cải thiện, World Cup 2022 khó lòng được diễn ra như dự kiến.
 
Trước tình hình căng thẳng ở Qatar, FIFA cũng tỏ ra bối rối. Trong phát ngôn mới nhất, cơ quan đầu não bóng đá thế giới chỉ thể hiện thái độ ủng hộ nước chủ nhà World Cup 2022 một cách chung chung: “FIFA vẫn duy trì liên lạc thường xuyên với Qatar”. 
 
Chính trị vốn không phải vấn đề với FIFA khi họ từng quyết đưa World Cup 1978 về Argentina, thời điểm nước này đang được điều hành bởi chế độ độc tài Jorge Rafael Videla. Nhưng lần này, cuộc khủng hoảng chính trị đã lan rộng trên tầm quốc tế. FIFA có quyết tâm giữ World Cup 2022 tại Qatar cũng không dễ nếu không có sự ủng hộ của các liên đoàn thành viên.
 
Điều chắc chắn, cuộc phong tỏa nhiều mặt của vùng vịnh với Qatar sẽ vô cùng nguy hại nếu kéo dài. Quốc gia chủ nhà World Cup 2022 sẽ đặc biệt gặp khó trong tiến trình xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút tài trợ, tìm nguồn lực tài chính. Hy vọng quãng thời gian 5 năm có thể giúp các bên hàn gắn để bảo toàn ngày hội World Cup.
 
33 giải đấu bị ảnh hưởng
Nếu World Cup 2022 là câu chuyện của 5 năm nữa, thì ngay trong năm 2017 này Qatar sẽ gặp rắc rối lớn với các sự kiện thể thao mà họ tổ chức. Cụ thể từ giờ tới hết năm 2017 Qatar còn phải đăng cai 33 giải đấu tầm cỡ quốc tế. Nguy cơ đổ bể là không nhỏ khi làn sóng tẩy chay đang lên cao. Điển hình là giải vô địch bóng chuyền trẻ vùng Vịnh sẽ diễn ra vào tháng 7 tới, và ngay sau đó là giải bowling trẻ vùng Vịnh cũng trong tháng 7.
 
200 - Qatar dự tính phải chi tổng cộng 200 tỷ USD vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho World Cup 2022.
0 - Chưa có sân nào trong 12 sân dự kiến đăng cai World Cup 2022 đủ điều kiện tổ chức vào thời điểm này. 8 trong số đó mới chỉ là các dự án nằm trên giấy.
  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...