Ngày 14-1, U23 Việt Nam sẽ bước vào tranh tài ở bảng D VCK U23 châu Á. Cơ sở nào để kỳ vọng thầy trò HLV Miura sẽ làm nên bất ngờ?
Công Phượng cùng các đồng đội hoàn toàn có thể tạo bất ngờ ở VCK U23 sắp tới - Ảnh: Minh Tuấn
1. Tập trung dài ngày
Quá trình tích lũy thể lực sau 1 tháng tập trung của U23 Việt Nam đã cho thấy những kết quả tích cực
HLV Toshiya Miura công bố danh sách triệu tập từ ngày 25-11 và toàn đội có buổi tập đầu tiên vào ngày 2-12. Tính từ thời điểm đó thì U23 Việt Nam đã trải qua hơn 1 tháng chuẩn bị cho VCK U23 châu Á. Đây là quãng thời gian rất dài, đủ để HLV Miura cùng các học trò chuẩn bị mọi yếu tố cần thiết cho giải đấu như chiến thuật, thể lực, các phương án ăn ở, di chuyển trong thời gian ở Doha (Qatar).
Thực tế, các tuyển thủ cũng cho thấy sự cải thiển rất lớn sau quãng thời gian tập huấn, đặc biệt trên khía cạnh thể lực. Tập trung dài ngày cũng là phương án U23 Nhật Bản đã lựa chọn trước thềm VCK U23 châu Á. Để hoàn thành mục tiêu lọt vào top 3 nhằm có vé dự Olympic Rio 2016, đội bóng này đã hội quân từ tháng 11/2015.
2. Các nhân tố mới
Sự xuất hiện của những nhân tố mới như Xuân Trường sẽ thúc đẩy tính cạnh tranh tại U23 Việt Nam
So với vòng loại U23 châu Á cũng như SEA Games 28 vừa rồi thì U23 Việt Nam có khá nhiều gương mặt mới như Văn Thành, Đông Triều, Xuân Trường, Tuấn Tài. Đây đều là những gương mặt nổi bật của bóng đá trẻ Việt Nam nhưng chưa có duyên trong các đợt tập trung trước vì chấn thương.
Đông Triều là phát hiện đầy thú vị với khả năng công thủ toàn diện dù được xếp đá ở bất cứ vị trí nào. Xuân Trường nhiều khả năng sẽ có suất đá chính ở hàng tiền vệ. Tuấn Tài và Văn Thành hứa hẹn sẽ là những quân bài dự phòng chiến lược trên mặt trận tấn công.
Sự có mặt của những cầu thủ này cũng thúc đẩy sự cạnh tranh suất đá chính, buộc những Đức Huy, Duy Mạnh, Thanh Bình phải nỗ lực tối đa nếu không muốn ngồi dự bị.
3. Đối thủ trên cơ
U23 Australia (áo vàng) là một trong những đối thủ mạnh của chúng ta tại vòng bảng
Ở VCK U23 châu Á sắp tới, U23 Việt Nam nằm ở nhóm hạt giống số 4. U23 Australia, U23 Jordan hay U23 UAE đều là những đối thủ được đánh giá cao hơn hẳn chúng ta. Tuy nhiên, chính điều này lại là... lợi thế cho các học trò của HLV Miura. Cần nhớ rằng, mỗi khi bị đặt vào thế cửa dưới, các đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Miura đều chơi rất hay.
Nguyên nhân là bởi HLV Miura là tín đồ của lối chơi phòng ngự - phản công. Trước những đội bóng trên cơ, lối đá này sẽ phát huy tối đa tác dụng. Chắc chắn, đây sẽ là lối chơi chủ đạo của U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á.
4. Lịch sử "Thử xịt, đốt kêu"
Trước lên đỉnh vinh quang tại AFF Cup 2008, ĐTVN cũng từng thi đấu bết bát trong các trận giao hữu
U23 Việt Nam cọ sát rất nhiều trước thềm VCK U23 châu Á 2016. Các cầu thủ trẻ của chúng ta đã có tổng cộng 4 trận giao hữu (Cerezo Osaka, B.Bình Dương, U23 Yemen, U23 Nhật Bản) và 2 trận đá tập (JFL Selection). Đây đều là những đối thủ mạnh và dù không thể thắng trận nào, HLV Miura vẫn tỏ ra hài lòng với những gì các học trò đã thể hiện.
Ông cho rằng, chính những sai sót trước các đội bóng có chuyên môn cao sẽ giúp các cầu thủ vỡ ra nhiều điều trước giải đấu chính. Câu chuyện "thử xịt, đốt kêu" cũng không quá lạ lẫm với NHM bóng đá Việt Nam. Trong chuỗi trận giao hữu trước thềm AFF Cup 2008, ĐTVN dưới thời HLV Henrique Calisto cũng không thắng trận nào với 4 hòa và 6 thua.
Mọi thứ thay đổi hoàn toàn khi bước vào AFF Cup diễn ra, để rồi phần còn lại là lịch sử.