Đội tuyển Long An giới thiệu áo đấu mùa bóng mới
Kappa “tổng tấn công” vào V-League
Gần như đồng thời, hãng thời trang Kappa vốn lâu nay gắn bó với các đội Hà Nội T&T và SLNA nay đã công bố bản hợp đồng tài trợ trang phục cho B.BD và ĐT.LA. Những bản hợp đồng giá trị hàng tỷ đồng và các đội bóng sẽ được mặc trang phục của một hãng thời trang tương đối nổi tiếng trong cả mùa giải. Với B.BD, đội bóng này sẽ có nhiều thuận lợi khi bước ra đấu trường AFC Champions League vào năm tới.
Nên nhớ rằng, ở các giải đấu cấp châu lục, vấn đề thương quyền, trong đó có trang phục luôn được nhà tổ chức đặc biệt quan tâm. Cũng chính vì điều này mà Kappa sau nhiều năm gắn bó với Hà Nội T&T - đội bóng thường xuyên thi đấu quốc tế - đã quyết định gá duyên với B.BD. Một cuộc hôn nhân mà cả hai bên đều có lợi.
Kappa đang cho thấy ưu thế và sự nhanh nhạy của mình khi ào ạt tấn công vào V-League. Đối thủ của họ là một thương hiệu khá nổi tiếng ở trong nước nhưng đã quyết định mua thương quyền của một hãng thời trang nước ngoài, đó là Động Lực. Với nhãn hiệu trang phục Mitre, Động Lực cũng đã có được bản hợp đồng với FLC Thanh Hóa. Họ cũng đang lên kế hoạch tiếp cận và tài trợ trang phục cho hàng loạt đội bóng khác.
Ngoài ra, có ít nhất hai hãng thời trang quốc tế khác cũng đang tìm cơ hội tài trợ cho các đội bóng ở V-League. Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, bản hợp đồng sẽ sớm được công bố vào cuối năm nay.
Không chỉ là tiền
Với nhiều đội bóng, hạng mục tài trợ trang phục có ý nghĩa rất lớn. Họ không những được cung cấp toàn bộ trang phục thi đấu, tập luyện mà còn có thêm nguồn thu đáng kể về tài chính. Nhưng tại V-League, trước khi các hãng thời trang nhập cuộc, các đội bóng phải chi khá nhiều tiền cho việc mua trang phục thi đấu, tập luyện.
Tính riêng, số tiền để một đội bóng tầm tầm chi cho trang phục có thể lên đến 1 tỷ đồng/năm. Nếu tính thêm tuyến trẻ và mua trang phục của những hãng thời trang nổi tiếng thì số tiền phải chi ra sẽ lớn hơn rất nhiều.
Có nhà tài trợ trang phục, các đội bóng sẽ bớt đi một khoản chi đáng kể trong mùa giải. Nhưng, vấn đề đôi khi còn quan trọng hơn tiền bạc bởi các đội bóng sẽ hướng đến sự chuyên nghiệp sau bản hợp đồng đã kí với đối tác. Họ phải làm thương hiệu, tổ chức bán hàng để đáp ứng tiêu chí của nhà tài trợ.
Và từ việc khai thác giá trị thương quyền của hoạt động bóng đá, các đội bóng sẽ có thêm kinh nghiệm và động lực để kiếm tiền. Đầu tiên là việc, họ có thể cộng tác với các nhà tài trợ trang phục bán quần áo, đồ lưu niệm nhằm có thêm doanh thu. Những việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại mang đến thay đổi vô cùng lớn về tư duy phát triển bóng đá chuyên nghiệp.
Theo báo Bóng đá