Bên cạnh những thành công xuất sắc của các VĐV Ánh Viên ở môn bơi lội, Quách Thị Lan ở môn điền kinh, Thạch Kim Tuấn ở môn cử tạ… tại Asiad 17, hay việc xạ thủ Hoàng Xuân Vinh lập kỷ lục thế giới ở môn bắn súng, cũng như các VĐV khuyết tật Võ Thanh Tùng và Lê Văn Công thi đấu xuất sắc tại Asian ParaGames, 2014 là năm thể thao đáng quên và cũng đáng ghi nhớ, mở đầu bằng sự kiện rút lui quyền đăng cai Asian Games 18 của Việt Nam vào phút chót và khép lại vào dịp cuối nằm bằng sự kiện Đại hội TDTT toàn quốc diễn ra trong sự thờ ơ của người dân và nỗi băn khoăn về giá trị sử dụng của các công trình thể thao trị giá nghìn tỷ đồng thời hậu Đại hội; trước đó là việc tuyển bóng đá nữ Việt Nam thất bại trong việc giành quyền tham dự World Cup bóng đá nữ 2015, hay tuyển bóng đá nam thất bại cay đắng ở trận bán kết lượt về AFF Cup, những vụ tiêu cực bóng đá liên tiếp xảy ra đi kèm theo án tù và tù treo cho các cầu thủ dính chàm…
Đề án tổ chức Asiad 18 vào năm 2019, do Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch xây dựng, chưa đệ trình Chính phủ phê duyệt, vẫn giữ nguyên mức kinh phí 150 triệu USD. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều con số khi được nêu lên, người dân hẳn có cơ sở để lo ngại. Và ngay cả khi Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định Việt Nam đã đạt được 80% số đầu công trình phục vụ việc tổ chức Asiad, thực tế cũng không hoàn toàn như vậy. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nêu rõ: “Đứng về mặt số lượng thì đạt được 80%, nhưng số tiền để duy tu, nâng cấp, sửa chữa vào khoảng 2.600 tỉ đồng. Còn tiền để đầu tư xây mới cần trên 3.000 tỉ nữa. Trong đầu tư mới, ngân sách địa phương là 2100 tỷ đồng, còn lại là ngân sách trung ương. Trung bình 5 năm tới, mỗi năm sẽ phải đầu tư 1200 tỷ đồng cả TƯ và địa phương, nhưng mức đầu tư này là khả thi, không ảnh hưởng tới cân đối vĩ mô, không làm tăng dư nợ.”
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ, sau cuộc họp với các bộ ngành liên quan, là: Việt Nam rút đăng cai ASIAD 18 dự kiến diễn ra vào năm 2019.
Việc Đại hội TDTT toàn quốc được tổ chức với dịp cuối năm, trùng với thời điểm diễn ra giải vô địch bóng đá Đông Nam Á - AFF Cup 2014, khiến sự kiện Đại hội được đầu tư tới 2000 tỷ đồng nhưng diễn ra trong cảnh dư luận thờ ơ.
Điều đáng nói hơn ở Đại hội không chỉ là tình trạng chất lượng chưa tương xứng, vẫn tồn tại vấn đề các đơn vị chạy theo thành tích ảo, thuê mượn VĐV dẫn tới việc quản lý nhân sự lỏng lẻo, để xảy ra những hình ảnh không đẹp tại Đại hội... mà còn là nỗi băn khoăn về giá trị sử dụng của các cơ sở hạ tầng thời hậu Đại hội. Không thể không xót xa khi nhà thi đấu đa năng tỉnh Nam Định, được xây dựng với tổng vốn 854 tỉ đồng, với 4.000 chỗ ngồi, thế nhưng lại tồn tại cảnh cả khán đài mênh mông chỉ có… 1 người ngồi. Nhà thi đấu Thái Bình mới khánh thành với số vốn 650 tỉ đồng ngay ngày thi đấu đầu tiên đã… dột, khiến VĐV trượt chân chấn thương và nhà thầu bỏ thêm 300 triệu để chống dột.
Bên cạnh việc tổ chức Đại hội kéo dài trong 2 năm, ngành TDTT cần xem xét cả quy định sử dụng VĐV tài năng, tránh việc VĐV Ánh Viên được ví như "tài sản quốc gia" bị vắt kiệt sức ở các nội dung thi đấu, để rồi mang về 17/18 HCV của đoàn Quân đội qua đó đứng nhất toàn đoàn ở môn bơi lội.
Ngành TDTT Việt Nam cần cởi mở, công khai trong việc đánh giá thành công và thất bại của đoàn TTVN tại Asian Games 17, ở Incheon, Hàn Quốc. Chúng ta có quyền tự hào về nỗ lực của các VĐV, HLV trong từng môn thi đấu. Nếu không có VĐV gốc Nigeria nhập tịch Bahrain, Quách Thị Lan đã có thể mang về tấm HCV cự ly 400m nữ. Nếu điều chỉnh trạng thái tâm lý tốt, Bùi Thị Thu Thảo đã có thể giành HCV ở môn nhảy xa.
Chúng ta đã giành được những tấm HCB bất ngờ ở đua xe đạp nữ, rowing, cũng như chứng kiến Ánh Viên lần đầu tiên đem về 2 tấm HCĐ Asian Games trên đường đua xanh, hay Phan Thị Hà Thanh giành HCB môn TDDC nữ… Nhưng, không thể phủ nhận sự thật là đoàn TTVN chỉ giành 1 tấm HCV wushu của Dương Thúy Vy, thay vì giành 2-3 HCV tại Đại hội như lời hứa của Trưởng đoàn TTVN Lâm Quang Thành trước lãnh đạo Chính phủ trong lễ xuất quân.
Sự thật rành rành là Việt Nam chỉ giành 1 HCV, đứng dưới Myanmar có 2 HCV, thua xa Indonesia - 4 HCV, Malaysia và Singapore - 5 HCV và càng tụt hậu so với Thái Lan - 12 HCV. Rõ ràng, thước đo huy chương tại Asian Games cho thấy sự khác biệt về chiến lược đầu tư và phát triển thể thao của các nước khu vực so với Việt Nam, và việc ganh đua HCV SEA Games đã không còn chứng minh sức mạnh thể thao đích thực của từng nước.
Trong năm qua, khi NHM chỉ vừa lấy lại cảm hứng xem bóng đá Việt, nhờ những màn trình diễn đẹp mắt của đội U19 quốc gia, đội Olympic Việt Nam tại Asian Games và ĐTQG tại AFF Cup, nó sớm bị dập tắt bởi 2 sự kiện bán độ bóng đá của 2 nhóm cầu thủ tại 2 đội bóng khác nhau trong vòng 3 tháng, cũng như tình trạng đội bóng bỏ giải trở thành căn bệnh cố hữu qua từng mùa. Nỗi thất vọng với bóng đá nam nước nhà có thể hình dung rõ ràng nhất qua việc Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam tuyên bố mời cơ quan công an vào điều tra trận thua của tuyển Việt Nam trước Malaysia tại sân Mỹ Đình. Và rồi LĐBĐ Việt Nam tự tin đưa ra chiến lược sử dụng lứa cầu thủ U19 tham dự SEA Games sắp tới tại Singapore, nhằm hướng đến chức vô địch ở SEA Games 2017.
Năm thể thao 2014 sẽ chính thức khép lại sau hôm nay. Để nói ngắn gọn về thể thao nước nhà trong 12 tháng đã qua, người ta chỉ có thể thừa nhận: "Sốc vì thất vọng hơn bất ngờ bởi thành công!"./.