Từ bao đời, ước nguyện của những ngư dân trước mỗi chuyến đi biển là cầu trời cho sóng yên, biển lặng. Bởi ra ngoài khơi cũng đồng nghĩa là đối mặt với bao khó khăn, vất vả và cả hiểm nguy. Những giọt mồ hôi mặn chát của ngư dân đã hòa chung vào vị mặn của biển cả mênh mông. Nhóm phóng viên chúng tôi đã có dịp trải nghiệm một chuyến ra khơi cùng với ngư dân xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy để cảm nhận về cuộc sống nhiều gian truân và không kém phần thi vị.
Tàu cá TB 90022TS chuẩn bị ra khơi
Chúng tôi theo chân những ngư dân của tàu cá TB 90022TS, ngay từ sáng sớm, tại Cảng cá Tân Sơn, huyện Thái Thụy đã nhộn nhịp cảnh trên bến, dưới thuyền. Các tàu cá tất bật chuẩn bị mọi nhu yếu phẩm cần thiết như: Đá lạnh, dầu, nhớt, thực phẩm, nước ngọt… cho chuyến ra khơi. Và một việc không thể thiếu đó chính là thay mới những lá cờ Tổ quốc trên mỗi con tàu.
Đúng 7 giờ sáng, tàu cá TB 90022TS do ông Nguyễn Đăng Năng là chủ tàu kiêm thuyền trưởng nổ máy, bắt đầu hành trình ra biển đánh bắt cá. Ra khơi cùng ông chuyến này còn có 9 ngư dân khác. Như thông lệ ngàn đời nay, trước khi ra khơi, ngư dân nơi đây tiến hành nghi thức làm lễ tạ thần biển để cầu mong một chuyến đi “ Thuận buồm, xuôi gió”. “Mỗi chuyến đi như thế này, chúng tôi phải chuẩn bị dầu, đá và các thực phẩm, đảm bảo sinh hoạt trên tàu phải đầy đủ gần như ở trong đất liền vậy. Ông cha để lại cái nghề này là cứ phải đeo đuổi, bám biển để sản xuất, đảm bảo cuộc sống gia đình, phát triển kinh tế - xã hội.”Ông Nguyễn Đăng Năng cho biết.
Thu hoạch từ mẻ lưới đầu tiên
9 giờ sáng, đội tàu ra đến ngư trường truyền thống, mẻ lưới đầu tiên nhanh chóng được các ngư phủ thả xuống biển. Sau khi mẻ lưới đã được thả hoàn tất thì cũng là lúc các thành viên trên tàu được thư thả nhất. Đây cũng là thời điểm làm cơm, chuẩn bị cho bữa ăn đầu tiên trên tàu. Trên buồng lái lúc này, thuyền trưởng Nguyễn Đăng Năng khéo léo điều khiển con tàu đi đúng luồng lạch, liên hệ với những bạn tàu khác để tìm hiểu tình hình về ngư trường, luồng cá trong ngày. Còn dưới hầm tàu, người thợ máy kiểm tra máy chạy có chỗ nào trục trặc không. Mỗi người một việc, họ vừa làm vừa trò chuyện rất rôm rả.
Lão ngư Đỗ Hữu Dừa ( thôn Vạn Xuân Nam, xã Thụy Xuân) năm nay đã ở cái tuổi 63. Ông có gần 50 năm đi biển, bởi với ông biển dường như đã ngấm sâu trong từng hơi thở, trong máu thịt của mình. Với những người như ông, biển không chỉ là nơi gắn bó nghề nghiệp mưu sinh mà đã trở thành hồn cốt quê hương. Mỗi chuyến ra khơi với bạn thuyền, ông cảm thấy như được trở về với ngọn gió, con sóng của biển cả quê hương.
Bữa cơm trên thuyền do ông Dừa chuẩn bị cũng tươm tất không kém so với lúc ở đất liền
Ông Đỗ Hữu Dừa vui vẻ kể: “ Nghề biển này, mình từ ngày bé đã đi rồi, đi từ hồi hợp tác xã, rồi chia nhỏ ra đi đánh giã, trước kia tôi toàn đi đánh đèn thôi. Trong vị trí tàu, anh em cũng tự sắp xếp công việc. Nếu là thanh niên thì làm những việc mạnh khỏe. Tôi đây già thì vào nấu nồi cơm, phục vụ hậu cần cho anh em. Mình còn sức khỏe thì vẫn cứ đi thôi.”
Sau 5 tiếng thả lưới, 14 giờ chiều, mẻ lưới đầu tiên bắt đầu được kéo lên. Khi những tấm lưới được thu dần cũng là lúc những con cá đầu tiên đã thấp thoáng hiện. Nụ cười hiện hữu trên khuôn mặt tất cả mọi người, báo hiệu một mẻ lưới thành công. Từ mẻ cá đầu tiên đến mẻ cá cuối cùng được đổ tràn trên khoang, mọi người ai cũng mệt lả nhưng niềm vui của sự khởi đầu bội thu đã đánh tan đi những vất vả trên khuôn mặt mỗi người. Họ nhanh chóng thu lưới, kiểm tra lưới và chuẩn bị cho lần thả lưới tiếp theo.
Các ngư phủ phân loại, cất trữ thành quả của mình
Sau khi lưới đã được thả cũng là lúc các ngư phủ trên tàu cùng nhau phân loại và xử lý cá, đưa vào cất trữ để đảm bảo chất lượng đợi khi về bến có thể bán được giá. Vừa thoăn thoắt nhặt cá cùng mọi người, ông Nguyễn Đình Dũng (xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy) chia sẻ: “ Nghề biển của chúng tôi, cứ mẻ cá nào kéo lên nó được nhiều là vui rồi. Còn mẻ nào nó được ít hoặc trục trặc thì khi ấy buồn. Xong công việc, anh em ngồi quây quần cơm nước, câu trò, câu chuyện là vui thôi, dù làm thì không kể thức cả đêm, cả ngày vất vả.”
Bao đời nay, ngư dân Thái Thụy luôn gắn phận mình với sóng gió ngoài biển khơi. Biển nuôi nấng, che chở cho họ với những mùa về tôm, cá đầy khoang nhưng cũng có những lúc biển cũng mang lại những nỗi buồn, tiếng thở dài khi những mẻ lưới không đạt như kỳ vọng, hay những chuyến ra khơi gặp nhiều bất trắc. Biển là thế và cảm xúc của họ cũng vơi đầy theo từng mẻ lưới.
Sau mẻ lưới đầu tiên thành công, đến khi mẻ lưới thứ hai gần thu lưới thì sự cố bất ngờ xảy ra: Lưới kéo nối với tàu bị đứt cả hai đầu dây. Trong lúc cố kéo giã lưới thì lại thêm sự cố, chão quấn chân vịt tàu. Các thành viên lại vội vã lao vào xử lý để kịp thời kéo lưới lên thuyền.
Có cùng trải nghiệm những chuyến đi biển với họ mới thấy được nỗi vất vả của những ngư dân nơi đây. Khi họ phải lênh đênh cùng con sóng, phải làm việc quần quật nhiều ngày liền với nắng, với gió và sóng dữ trong đêm tối mịt mùng. Nguồn hy vọng lớn nhất với họ chính là những mẻ lưới trĩu tay bởi trên vai họ còn gánh nặng gia đình, sinh kế của bao nhiêu người.
Nghề đánh bắt xa bờ vất vả nhưng nghề biển gần bờ cũng không ít truân chuyên. Do đó, để giữ “bạn” đi biển với những chủ tàu cũng là vấn đề khó khăn. Vẫn biết nghề đi biển khổ trăm bề, nhưng sinh ra ở miền biển với họ đi biển không chỉ là mưu sinh, giữ nghề truyền thống của cha ông mà ở trên biển họ cảm nhận rất rõ về quê hương, về Tổ quốc của mình. Ông Nguyễn Đăng Năng nói: “ Ông cha mình để lại cái nghề này trước hết là mưu sinh, thứ hai là mình bám biển để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Mình luôn cầu mong cho nó được yên bình thôi.”
Cùng cảm xúc như ông Năng, ông Nguyễn Đình Dũng nói vui: “ Mấy năm nay, Nhà nước quan tâm ngư dân để đi ra giữ biển, đảo. Nói chung là biển Việt Nam càng đông thuyền thì có tàu nước khác người ta đến, người ta trông thấy tàu Việt Nam đông là người ta kinh rồi.”
Sau hai ngày lênh đênh trên biển, đôi tàu của ông Nguyễn Đăng Năng cũng cập bến an toàn. Họ lại trở về với đất liền, với gia đình và nghỉ ngơi tiếp tục cho những chuyến ra khơi tiếp theo. Thuyền về. Thuyền ra. Bến cá vẫn tấp nập, nhộn nhịp.
Cảng cá Tân Sơn luôn đông đúc, tấp nập các đội thuyền vươn khơi, bám biển
Đồng hành với những ngư dân trên mỗi dải biển quê hương là những người lính mang quân hàm xanh. Thiếu tá Trần Duy Hùng – Phó đồn trường Đồn Cửa khẩu cảng Diêm Điền, huyện Thái Thụy cho biết: “ Trong thời gian qua, ngư dân ra khơi bám biển rất tích cực, thường xuyên. Đảng ủy, Chỉ huy Đồn đã có những chương trình phổ biến pháp luật cho ngư dân nắm được về chủ quyền biển, đảo của mình và thấy được lợi ích phát triển kinh tế biển. Qua đó, nhiều ngư dân thấy được việc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển cũng như việc khai thác thủy hải sản đúng theo quy định của pháp luật. Ngư dân cũng cung cấp cho Bộ đội Biên phòng rất nhiều nội dung cần thiết trong vùng an ninh biên giới biển của tỉnh và quốc gia.”
Người dân vùng biển, đời này nối tiếp đời kia, dựa vào biển để mưu sinh. Dường như biển đã ngấm sâu trong máu thịt của ngư dân. Hương vị mặn mòi của biển và sự chịu thương, chịu khó của người ngư dân miền biển đã tạo nên nét riêng của những con người gắn bó cuộc đời mình với sóng nước mênh mông. Với họ biển là nhà, biển là quê hương.
Hồng Điệp
Chiều ngày 30.11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 8.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 29.11, Quốc hội họp phiên toàn...
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 28.11, Quốc hội tiến hành thảo...
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...