Việt Nam sử dụng mọi biện pháp pháp lý để bảo vệ chủ quyền

Chủ nhật, 06/07/2014 | 12:56:40
1,329 lượt xem

Người phát ngôn Lê Hải Bình khẳng định: Tìm thời điểm thích hợp kiê%3ḅn Trung Quốc ra Tòa án quốc tế sẽ mang lại cho Việt Nam lợi ích cao nhất.

Việt Nam đang xem xét thời điểm phù hợp để kiện Trung Quốc 

Trong cuộc họp báo thường kỳ được tổ chức chiều 3/7 tại Hà Nội, bên cạnh việc thông tin về các hoạt động đối ngoại của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã dành phần lớn thời gian để trả lời câu hỏi của các nhà báo liên quan đến tình hình, diễn biến tại Biển Đông thời gian qua.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc khởi kiện Trung Quốc sẽ diễn ra vào thời điểm nào, ông Lê Hải Bình cho biết: Việt Nam đã nhiều lần khẳng định sẽ sử dụng mọi biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông. Biện pháp pháp lý là một biện pháp hòa bình, văn minh được Hiến chương của Liên Hợp Quốc ủng hộ, vì vậy, Việt Nam không loại trừ sử dụng các biện pháp pháp lý. Như các lãnh đạo của Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam đang cân nhắc kỹ lưỡng về thời điểm.

Ông Lê Hải Bình cũng khẳng định: Thời điểm thích hợp là thời điểm sẽ mang lại cho Việt Nam lợi ích cao nhất để đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình.

Tổng Bí thư: “Ngư dân còn bám biển là Tổ quốc còn chủ quyền”

Ngày 3/7, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Bình Thuận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra thăm huyện đảo Phú Quý. Tổng Bí thư mong rằng huyện Phú Quý cần tiếp tục phát huy thế mạnh vươn khơi, bám biển, trong đó nhấn mạnh: “Đánh bắt xa bờ là chủ trương chiến lược. Muốn đánh bắt xa bờ tốt phải có phương tiện tốt, tổ chức công việc tốt, tổ chức hợp tác liên doanh, có nghiệp đoàn, có chế biến, có dịch vụ đi kèm, tổ chức tốt thì mới làm được. Đánh bắt xa bờ phải kết hợp với bảo vệ độc lập chủ quyền của Tổ quốc, bảo vệ môi trường, bảo vệ ngư trường của chúng ta”.

 

Tổng  Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng quà ngư dân Phú Quý (Ảnh: Vũ Duy)

Trước đó, trong 2 ngày 30/6 và 1/7, tiếp xúc cử tri Hà NộiTổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chia sẻ những ý kiến cử tri trước việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Tổng Bí thư cũng cho biết chúng ta phải đấu tranh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp trên nhiều mặt với tinh thần bình tĩnh, tỉnh táo, kiềm chế, kiên quyết, kiên trì, phát huy sức mạnh tổng hợp, chứ không thể nhấn mạnh một việc nào. "Nếu sai một ly đi một dặm”.

Chủ tịch nước thăm và động viên lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển và ngư dân

Ngày 1/7, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới thăm, tặng quà và động viên các lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam. Chủ tịch nước biểu dương và đánh giá cao những hoạt động của lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam trong 2 tháng qua, đồng thời, lưu ý đây là công việc hết sức nặng nề và mang tính chất phức tạp, lâu dài, do đó các lực lượng phải chủ động chuẩn bị mọi phương án để trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào cũng phải hoàn thành nhiệm vụ.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang động viên gia đình ngư dân Huỳnh Thị Như Hoa (Ảnh: Hoàng Dũng)

Tiếp đó, ngày 2-3/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã vào Đà Nẵng, trực tiếp đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho bà con ngư dân và Chi đội Kiểm ngư số 3 thuộc Chi cục Kiểm ngư Vùng 2 cùng các cán bộ chiến sĩ tàu cảnh sát biển 2012, 2015 vừa trở về từ hiện trường đấu tranh phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển của nước ta.

Thủ tướng: Kiên quyết không chấp nhận sự đe dọa, áp đặt nào

Chiều 2/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng đã tiếp xúc với đông đảo cử tri quận Ngô Quyền. Liên quan đến vấn đề Biển Đông được nhiều cử tri quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Việt Nam chúng ta chịu quá nhiều đau thương, mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược. Chúng ta tha thiết, mong muốn và làm hết sức mình để có hòa bình, hữu nghị với Trung Quốc, với tất cả các nước, với tất cả các quốc gia để xây dựng, phát triển đất nước, chăm lo, cải thiện đời sống nhân dân, nhưng hòa bình, hữu nghị phải trên cơ sở đảm bảo độc lập, tự chủ, chủ quyền thiêng liêng  của Tổ quốc. Chúng ta kiên quyết, khẳng định không chấp nhận, không khuất phục một sự đe dọa, một sự áp đặt, một sự lệ thuộc nào. Chúng ta đã làm như vậy, đang làm như vậy và sắp tới tiếp tục làm như vậy”.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc cử tri quận Ngô Quyền, Hải Phòng (Ảnh: N.B)

Đánh giá các nguy cơ trong quan hệ với Trung Quốc

Trong hai ngày 30/6 và 1/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 trực tuyến với lãnh đạo tất cả các địa phương nhằm đánh giá tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm, đồng thời xác định các biện pháp tập trung chỉ đạo, điều hành nhất quán trong 6 tháng cuối năm nay.

Phát biểu kết luận phiên họp, trên cơ sở dự báo kinh tế thế giới và trước việc Trung Quốc tiếp tục hạ đặt giàn khoan xâm phạm nghiêm trọng vùng biển của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương bám sát tình hình, dự báo mọi tình huống trên tất cả các lĩnh vực để chủ động tính toán các biện pháp, phương án cụ thể ứng phó, xử lý kịp thời và hiệu quả trong bất cứ tình huống nào.

Trung Quốc cũng phải lệ thuộc vào kinh tế Việt Nam

Tại hội thảo “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau” ngày 3/7, bài phát biểu của TS Lê Đăng Doanh có nhiều điểm khá thẳng thắn, đáng chú ý. Theo TS. Lê Đăng Doanh, Việt Nam “đang có và sẽ tiếp tục quan hệ với Trung Quốc vì đó là công xưởng của thế giới và là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới”.

“Không nên than phiền việc chúng ta là láng giềng của Trung Quốc. Nếu ta ở giữa Thái Bình Dương, với quy mô kinh tế thế này thì chẳng ai quan tâm? Thế giới quan tâm vì chúng ta nằm ở phía nam Trung Quốc, độc lập với Trung Quốc và vị trí địa chính trị rất thuận lợi, quan trọng. Chúng ta phải tận dụng lợi thế này chứ không nên than phiền vì ở cạnh Trung Quốc và bị chơi xấu. Đúng là anh bạn này chơi xấu thật nhưng chúng ta phải biết tìm cách phát huy lợi thế” – ông Doanh nói.

Đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 kết thúc an toàn

Trong 2 ngày 4-5/7, đợt 1 kỳ thi tuyển sinh Đại học, cao đẳng năm 2014 đã kết thúc. Theo báo cáo nhanh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đợt 1, cả nước có trên 591.000 thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ 77,04% so với hồ sơ đăng ký dự thi. Kết thúc 3 buổi thi, trên phạm vi cả nước, có 73 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật, trong đó 22 thí sinh bị khiển trách, 3 thí sinh bị cảnh cáo, 48 thí sinh bị đình chỉ thi, 8 trường hợp đến muộn không được dự thi.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề thi không có sai sót, được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu. Các Hội đồng tuyển sinh thực hiện nghiêm túc quy định của Quy chế thi tuyển sinh; không khí trường thi trật tự, an toàn. Các vi phạm Quy chế tuyển sinh được phát hiện, xử lý nghiêm túc, kịp thời.    

Đánh giá về công tác tổ chức thi của các trường, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, Trưởng ban Chỉ đạo thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2014 cho biết: “Năm nay, số lượng thí sinh vi phạm giảm so với các năm, nhưng vẫn còn khá nhiều em mang điện thoại di động vào phòng thi dẫn đến bị đình chỉ thi, mặc dù điều này Bộ cũng đã nhắc nhở rất nhiều và các hội đồng thi đã cảnh báo”.

 

Thí sinh trao đổi sau khi thi xong (Ảnh: PV)

Động đất lại liên tiếp xảy ra ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2

Sáng sớm ngày 5/7, tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam lại xảy ra động đất kép, với hai trận động đất phát ra tiếng nổ lớn và gây rung chuyển trong vòng 29 giây.

Hai trận động đất xảy ra dồn dập vào lúc 4h46’ làm nhà cửa chao đảo, khiến nhiều người dân vùng núi Bắc Trà My hoảng sợ chạy ra khỏi nhà. Theo công bố của Viện Vật lý địa cầu, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 2 trận động đất cách nhau 29 giây xảy ra liên tiếp tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Trận động đất thứ nhất xảy ra lúc 4h 46’30’’, mạnh 1,6 độ richter, độ sâu chấn tiêu 6 km; trận thứ hai lúc 4h 46’ 59’’, cường độ 2,7 độ richter, độ sâu chấn tiêu chỉ 5,5 km.

Cũng theo Viện Vật lý địa cầu, trong chiều 4/7, tại khu vực huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam cũng đã xảy ra một trận động đất mạnh 2.5 độ richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 7 km.

Trước đó, rạng sáng 30/6, tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 cũng liên tiếp xảy ra 2 trận động đất cách nhau chưa đầy 2 phút.         

Hàng nghìn hộ dân Hà Nội dùng nước sinh hoạt nhiễm độc tố asen

Ngày 2/7, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội về công tác quản lý chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố.

Sau khi công bố kết quả kiểm nghiệm các mẫu nước ở các nhà máy và trạm cấp nước, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đã đề nghị thành phố Hà Nội đình chỉ hoạt động của Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 vì có nồng độ Asen trong nước vượt gần 4 lần quy định cho phép.

Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan kiểm tra, khẩn trương khắc phục tình trạng ô nhiễm nước sinh hoạt tại các khu chung cư.

 

Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế kiểm tra chất lượng nước sinh hoạt  (Ảnh: Văn Hải)

>> Nước sinh hoạt nhiễm độc tố Asen - kẻ giết người vô hình

>> 5.000 người dân dùng nước nhiễm Asen: Vô cảm!

Trùng tu di tích bằng cuốc, xẻng: Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc nhận sai phạm

Trước thông tin VOV.VN đưa về việc thi công, hạ giải bằng cuốc, xẻng trong quá trình trùng tu đình Tiên Canh (hay còn gọi là Tiên Hường), thuộc Cụm đình Tam Canh nổi tiếng ở Thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc gây bức xúc trong dư luận, sáng 1/7, đoàn thanh tra của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch do ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh thanh tra Bộ VHTT&DL làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra, xem xét thực tế tại công trình, đồng thời làm rõ vai trò, trách nhiệm của các đơn vị chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, đơn vị thi công trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa đình Tiên Canh.

Thanh tra Bộ VH-TT&DL kiểm tra tại đình Tiên Hường (Ảnh: Hà Phương)

Với tư cách là chủ đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa đình Tiên Canh, Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đã nghiêm túc nhận trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ về những tồn tại, thiếu sót trong quá trình thực hiện dự án./.

Công Hân/VOV.VN (tổng hợp)
  • Từ khóa
Bế mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
Bế mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Chiều ngày 30.11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 8.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...