Thủ hiến bang Arunachal Pradesh - ông Nabam Tuki - phát biểu: “Chúng tôi phản đối và lên án tuyên bố chủ quyền (của Trung Quốc) đối với Arunachal Pradesh. Chúng tôi muốn Chính phủ đàm phán với Trung Quốc để tìm giải pháp cho vấn đề này".
Những tranh cãi liên quan đến bản đồ mới của Trung Quốc xuất hiện khi Phó Tổng thống Ấn Độ Hamid Ansari đang ở Bắc Kinh tham dự các sự kiện kỷ niệm 60 năm ký hiệp định Panchsheel, trong đó có 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Nhiều nước trên thế giới cũng đã lên án tấm bản đồ phi pháp này, cho rằng nó đi ngược lại luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là một bên tham gia.
* Trong một diễn biến khác, Hãng Kyodo dẫn các nguồn thạo tin ngày 27.6 cho biết, Mỹ đã yêu cầu Hàn Quốc không tham gia một dự án của Trung Quốc thành lập một ngân hàng phát triển mới ở Châu Á. Việc Mỹ gây sức ép hậu trường với quốc gia đồng minh ở Đông Bắc Á này, dường như để ngăn chặn nỗ lực mở rộng ảnh hưởng tại Châu Á của Trung Quốc.
Hồi tháng 10.2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á nhằm giúp các nước đang phát triển ở Châu Á xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng. Rất nhiều nước Châu Á đã bày tỏ sự quan tâm tới ngân hàng này mà Trung Quốc cho rằng, sẽ có mức vốn ban đầu là 50 tỉ USD. Tuy nhiên, Trung Quốc đã lảng tránh Mỹ và Nhật, hai nhà đầu tư chính của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).