SỰ KIỆN NỔI BẬT Tuần từ 28/3-3/4/2021

Chủ nhật, 04/04/2021 | 16:40:58
768 lượt xem

1. Quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, từ Nhà Quốc hội đã kết nối 67 điểm cầu các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và mở rộng đến hơn 7.300 điểm cầu cơ sở.  Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nhằm giúp cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và mỗi cán bộ, đảng viên nắm vững nội dung cơ bản, cốt lõi và những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Qua đó, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận cao trong nhân dân, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. 

2. Quốc hội tiến hành công tác nhân sự Nhà nước

Trong tuần làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV bắt đầu xem xét, quyết định công tác nhân sự Nhà nước. Trong đó, tiến hành quy trình miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, một số Phó Chủ tịch Quốc hội; miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ; miễn nhiệm Chủ tịch nước. Được sự tán thành của tất cả 473 đại biểu tham gia biểu quyết, Quốc hội đã bầu ông Vương Đình Huệ làm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Quốc hội cũng đã bầu 3 Phó Chủ tịch Quốc hội là ông Trần Thanh Mẫn; ông Nguyễn Đức Hải và ông Nguyễn Khắc Định. Quốc hội cũng dành thời gian thảo luận tại hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước….

3. Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021 - phiên họp cuối cùng trước khi Quốc hội kiện toàn Chính phủ khóa XIV, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định: Trong Quý I, cả nước đã hoàn thành các mục tiêu quan trọng, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế ước tăng 4,48%. Tuy nhiên, nền kinh tế còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Tổng kết nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tập thể Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã đoàn kết, đồng lòng, phối hợp với các cơ quan trong hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng đưa đất nước tiến lên, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên mọi mặt. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu nghiêm túc học tập, nghiên cứu và triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết trong từng bộ, ngành, địa phương.

4. Lần thứ hai Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ

Trong tháng 4/2021, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo anLiên hợp quốc. Đây là kỳ Chủ tịch thứ hai của Việt Nam trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021.Đây là vinh dự, trọng trách của Việt Nam, cũng là cơ hội ghi dấu ấn Việt Nam với Hội đồng Bảo an nói riêng, cộng đồng quốc tế nói chung.Trong tháng làm Chủ tịch lần này, Việt Nam ưu tiên thúc đẩy 3 chủ đề: Tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực, thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột; khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững - tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn; bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang.

5. Việt Nam tiếp nhận lô vaccine phòng COVID-19 đầu tiên từ COVAX Facility

Ngày 1/4, Việt Nam đã tiếp nhận 811.200 liều vaccine phòng COVID-19 đầu tiên từ COVAX Facility. Số vaccine này sẽ sớm được phân bổ đến các địa phương sau khi có kết quả kiểm định để đưa vào sử dụng tiêm phòng cho người dân. Dự kiến, hơn 3,3 triệu liều vaccine COVID-19 do COVAX hỗ trợ sẽ được cung ứng vào tháng 5, sau đó vaccine sẽ tiếp tục được phân bổ, cung ứng cho Việt Nam vào cuối năm 2021.Về diễn biến của dịch COVID-19, hiện 10 tỉnh, thành phố (Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh) đã qua 48 ngày không ghi nhận ca mắc do lây nhiễm trong nước; Hà Nội đã 45 ngày và Hải Phòng 38 ngày. Riêng tỉnh Hải Dương, từ 0 giờ ngày 1/4, toàn tỉnh đã chuyển sang trạng thái bình thường mới.

 6/ Giải cứu thành công siêu tàu mắc kẹt ở Kênh đào Suez 

Sau một tuần mắc kẹt, ngày 29/3, con tàu container siêu trường siêu trọng Ever Given chặn ngang kênh đào Suez đã được giải cứu thành công. Tàu dài 400m, rộng 59m, có thể chở được đến 224.000 tấn hàng hóa, đã bất ngờ bị mắc cạn vào ngày 23/3 khi tiến vào kênh đào Suez từ Biển Đỏ. Sự cố này khiến hoạt động giao thương đi qua kênh đào dài khoảng 190 km này tê liệt. Sau một tuần chật vật tìm biện pháp giải cứu, đến ngày 29/3, 11 tàu lai dắt đã dần đưa Ever Given khỏi vị trí mắc cạn. Trong quá trình khắc phục sự cố, đội cứu hộ tàu đã nạo vét khoảng 27.000 m3 cát về phía hai bên bờ của kênh đào Suez, xuống độ sâu khoảng 18 m, để tạo lối di chuyển cho con tàu mắc cạn.
 7/ Hội đồng Bảo an LHQ họp bàn tình hình Myanmar 

Tuần qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp thảo luận về tình hình Myanmar bằng hình thức trực tuyến, cuộc họp lần thứ ba về chủ đề này trong hơn một tháng qua.   Đại diện  15 nước thành viên Hội đồng Bảo an bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng leo thang bạo lực, dẫn đến cái chết của hàng trăm dân thường, lên án việc sử dụng bạo lực và yêu cầu các bên giảm căng thẳng, đối thoại để giải quyết vấn đề. Các nước đề cao vai trò của ASEAN, mong muốn các hội nghị của ASEAN tới đây sẽ giúp Myanmar tìm ra giải pháp thỏa đáng. 

8/ Tranh cãi giữa các nước xung quanh báo cáo của WHO về nguồn gốc virus SARS-CoV-2

Cũng trong tuần qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố một bản báo cáo về nguồn gốc của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Báo cáo được đưa ra bởi nhóm nghiên cứu gồm 34 chuyên gia của WHO và Trung Quốc phối hợp tiến hành nghiên cứu từ cuối tháng 1 tại thành phố Vũ Hán, nhận định "có khả năng hoặc rất có khả năng" bệnh lây qua một vật chủ trung gian; "có khả năng" bệnh lây truyền từ các chuỗi thực phẩm đông lạnh; tuy nhiên "cực kỳ ít khả năng" bệnh phát sinh từ một sự cố phòng thí nghiệm.  Trung Quốc đã hoan nghênh báo cáo, song 14 nước, trong đó có Nhật Bản, Mỹ, Australia, Anh, Canada và Hàn Quốc lại bày tỏ quan ngại, kêu gọi "một quy trình nhanh, hiệu quả, minh bạch, trên cơ sở khoa học và độc lập" để đưa ra những đánh giá quốc tế trong trường hợp bùng phát các đại dịch trong tương lai.

9/ Niger ngăn chặn thành công âm mưu đảo chính

Chỉ hai ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống Mohamed Bazoum, Chính phủ Niger cho biết đã ngăn chặn được một âm mưu đảo chính, cho rằng  đây là một hành động hèn nhát, đe dọa đến nền dân chủ và nhà nước pháp quyền. Trước đó, truyền thông địa phương đưa tin có hàng loạt tiếng súng nổ đã phát ra từ khu vực gần Phủ Tổng thống ở thủ đô Niamey khoảng 3h sáng 31/3 (giờ địa phương) và kéo dài trong 30 phút. Lực lượng an ninh đã đáp trả và ngăn nhóm binh sĩ tiếp cận Phủ Tổng thống. Tuyên bố của Chính phủ cho biết tình hình hiện đã được kiểm soát./.

Nguồn TTXVN

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 28.11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...