Ngày 7-11, buổi sáng, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, tiếp tục thảo luận các báo cáo: Công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tối cao năm 2017; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2017. Buổi chiều, QH thảo luận về các báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của QH, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân năm 2017.
Hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng
Thảo luận về công tác PCTN năm 2017, các đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) và nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ nhận diện những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức thực hiện, để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục hiệu quả.
Phát biểu ý kiến giải trình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của T.Ư Ðảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo cơ quan chức năng trong PCTN, kiên quyết thanh tra, kiểm tra phát hiện đưa ra truy tố, xét xử để xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng lớn, xử lý kỷ luật nhiều cán bộ, công chức vi phạm, có cả cán bộ, công chức cấp cao. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, hoàn thiện pháp luật về PCTN, các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính. Sửa đổi quy định về tặng quà và nhận quà, về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. Khắc phục hạn chế của việc chuyển đổi vị trí công tác, hoàn thiện quy định về minh bạch tài sản, thu nhập nhằm kiểm soát chặt chẽ thu nhập và biến động tài sản. Tăng cường thực hiện đề án thanh toán không dùng tiền mặt, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế, rửa tiền. Bên cạnh đó, đổi mới phương thức tuyển chọn cán bộ, tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả những người có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo. Ngăn chặn hiệu quả tình trạng bổ nhiệm người nhà, người thân theo phe nhóm, theo dòng tộc.
Ðồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh việc tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm có nhiều dư luận về tham nhũng, như: đất đai, tài nguyên, khoáng sản, các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT; việc cổ phần hóa doanh nghiệp tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác quy hoạch bổ nhiệm cán bộ… Ðẩy nhanh tiến độ điều tra truy tố xét xử các vụ án kinh tế tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan báo chí và nhân dân trong PCTN.
Khắc phục hạn chế trong hoạt động tư pháp
Các đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Ðà Nẵng), Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) cho rằng, tình hình an ninh trật tự ở một số địa phương tiếp tục diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm nghiêm trọng tăng, Ðề nghị Chính phủ có giải pháp hữu hiệu khắc phục thực trạng này. Nhiều đại biểu cho biết, số lượng vi phạm pháp luật hành chính lớn, nhiều vụ nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự, nhưng không bị xử lý hình sự, mức xử phạt hành chính nhiều trường hợp còn nhẹ, dẫn đến tình trạng “nhờn” luật, hiện tượng “phạt cho tồn tại” còn khá phổ biến. Ðáng chú ý, một số trường hợp hành chính hóa quan hệ hình sự, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm. Về vấn đề này, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm, thường xuyên thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, thiếu sót, không để xảy ra tình trạng lạm dụng tạm giữ hình sự, tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự, bảo đảm thượng tôn pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, một số Viện KSND chưa kiểm sát chặt chẽ, kịp thời việc tiếp nhận giải quyết tố giác tin báo tội phạm, một số trường hợp bị tạm giữ hình sự phải trả tự do hoặc chuyển xử lý hành chính tăng. Tiến độ, chất lượng giải quyết một số vụ án chưa đáp ứng yêu cầu, còn nhiều bị can bị oan trong giai đoạn điều tra, truy tố, phải đình chỉ do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm.
Giải đáp nội dung này, Viện trưởng KSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, năm 2016, có 70 trường hợp oan sai, năm 2017 còn 32 trường hợp oan sai. Tuy nhiên, kết quả này chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, cho nên thời gian tới, ngành kiểm sát tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, chú trọng phân loại đơn khiếu nại và đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án còn tồn đọng, bảo đảm giải quyết kịp thời, không để quá hạn luật định.
Làm rõ nội dung được đại biểu Bùi Văn Cường (Gia Lai) và nhiều đại biểu quan tâm về việc thụ lý, giải quyết tranh chấp những khiếu kiện về bảo hiểm xã hội, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, hiện nay có 102.900 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội của 2,6 triệu người lao động, tương đương 14.700 tỷ đồng, khởi kiện 8.800 vụ, với số tiền 6.000 tỷ đồng, trong đó tòa đã xử 3.986 vụ, nhưng nhiều vụ tòa phải trả hồ sơ do bất cập trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2018, những hành vi gian lận về bảo hiểm xã hội đã được hình sự hóa và cấu thành tội phạm, là cơ sở để cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, đưa ra truy tố, xét xử.
Ðối với thực trạng vi phạm pháp luật của một số thẩm phán, đồng chí Nguyễn Hòa Bình ghi nhận phản ánh của đại biểu, đồng thời cho biết, ngành tòa án tiếp tục đề cao kỷ luật, tăng cường thanh tra, kiểm tra. Tranh luận với Chánh án TAND tối cao, nhiều đại biểu lưu ý, việc thực hiện chủ trương tăng cường áp dụng các hình phạt ngoài tù, như cải tạo không giam giữ, phạt tiền… chưa được quán triệt thực hiện đầy đủ theo đúng tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Ðề nghị ngành tòa án có giải pháp hữu hiệu để khắc phục.
Phát biểu ý kiến tổng kết sau hơn một ngày thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, với quyết tâm chính trị cao, năm 2017, công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác PCTN có chuyển biến tích cực, củng cố niềm tin của nhân dân. Tuy nhiên, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế PCTN; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, phân cấp, phân quyền, xác định rõ chế độ trách nhiệm.
Nỗ lực giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài
Buổi chiều, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo công tác giải quyết KNTC của công dân năm 2017. Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH trình bày Báo cáo thẩm tra và Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết KNTC của công dân gửi đến QH năm 2017.
Thảo luận nội dung này, nhiều đại biểu cho rằng, tuy tình hình KNTC giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp, gay gắt. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai. Ðáng chú ý, một số thế lực đã lợi dụng lôi kéo, kích động công dân tụ tập đông người hoặc có hành vi quá khích, gây ảnh hưởng an ninh, trật tự. Ðại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cho rằng, nguyên nhân là do các cơ quan có thẩm quyền mới chỉ chú trọng trả lời các kiến nghị, đơn thư KNTC để tránh tồn đọng mà chưa quan tâm việc giải quyết hoặc xây dựng lộ trình giải quyết dứt điểm, kiến nghị đơn thư KNTC, dẫn tới số lượng kiến nghị, đơn thư KNTC được trả lời cao nhưng chất lượng giải quyết kiến nghị chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, là tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan chức năng hoặc các cán bộ có thẩm quyền...
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 28.11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội...
Ngày 26.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội họp phiên toàn...
Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...