Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV

Thứ 6, 21/10/2016 | 08:08:54
556 lượt xem

Quốc hội (QH) khóa XIV khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ hai vào ngày 20-10. Đây là kỳ họp cuối năm, với nhiều nội dung quan trọng về công tác xây dựng pháp luật, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

* Các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Trần Đại Quang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thiện Nhân dự
* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp
* Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo của Chính phủ

Đại biểu tham gia lễ khai mạc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV.

Trước phiên khai mạc, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu QH đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó, QH họp phiên trù bị, thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình làm việc của kỳ họp. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị đại biểu QH đã tham gia quyên góp ủng hộ, chia sẻ với đồng bào các tỉnh miền trung đang đối mặt với những khó khăn, vất vả do lũ lụt gây ra.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cùng các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh dự kỳ họp.  Ảnh: Vũ Sơn Tùng (Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnhThái Bình).

Đúng 9 giờ, QH họp phiên khai mạc. Đến dự, có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch QH: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các vị đại biểu khách mời, các vị lão thành cách mạng, các đại biểu QH những khóa trước; đại diện các đoàn ngoại giao, tổ chức quốc tế; đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, thay mặt Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Kỳ họp thứ hai diễn ra trong thời điểm đồng bào miền trung đang nỗ lực khắc phục hậu quả nghiêm trọng do bão lũ gây ra. Quốc hội chia sẻ những khó khăn, mất mát và gửi lời thăm hỏi ân cần đến đồng bào, đồng chí vùng bị nạn; đồng thời, đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành; tinh thần chủ động và nỗ lực cao của cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương đã kịp thời ứng phó trong cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống bão lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục ủng hộ cả về vật chất và tinh thần, khắc phục hậu quả, giúp nhân dân các địa phương bị nhiều thiệt hại sớm ổn định sản xuất và đời sống. 

Tiếp đó, QH nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Theo Báo cáo của Chính phủ, mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; sản xuất, kinh doanh tiếp tục phát triển; tái cơ cấu nền kinh tế đạt một số kết quả; đầu tư khu vực tư nhân chuyển biến mạnh mẽ; niềm tin của xã hội và thị trường tăng lên. Các trung tâm kinh tế lớn tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu tăng trưởng, làm động lực phát triển của các vùng và cả nước; nhiều địa phương khó khăn đã nỗ lực vươn lên. Văn hóa, xã hội có tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được chú trọng. Cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh có tiến bộ. Phòng, chống tham nhũng, lãng phí được chỉ đạo quyết liệt. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, giữ vững thế chủ động chiến lược và chủ quyền quốc gia. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả. 

Tại phiên khai mạc, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước. Theo đó, cử tri và nhân dân cả nước tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước qua việc tập trung triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2021, thực hiện các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp; tích cực khắc phục khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; thực hiện các chính sách an sinh xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền quốc gia; tiếp tục hội nhập quốc tế và đóng góp tích cực vào giữ gìn hòa bình, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân vẫn còn những băn khoăn, lo lắng về một số vấn đề như: Nền kinh tế đất nước phát triển chưa thật sự bền vững, năng suất lao động còn thấp và tăng chậm; việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm; tình trạng ô nhiễm môi trường chưa có nhiều chuyển biến tích cực; tội phạm, tệ nạn xã hội, tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi; ùn tắc giao thông và ngập úng nặng khi có mưa lớn tại thành phố Hà Nội, mưa lớn và triều cường tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác có xu hướng gia tăng ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống của người dân.

Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với thực tế biến đổi khí hậu và quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay; giải quyết tình trạng sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm chưa bảo đảm an toàn; việc sử dụng chất tạo nạc, phụ gia, hóa chất công nghiệp trong chế biến thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Cử tri và nhân dân đánh giá cao việc Chính phủ chỉ đạo xác minh, kết luận, công bố công khai về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hải sản chết hàng loạt do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra; yêu cầu công ty phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả sự cố môi trường và giải quyết đền bù cho người dân; Chính phủ đã hỗ trợ khẩn cấp cho người dân bị thiệt hại ở bốn tỉnh miền trung. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân tiếp tục kiến nghị việc đền bù cần kịp thời, chính xác và minh bạch; các cơ quan chức năng sớm kết luận cụ thể về mức độ an toàn của nước biển, hải sản; tiếp tục khắc phục ô nhiễm môi trường biển; giám sát chặt chẽ hoạt động của công ty đã vi phạm; thực hiện hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người dân bị ảnh hưởng; có chính sách hỗ trợ ngư dân, doanh nghiệp bị thiệt hại và có giải pháp phù hợp giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp để ổn định cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng.

Cử tri và nhân dân bất bình trước việc ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam, mặc dù làm thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước nhưng vẫn được bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng tại Bộ Công thương, UBND tỉnh Hậu Giang. Vừa qua, ông Thanh đã bị khởi tố bị can. Cử tri và nhân dân đề nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, có những giải pháp quyết liệt, mạnh tay hơn nữa trong đấu tranh chống tham nhũng, nhất là những vụ tham nhũng lớn, có biểu hiện “lợi ích nhóm”, gây hậu quả nghiêm trọng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân.

Cử tri và nhân dân tiếp tục phản ánh, kiến nghị một số vấn đề bức xúc như: Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, xây dựng nhiều sân bay, cảng, bố trí vũ khí tại các bãi đá, đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; công tác quản lý an ninh mạng đã bộc lộ nhiều sơ hở nghiêm trọng; việc tái định cư và ổn định cuộc sống của nhân dân khi xây dựng các nhà máy thủy điện nhiều nơi chưa hiệu quả...

Tại phiên khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Báo cáo thẩm tra nêu rõ: Nhìn tổng thể tình hình năm 2016 đã có chuyển biến đúng hướng, tăng trưởng kinh tế tuy không đạt kế hoạch nhưng vẫn khá cao so với các nước trong khu vực; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức dưới 5%; lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định; thu ngân sách vượt dự toán kế hoạch, dự trữ ngoại hối tăng. Sau khi được kiện toàn, Chính phủ đã có thông điệp rõ ràng, phản ứng nhanh trước các vấn đề bức xúc của xã hội, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, “cởi trói” cho doanh nghiệp; thu hút đầu tư FDI tăng cả về số dự án, vốn đăng ký và giải ngân; số doanh nghiệp đăng ký mới, doanh nghiệp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động tăng cao hơn cùng kỳ; khách du lịch quốc tế tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đạt nhiều kết quả tích cực...

Ủy ban Kinh tế của QH đề nghị tập trung một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm sau: Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, khắc phục độ trễ quá dài giữa thời gian ban hành chính sách và thực tế triển khai; loại bỏ rào cản, điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, rà soát cắt giảm thật sự các chi phí không hợp lý do quy định và thực thi pháp luật gây ra cho doanh nghiệp và người dân. Thực hiện nghiêm quy định về dự toán thu, chi, quản lý ngân sách nhà nước theo Hiến pháp, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015; quản lý chặt chẽ, chống thất thoát, lãng phí các dự án đầu tư công theo Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020.

Tiếp tục triển khai tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và các giải pháp xử lý nợ xấu đã được bán cho VAMC, tăng cường công tác thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các biện pháp để hạn chế phát sinh các khoản nợ xấu mới; tập trung tháo gỡ khó khăn về giao dịch tài sản bảo đảm, hình thành thị trường mua bán nợ. Kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện chính sách hỗ trợ tại các vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường biển; có chính sách dài hạn phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng bị ảnh hưởng. Triển khai quyết liệt, giao trách nhiệm cho các bộ, ngành, UBND và người đứng đầu doanh nghiệp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn theo hướng để doanh nghiệp tìm được nhà đầu tư tiềm năng tốt giúp doanh nghiệp tiếp tục phát triển.

Tăng cường thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất và lưu hành sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn chất lượng đã công bố hoặc đã được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy. Nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở, các hoạt động y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu, đặc biệt chú trọng đến công tác phòng bệnh, phòng chống dịch, dân số, sức khỏe sinh sản, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương.

Tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế trên các địa bàn chiến lược, trọng tâm là Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ; đặc biệt coi trọng an toàn thông tin, bảo vệ bí mật Nhà nước. Tăng cường các đợt cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm.

Đầu giờ làm việc buổi chiều, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, với năm nội dung tái cơ cấu kinh tế trọng tâm.

Trình bày Báo cáo thẩm tra kế hoạch này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết: Năm nhóm nội dung tái cơ cấu đã bao quát các lĩnh vực thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, cần làm rõ căn cứ lựa chọn các nhiệm vụ ưu tiên theo từng nhóm nội dung; nghiên cứu bổ sung một số nhiệm vụ có vai trò lớn đối với an ninh tài chính, nâng cao hiệu quả, động lực phát triển sản xuất cũng là nhiệm vụ ưu tiên.

Tiếp đó, sau khi Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo Kế hoạch tài chính 5 năm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải đã trình bày Báo cáo thẩm tra, cho biết: Theo mục tiêu, định hướng Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, Chính phủ phấn đấu tỷ lệ huy động vào NSNN trên GDP trung bình khoảng 20 đến 21%. Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH cho rằng, việc xây dựng tỷ lệ này còn ở mức thấp, chưa thể hiện sự phấn đấu tích cực trong quá trình triển khai. Đề nghị Chính phủ đặt mục tiêu về tỷ lệ huy động trung bình so GDP nhất quán với định hướng kế hoạch đã đặt ra (khoảng 23,5 đến 24%/GDP, trong đó, từ thuế, phí khoảng 21,5 đến 22%/GDP).

Về điều chỉnh tiền lương, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH cho rằng, mức chi điều chỉnh tiền lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công tăng khoảng 7 đến 8%/năm là hợp lý, đi đôi với việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy và đẩy mạnh cải cách đơn vị sự nghiệp công. Có ý kiến đề nghị giai đoạn 2016-2020, cần tăng mức chi điều chỉnh tiền lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công lên 10 đến 12%/năm, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương. Chính phủ cần lưu ý tăng cường công tác quản lý và chú trọng đến sự an toàn và hiệu quả hoạt động của quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế.

Tại phiên làm việc chiều qua, QH nghe các Báo cáo của Chính phủ về: Mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015); Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Kết quả thực hiện NSNN năm 2016, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2017. Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải đã trình bày các Báo cáo thẩm tra về những nội dung nêu trên.

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...